Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thương hiệu bia Trúc Bạch hồi sinh như thế nào?

Bia Trúc Bạch “mất tích” vì đắt đỏ nhưng loại bia gắn bó với người Hà Nội này đang trở lại.

Một phần hồn của Hà Nội

Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco) là một trong những ông lớn của ngành đồ uống có cồn tại Việt Nam. Tiền thân của Habeco ngày nay là Nhà máy Bia Hommel được thành lập từ năm 1890. Sau nhiều thăng trầm biến đổi cùng lịch sử đất nước, năm 1957, nhà máy bia Hommel được Chính phủ tiếp quản và đổi tên thành Nhà máy bia Hà Nội.

Chỉ sau hơn một năm, thế hệ cán bộ công nhân viên đầu tiên của Habeco đã không ngừng nỗ lực để khôi phục nhà máy và cho ra đời những chai bia đầu tiên của Việt Nam. Ngày “đứa con đầu lòng” ra đời là 15/8/1958. Từ đó, 15/8/1958 được xem là ngày truyền thống của Bia Hà Nội.

Bia Trúc Bạch có tem phiếu riêng.

Sản xuất ra bia đã khó, nghĩ ra cái tên cho đứa con đầu lòng dường như càng khó hơn. Ông Võ Tiến Kỷ và ông Lê Văn Ba, những giám đốc thời kỳ đầu của Bia Hà Nội quyết định lấy tên là Bia Trúc Bạch, với ý nghĩa chỉ địa danh hồ Trúc Bạch trên mảnh đất ngàn năm văn hiến, và gần trụ sở Nhà máy Bia Hà Nội. Mặc dù mới xuất hiện nhưng bia Trúc Bạch không sử dụng chiến lược giá rẻ mà gây ấn tượng khi “niêm yết” giá nhỉnh hơn so với bia hơi truyền thống vẫn sử dụng “công nghệ Hommel” từ cuối thế kỷ XIX.

Dù giá không rẻ nhưng do có hương vị độc đáo, quyến rũ, cộng với việc được hệ thống thương mại Xã hội Chủ nghĩa ưu ái, bia Trúc Bạch nhanh chóng chiếm được cảm tình của người tiêu dùng và lên "như diều gặp gió".

Bia Trúc Bạch định vị được mình là sản phẩm sang trọng nhưng được tiêu thụ rộng rãi và trở thành một phần “hồn” không thể thiếu của Hà Nội. Cũng giống như Kem Tràng Tiền, bia Trúc Bạch đã chiếm lĩnh được trái tim người tiêu dùng Hà Nội.

Với thế hệ 7X đời cuối và 8X đời đầu của Hà Nội, bia Trúc Bạch len sâu tâm hồn họ một cách rất tự nhiên. Ngày đó, thế hệ này mới chỉ học cấp 1, cấp 2, độ tuổi hiếm khi được thưởng thức bia nhưng cho đến nay, khi được hỏi về loại bia này, nhiều người vẫn còn nhớ.

Tuy nhiên, bia Trúc Bạch cũng có những bước thăng trầm. Trong những năm 1990, nền kinh tế nước nhà có nhiều biến chuyển, bia Trúc Bạch âm thầm rời khỏi thị trường. Có nhiều nguyên nhân khiến bia Trúc Bạch bỗng dưng mất tích.

Trong những năm 1990, Bia Hà Nội gặp khá nhiều khó khăn khi chuyển đổi mô hình sang công ty tự hoạch toán kinh doanh. Việc nhập khẩu các nguyên liệu gặp khó khăn. Bên cạnh đó, nhu cầu của người tiêu dùng gia tăng mạnh trong khi công suất của Nhà máy có hạn, chỉ đạt 35 triệu lít/năm. Vì vậy, Bia Hà Nội không thể đáp ứng được mọi nhu cầu của người tiêu dùng. Và chắc chắn, sẽ có sản phẩm phải dừng sản xuất.

Cũng cần phải biết thêm, thập niên 1990 là thời điểm ngành bia cạnh tranh vô cùng gay gắt. Giữa thập niên 1990, nhiều công ty bia trong nước lâm vào tình trạng khó khăn. Họ tìm lối thoát bằng cách chuyển hướng sang tập trung sản xuất bia hơi, hoặc sáp nhập với các Công ty bia lớn, có tên tuổi để gia công sản phẩm cho họ. Phần còn lại, chấp nhận số phận làm “con mồi” cho đối tác ngoại thâu tóm. Bia Huế là ví dụ điển hình nhất.

