Tập đoàn Costco khai trương siêu thị đầu tiên tại Trung Quốc vào ngày 27/8 ở thành phố Thượng Hải. Wall Street Journal nhận định việc cửa hàng "thất thủ" và phải đóng cửa vào buổi chiều ngày khai trương cho thấy nhu cầu của người Trung Quốc đối với hàng Mỹ vẫn cao, bất chấp thương chiến giữa hai nước đang ở giai đoạn rất căng thẳng.
Những đám đông người Trung Quốc vẫn đổ đến siêu thị theo phong cách Mỹ, mong mua được tã giấy Pampers, cranberry Ocean Spray và vali Samsonite với mức giá ngày khai trương, bất chấp những cãi vã chính trị ở thượng tầng giữa Bắc Kinh và Washington.
Khách hàng đổ xô đến Costco Thượng Hải mong mua được hàng hóa với mức giá khuyến mãi ngày khai trương. Ảnh: Getty. |
Thương chiến "nhạy cảm", nhưng hàng Mỹ giảm giá vẫn đắt khách
Wang Xu đẩy một xe đẩy chất đầy nước táo, sữa rửa mặt và hai chiếc vali. Ông nói đã tiêu hết 4.000 nhân dân tệ (570 USD) trong chuyến mua sắm kéo dài gần một ngày.
Ông Wang, nhân viên một công ty đào tạo, nói ông đã biết đến Costco qua Internet và gia đình ông từng mua hàng ở siêu thị này thông qua các hệ thống nhập khẩu hàng Mỹ tiểu ngạch. "Giờ Thượng Hải có cửa hàng riêng, nên tôi đến xem thử", ông nói.
Ông Wang xua tay từ chối khi bị hỏi về chiến tranh thương mại. Vợ ông nói chủ đề này "quá nhạy cảm".
Siêu thị Costco đầu tiên của Trung Quốc, nằm ở Thượng Hải, là khu đất rộng gần 14.000 m2 xen giữa một trạm cứu hỏa và văn phòng của các công ty sản xuất iPhone.
Trong email quảng cáo hồi tháng 6, Costco hứa hẹn sẽ mang lại một trải nghiệm mua sắm "tuyệt vời như các siêu thị ở Mỹ".
Siêu thị Costco Thượng Hải có diện tích lớn hơn diện tích các siêu thị Costco tại Mỹ và bãi đậu xe, với 1.200 chỗ, là bãi đậu xe lớn nhất của chuỗi cửa hàng này trên thế giới.
Costco đưa ra mức giá thành viên Gold Star là hơn 40 USD. Một vài người mua sắm nói rằng họ đã đăng ký thành viên qua mạng để được giảm 1/3 giá. Một trong số đó là He Jinfeng, người đến mua 28 cái bánh sừng bò, 2 pizza Hawaii và 3 bịch hot dog.
Bà He, 67 tuổi, mua bánh sừng bò cho các cháu khi tò mò không biết vị cái bánh với giá gần 6 USD/hộp sẽ thế nào. Bà vật vã giữa đám kẹt xe trên đường trong 2 tiếng vào buổi trưa và nói rằng bài trí trong siêu thị không được trật tự.
Những người mua hàng khác nói rằng họ phải xô đẩy để mua được hàng giảm giá, đứng sau những hàng dài chờ tính tiền và chờ thêm 20 phút nếu muốn dùng toilet. Những cảnh tượng đấy đều được ghi lại và lan truyền trên mạng xã hội Trung Quốc.
Đến giữa ngày, siêu thị đã phải đóng cửa không nhận thêm khách mới, trong khi các khách đã vào trong vẫn tiếp tục mua sắm. Ảnh: Getty. |
Khai trương ngay lúc thương chiến leo thang
Những nhà bán lẻ nước ngoài đôi lúc bị ngợp bởi đám đông khách hàng Trung Quốc đến vào ngày khuyến mại. Năm 2007, một cuộc giẫm đạp đã diễn ra để mua dầu ăn giảm giá, khiến 3 người chết và 31 người bị thương tại cửa hàng của nhà bán lẻ Carrefour SA của Pháp.
"Khi những cánh cửa mở ra, chúng tôi nhìn thấy một số lượng kỷ lục thành viên đến mua sắm", đại diện của Costco thông báo, nhưng không đưa ra con số cụ thể. Costco nói nhân viên của họ đã chuẩn bị cho những đám đông lớn như thế.
Costco hứa rằng việc khách hàng được mua sắm thoải mái, an toàn là ưu tiên của hãng, và hãng đang làm việc với giới chức địa phương để kiểm soát giao thông.
Đám đông đã khiến Costco phải đóng cửa sau 13h ngày 27/8, sớm hơn 8 tiếng so với dự định. Một nhóm cảnh sát và an ninh chắn lối vào siêu thị, trong khi một số người vẫn cố gắng vào. Hãng nói rằng quyết định đóng cửa nhằm đảm bảo những người đã đến có trải nghiệm mua sắm tốt nhất.
Cảnh sát ra thông báo cho các lái xe tránh đến Costco, bên cạnh đó là hình ảnh cho thấy con đường bên cạnh cũng bị phong tỏa. Tới chập tối, mọi người có thể nghe thấy nhóm các cảnh sát đang hướng dẫn nhân viên Costco điều phối đám đông.
Costco đã quảng cáo cho ngày khai trương của hãng trong nhiều tháng, tại các hội chợ thương mại và trên mạng xã hội.
Ngày khai trương lại đến giữa lúc Mỹ và Trung Quốc liên tục "ăn miếng trả miếng" về thương mại, đẩy căng thẳng lên cao.
Người dân Thượng Hải đăng ký thẻ thành viên Costco hôm 24/8. Ảnh: Reuters. |
Cũng cuối tuần qua, Phòng Thương mại Mỹ tại Thượng Hải đã bày tỏ ủng hộ mục tiêu của chính quyền Mỹ về việc tái cân bằng thương mại với Trung Quốc.
"Tuy nhiên, chúng tôi không nghĩ là các công ty Mỹ đang rời Trung Quốc", Wall Street Journal trích thông báo của phòng này.