Ông Tiến khẳng định: Việc cổ phần hoá, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) là chủ trương lớn của Chính phủ và một trong những điều kiện của đề án tái cơ cấu DNNN là tiêu chuẩn và yêu cầu đối với nhà đầu tư mua là không được sa thải người lao động (NLĐ).
Ngoài ra, các chính sách chế độ đối với NLĐ khi cổ phần hóa đều được giữ nguyên.
Người lao động sẽ không bị “đẩy ra đường”
Theo ông Dương Quyết Tiến, trong chỉ đạo của Chính phủ vừa qua, đặc biệt là trong việc thoái vốn bán cổ phần theo lô (Quyết định 41 của Thủ tướng Chính phủ), Chính phủ đưa điều kiện người mua phải đảm bảo một số yêu cầu, và một trong những yêu cầu đó là phải đảm bảo công ăn việc làm cho NLĐ và không được phép sa thải NLĐ. Đây là một trong các điều kiện giao cho người sử dụng lao động (NSDLĐ), người chủ cầm vốn khi xây dựng phương án bán vốn theo lô (thoái vốn).
“Ngoài ra còn các chính sách chế độ đối với NLĐ khi cổ phần hóa (CPH) đều vẫn giữ nguyên. Đây là yêu cầu bắt buộc” - ông Tiến khẳng định. Liên quan đến việc mới đây Chính phủ yêu cầu TCông ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) xây dựng kế hoạch, lộ trình về việc sẽ tiến hành thoái hết vốn nhà nước tại 10 DN, bao gồm những đơn vị niêm yết lớn trên sàn chứng khoán như Vinamilk, FPT, Bảo hiểm Bảo Minh... ông Tiến cho biết, việc thoái vốn được Chính phủ chỉ đạo phải đảm bảo nguyên tắc đảm bảo hiệu quả đồng vốn Nhà nước, không được bán bằng mọi giá. Tuy nhiên, việc lựa chọn nhà đầu tư (NĐT) là vấn đề cần quan tâm.
Ông Tiến cũng cho biết, vừa qua có một số trường hợp khi thoái vốn xong, các NĐT mới vào có thay đổi quy trình, lĩnh vực SXKD, dẫn đến rất nhiều NLĐ bị mất việc. Vì thế, tại Nghị định 05/2015 hướng dẫn thi hành Luật Lao động và thông tư 23 của Bộ LĐTBXH hướng dẫn về tiền lương cũng quy định: Các công ty cổ phần sau CPH, nếu cho NLĐ nghỉ việc phải chi trả toàn bộ khoản trợ cấp cho họ, trong đó bao gồm cả giai đoạn là DNNN. Bởi trước đây có quy định khi CPH đã xử lý lao động bằng chính sách lao động dôi dư, NLĐ được nhận sang làm tiếp, DN sẽ kế thừa và sẽ đóng bảo hiểm thất nghiệp.
Ảnh minh họa. |
Đặt vấn đề với những trường hợp NLĐ không đáp ứng được yêu cầu công việc trong quá trình cơ cấu lại DN sẽ xử lý thế nào, không khẳng định vào từng trường hợp cụ thể, song ông Tiến cho rằng “vẫn có trường hợp NLĐ không đạt yêu cầu, việc này sẽ phải thực hiện theo Luật Lao động, tức là phải đào tạo lại, phải phối hợp với công đoàn để xác định có thực sự không đáp ứng được công việc hay không và có chính sách chế độ.
Theo đó DN phải chi trả cho NLĐ đảm bảo đủ các chế độ và đặc biệt là tính cả thâm niên công tác”.
Nên bán đấu giá công khai
Trong khi đó theo Cục Tài chính doanh nghiệp, cho đến thời điểm hết tháng 9/2015, cả nước mới CPH được 94 trên tổng số 289 DNNN, mới đạt 32,5% kế hoạch đề ra. Như vậy, trong chưa đầy 3 tháng tới, vẫn còn tới 195 DNNN phải CPH, tức mỗi tháng phải CPH gần 70 DN. Một trong những lý do chậm trễ trong CPH các DNNN thời gian qua là bản thân các Công ty CPH đều là các DN lớn, khó tìm được NĐT. Quan trọng hơn theo phản ánh của các NĐT, nếu Nhà nước vẫn nắm giữ phần vốn chi phối tại các DN, dù có CPH nhưng không giữ vai trò chi phối, bản chất vẫn không thay đổi được phương thức quản trị DN.
Động thái của Chính phủ tuyên bố thoái toàn bộ vốn Nhà nước tại một số DN lớn cho thấy quyết tâm của Chính phủ, đồng thời mở ra cơ hội tái cơ cấu DNNN, mà bản chất là thay đổi phương thức quản trị DN, mà điều này, nhiều NĐT nước ngoài hy vọng sẽ thế chân các DN Việt Nam để cạnh tranh ngay tại thị trường Việt Nam.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để hiện thực hoá điều này không dễ. Đã có khá nhiều doanh nghiệp và các quỹ đầu tư nước ngoài tham vọng sở hữu cổ phần của Vinamilk từ lâu, nhưng không phải DN nào cũng sẵn sàng thế chân SCIC để bỏ ra khoản tiền lớn tới 2,5 tỷ USD cho một thương vụ.
Trả lời PV Báo Lao Động, bà Bùi Thị Hương - GĐ Điều hành Vinamilk - cho biết, việc bán vốn Nhà nước tại Vinamilk sẽ khiến nhiều NĐT hy vọng sẽ nắm giữ được cổ phiếu của DN. Tuy nhiên, Vinamilk mong muốn các cổ đông hiện nay sẽ tăng thêm tỉ lệ sở hữu hiện có của mình, đặc biệt Nhà nước cần bán đấu giá công khai, rộng rãi và minh bạch để đem về lợi ích cao nhất cho Nhà nước. Vinamilk vẫn tiếp tục phát triển theo định hướng chiến lược của Vinamilk trong 5 năm và 10 năm tới trở thành Công ty đa quốc gia hoạt động trên toàn cầu.
Trong giai đoạn 2016 - 2020, theo ông Dương Quyết Tiến, CPH sẽ diễn ra ồ ạt và tới đây Bộ Tài chính sẽ tiếp tục nghiên cứu kỹ hơn để có những quy định đảm bảo quyền lợi cho NLĐ, trong đó sẽ phối hợp chặt chẽ với Tổng LĐLĐVN trong việc xây dựng các chế độ chính sách hỗ trợ cho NLĐ.