Thời điểm đó, bia Vạn Lực giá rẻ của Trung Quốc theo chân các tiểu thương "tràn" sang nước ta, lập tức được phần đông người dân Việt đón nhận. Lúc đó, nhà nhà dùng bia Vạn Lực, người người dùng bia Vạn Lực. Bia Vạn Lực thậm chí còn "phủ sóng" xuống tận mũi Cà Mau.

Đứng trước muôn vàn thách thức đó, bia Trúc Bạch kém tính cạnh tranh hơn cả khi giá cao, vượt quá khả năng chi tiêu của người dân. Bên cạnh đó, ngân sách nhà nước có hạn không cho phép nhập các nguyên liệu sản xuất bia đắt đỏ như malt, hoa Houblon... Do vậy, bia Trúc Bạch lúc này đã phải ngừng sản xuất.

"Lấy trứng chọi đá"

Sau khi bia Trúc Bạch mất tích, không chỉ tín đồ bia hơi cảm thấy vô cùng tiếc nuối, những người yêu thương hiệu Việt cũng cảm thấy xót xa. Và rồi, cho tới khi nỗi xót xa dần nhạt đi, bia Trúc Bạch bỗng trở lại.

Năm 2008, nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày truyền thống - ngày chai Bia Trúc Bạch đầu tiên ra đời, Ban lãnh đạo Habeco quyết định phục hồi sản phẩm vang danh một thời: “Bia Trúc Bạch”. Và bia Trúc Bạch quay lại thị trường đúng vào thời điểm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Bia Trúc Bạch hồi sinh.

Theo lời giới thiệu của Habeco, bia Trúc Bạch là kiệt tác được sinh ra từ sự kết tinh của những điều tốt nhất, kết hợp giữa bí quyết sản xuất bia hơn 120 năm nay của Habeco và các nguyên liệu quý hiếm nhập khẩu trên thế giới. Các loại nguyên liệu đó là lúa mạch nhập khẩu từ Czech và Pháp; hoa bia Saaz, một trong bốn loại hoa bia thuộc dòng hoa Quý tộc của thế giới,… Bia Trúc Bạch rất êm dịu và đậm đà càng uống càng “vào”, mang đến cho người yêu bia một hương vị độc đáo.

Nhưng nếu chỉ có vậy, bia Trúc Bạch chưa chắc đã nhận được sự chú ý từ dư luận. Bên cạnh chất lượng, một yếu tố quan trọng góp phần giúp bia Trúc Bạch thành công chính là chiến lược giá cao.

Thay vì sử dụng chính sách giá thấp, ban lãnh đạo Habeco quyết định giữ đẳng cấp mà bia Trúc Bạch đã làm được trong suốt thời kỳ đầu. Chính vì vậy, bia Trúc Bạch có giá cao hơn cả Heineken, một trong những loại bia cao cấp, bán chạy trên thị trường.

Thời gian đầu, dư luận rất xôn xao trước mức giá “không tưởng” của bia Trúc Bạch. Không ít người cho rằng, Habeco liều lĩnh khi "đem trứng chọi đá". Tuy nhiên, sau nhiều lần thưởng thức sản phẩm, lượng tiêu thụ bia Trúc Bạch tăng dần.

Theo Habeco, sản lượng tiêu thụ tăng trưởng trung bình của bia Trúc Bạch cao gấp 3-4 sản lượng tiêu thụ trung bình chung của các loại bia khác. Ông Nguyễn Hồng Linh, Tổng giám đốc Habeco khẳng định, Tổng công ty vẫn tiếp tục đầu tư cho kênh phân phối, marketing để đẩy mạnh tăng trưởng bia Trúc Bạch.

Còn ông Nguyễn Tuấn Phong, Chủ tịch Habeco giải thích: Người tiêu dùng uống bia Heineken là "uống thương hiệu", còn với bia Trúc Bạch, ngoài thị trường có giá cao hơn nhưng vẫn hút khách vì phù hợp khẩu vị của người Việt, đáp ứng nhu cầu của phân khúc cao cấp cả về hình thức lẫn chất lượng.

Theo VTC News

Bạn có thể quan tâm