Theo nguồn tin, Shanghai Jin Jiang International Hotels, HNA Group. và quỹ đầu tư quốc gia Trung Quốc China Investment Corp đã cùng nộp một đơn đề nghị Chính phủ Trung Quốc cho phép chào mua Starwood.
Trong khi đó, Bắc Kinh muốn chỉ một công ty nước này chào mua tập đoàn khách sạn Mỹ, và quyết định cuối cùng sẽ được đưa ra trong một vài tuần tới, nguồn tin cho biết.
Có trụ sở tại Stamford, bang Connecticut, Mỹ, tập đoàn Starwood điều hành nhiều thương hiệu khách sạn nổi tiếng như Sheraton, Westin, W Hotels, và St. Regis, với hơn 1.000 cơ sở trên toàn thế giới.
Có trụ sở tại Stamford, bang Connecticut, Mỹ, tập đoàn Starwood điều hành nhiều thương hiệu khách sạn nổi tiếng như Sheraton, Westin, W Hotels, và St. Regis, với hơn 1.000 cơ sở trên toàn thế giới. |
Hiện chưa rõ các công ty Trung Quốc định chào giá bao nhiêu để mua Starwood, nhưng theo nguồn tin, mức giá đưa ra có thể cao hơn so với giá trị vốn hóa thị trường của tập đoàn này. Ngày 27/10, giá trị vốn hóa của Starwood đứng ở mức gần 12 tỷ USD.
Trong phiên giao dịch ngày 27/10, giá cổ phiếu Starwood tăng hơn 9%, mức tăng mạnh nhất trong một ngày kể từ năm 2009, sau khi có tin khách Trung Quốc muốn mua lại.
Nếu diễn ra, đây sẽ là thương vụ công ty Trung Quốc thâu tóm công ty Mỹ lớn nhất từ trước đến nay, theo dữ liệu từ Dealogic. Năm 2007, quỹ đầu tư quốc gia China Investment Corp. chi 5,6 tỷ USD để mua cổ phần 9,9% trong ngân hàng Morgan Stanley, và đến nay đây vẫn là khoản đầu tư lớn nhất của Trung Quốc vào một công ty Mỹ.
Ý định mua lại Starwood là tín hiệu mới nhất cho thấy tham vọng toàn cầu của các công ty Trung Quốc trong lĩnh vực khách sạn. Năm nay, Công ty bảo hiểm Anbang của Trung Quốc đã trả gần 2 tỷ USD để mua lại khách sạn Waldorf-Astoria ở New York. Ngoài ra, một công ty Trung Quốc khác cũng chi khoảng 230 triệu USD để thâu tóm khách sạn Baccarat ở New York.
Theo nguồn tin, Bắc Kinh có thể không cho phép công ty Trung Quốc chào mua Starwood nếu mức giá bị cho là quá cao. Tuy vậy, đã có khoảng hơn một chục đối tác ngỏ ý quan tâm tới Starwood, nhưng chưa rõ bao nhiều công ty đưa ra lời chào mua chính thức. Bởi vậy, thương vụ này có thể để ngỏ cho một công ty Trung Quốc.
Về phần mình, Starwood cũng có những thách thức của riêng mình. Hồi tháng 2 năm nay, Giám đốc điều hành Frits vvan Paasschen của Starwood đã từ chức sau khi Hội đồng Quản trị cho rằng, ông không đủ khả năng để đưa tập đoàn tăng trưởng.
Hồi tháng 4, Starwood tuyên bố đã thuê ngân hàng đầu tư Lazard hỗ trợ xem xét các lựa chọn chiến lược, bao gồm cả bán lại công ty hoặc sáp nhập. Kể từ đó, Starwood đã bán bớt một số tài sản.
Dù nổi tiếng trong lĩnh vực khách sạn cao cấp, Starwood chưa thể tìm ra được một công thức phù hợp để phát triển mảng khách sạn dịch vụ giới hạn có tỷ suất lợi nhuận cao. Sheraton, thương hiệu chiếm hơn 40% tổng số phòng của Starwood, đã để mất thị phần vào tay đối thủ và tập đoàn đang phải nỗ lực để thổi vào thương hiệu này một luồng sức sống mới.