Bán Vinamilk thu về gần 2,5 tỷ USD
Chính phủ vừa có quyết định thoái vốn tại nhiều công ty lớn. Quyết định này nằm trong đề án tái cơ cấu Tổng công ty Đầu tư & Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC). Doanh nghiệp bị thoái vốn được chú ý nhất là Tổng công ty sữa Việt Nam (Vinamilk - VNM).
Theo đó, SCIC sẽ bán toàn bộ hơn 541 triệu cổ phiếu VNM (tương ứng 45,1% vốn Vinamilk). Tính theo thị giá ngày 13/10, lượng cổ phiếu này có giá trị 55.190 tỷ đồng (tương đương 2,47 tỷ USD). Số tiền này thực sự là thách thức lớn với những ai muốn trở thành cổ đông lớn nhất của “ông lớn” ngành sữa Việt Nam.
Nếu thoái vốn thành công khỏi Vinamilk, SCIC sẽ thu về ngót nghét 2,5 tỷ USD. Nhưng SCIC sẽ hao hụt luồng tiền khi mất đi khoản cổ tức lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Năm 2014, SCIC đã nhận 2.164 tỷ đồng từ Vinamilk. Năm 2013, số tiền này thậm chí còn lớn hơn khi đạt 2.597 tỷ đồng.
Sang năm 2015, cổ đông Vinamilk còn hài lòng hơn nữa vì chỉ riêng tạm ứng cổ tức đợt 1/2015, Vinamilk đã chi trả cổ tức bằng tiền mặt lên đến 40%, chưa kể công ty thưởng cổ phiếu tỷ lệ 5:1. Chỉ riêng tiền mặt, SCIC đã thu về 2.164 tỷ đồng.
Có thể thấy, bán Vinamilk nghĩa là SCIC mất đi con gà đẻ trứng vàng. Nhưng những ai tiếc cho SCIC không hẳn phải lo lắng vì không dễ gì bán đi 541 triệu cổ phiếu VNM một cách nhanh chóng. Hiếm có doanh nghiệp nội nào đủ khả năng chi tới gần 2,5 tỷ USD để thế chân SCIC.
2,5 tỷ USD." /> |
Bán cổ phiếu Vinamilk, SCIC có thể thu về gần 2,5 tỷ USD. |
Có khá nhiều doanh nghiệp và các quỹ đầu tư nước ngoài “nhòm ngó” Vinamilk từ lâu nhưng việc “rút két” tới 2,5 tỷ USD cũng không phải dễ dàng gì. Trong những thương vụ thâu tóm đình đám trước đây, tỷ phú giàu nhất Thái Lan Tos Chirativath “chỉ” chi ra 200 triệu USD để mua Trung tâm mua sắm Nguyễn Kim. Metro Việt Nam cũng suýt được chuyển nhượng cho đại gia Thái Lan Berli Jucker (BJC) với giá 879 triệu USD.
Như vậy, xét trong “lịch sử” các thương vụ thâu tóm ở Việt Nam, giá trị thương vụ lên tới 2,5 tỷ USD thực sự là con số vô cùng lớn. Đó còn chưa kể nếu SCIC bán tất cả 45,1% vốn Vinamilk cho đối tác ngoại, những người yêu chuộng hàng Việt có lý do để tiếc nuối vì Vinamilk không còn “thuần Việt”.
Bán 9 doanh nghiệp không bằng bán một phần Vinamilk
Bên cạnh Vinamilk, còn 9 doanh nghiệp nữa cũng nằm trong danh sách SCIC cần thoái vốn lần này. Đó là Tổng công ty cổ phần Bảo Minh (BMI), Tổng công ty cổ phần tái bảo hiểm quốc gia (VNR), Công ty Cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (NTP), Công ty Cổ phần Nhựa Bình Minh (BMP), Công ty cổ phần hạ tầng và bất động sản Việt Nam, Công ty cổ phần Cơ khí và Khoáng sản Hà Giang (HGM), Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Sa Giang (SGC), Công ty Cổ phần FPT (FPT) và Công ty Cổ phần FPT Telecom.
Trong danh sách này, chỉ có Công ty cổ phần hạ tầng và bất động sản Việt Nam và Công ty Cổ phần FPT Telecom chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán nên không xác định được giá của mỗi cổ phiếu. Nhưng chắc chắn số tiền thu về sẽ không hề nhỏ vì tỷ lệ sở hữu Nhà nước tại các doanh nghiệp này lần lượt là 47,6% và 50,2%.
Ở các doanh nghiệp còn lại, giá cổ phiếu tương đối cao nên nếu thoái vốn thành công, tài khoản của SCIC sẽ tăng vọt.
Cụ thể, số tiền về tài khoản của SCIC nhờ bán FPT, BMI, VNR, NTP, BMP, HGM, SGC lần lượt là 755 tỷ đồng, 897 tỷ đồng, 1.143 tỷ đồng, 1.140 tỷ đồng, 1.544 tỷ đồng, 238 tỷ đồng và 182 tỷ đồng. Như vậy, theo thị giá ngày 13/10, giá trị của 7 cổ phiếu này là gần 5.900 tỷ đồng (tương ứng 234 triệu USD).
234 triệu USD là con số tương đối lớn nhưng vẫn khiêm tốn hơn rất nhiều so với số tiền gần 2,5 tỷ đồng mà thương vụ thoái vốn tại Vinamilk mang lại cho SCIC. Như vậy, nếu thoái vốn thành công cả 10 doanh nghiệp kể trên, sẽ có khoảng 3 tỷ USD chảy vào tài khoản SCIC.