Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Thượng Chi văn tập' - bộ sách nhỏ nhưng không nhỏ của Phạm Quỳnh

Bộ sách mà Phạm Quỳnh khiêm tốn cho là "nghe được", nhưng những ai đọc qua đều thừa nhận đó là tác phẩm mang giá trị lâu bền, vừa tái xuất trong diện mạo mới.

Phạm Quỳnh (1892-1945) là một nhà văn hóa, nhà báo, nhà văn và quan đại thần triều Nguyễn. Ông đi tiên phong trong sử dụng chữ Quốc ngữ và dùng tiếng Việt, thay vì chữ Nho hay tiếng Pháp, để viêt lý luận nghiên cứu.

Ông có tên hiệu là Thượng Chi, các bút danh như Hoa Đường, Hồng Nhân. 

Tài liệu đến nay vẫn chưa hết thời sự

Trong lịch sử Việt Nam, Phạm Quỳnh thuộc vào số không nhiều các tác giả để lại một sự nghiệp văn hóa đồ sộ, cả về tầm tư tưởng lẫn khối lượng trước tác. Thượng Chi văn tập là một phần nhỏ trong số hàng chục nghìn trang viết suốt cuộc đời tận tụy làm việc của ông. 

Thuong Chi Van tap,  Pham Quynh,  Tieng Viet anh 1
Học giả Phạm Quỳnh.

Năm 1943, theo yêu cầu một số độc giả, Phạm Quỳnh chọn lọc và biên tập lại một số bài của ông đã đăng trên Nam Phong tạp chí (ra mắt năm 1917, kết thúc năm 1934), cho in thành một bộ sách 5 cuốn là bộ Thượng Chi văn tập.

Năm 1962, theo nguyện vọng của số đông trí thức, NXB Bộ Quốc gia Giáo dục cho tái bản bộ sách, với niềm tin "giới học giả, các giáo sư và sinh viên đã tìm thấy ở bộ sách này một tài liệu phong phú, vừa có giá trị tham khảo, vừa đánh dấu một giai đoạn văn học sử nước nhà". 

Mới đây, bộ sách được xuất bản trong diện mạo mới. Các tập sách được gộp chung thành một cuốn dày 795 trang khổ lớn (15 x 24cm). 

Sách tập hợp những bài viết đa dạng thể loại của Phạm Quỳnh, từ dịch thuật tới khảo luận, phê bình, ký sự... Lĩnh vực mà sách bao phủ rộng, từ văn hóa, văn học, giáo dục, chính trị, kinh tế tới triết học...

Thuong Chi Van tap,  Pham Quynh,  Tieng Viet anh 2
Bìa sách Thượng Chi văn tập của Phạm Quỳnh mới phát hành tháng 4.

Tác giả giới thiệu những học thuyết Đông Tây kim cổ, những luận bàn về các vấn đề nóng thời đó (như chữ quốc ngữ, quốc học...) mà cho đến hôm nay vẫn chưa hết tính thời sự.

Nội dung các bài viết trong sách tập trung ở 3 chủ đề lớn: Các học thuyết Á Đông, Âu Tây và văn hóa Việt. Trong đó, có những bài viết khái quát, lại có những bài viết bàn về một lĩnh vực nhỏ, từng trường hợp cụ thể.

Chỉ cần kể ra tên một vài bài viết trong sách, cũng đủ thấy độ rộng mà kiến thức Phạm Quỳnh viết ra: Nghĩa vụ là gì?, triết học là gì? đẹp là gì? tiếng Việt Nam có cần phải hợp nhất không? Truyện Kiều, văn minh luận, Phật giáo lược khảo, Khổng giáo luận, lăng tẩm Huế cùng văn hóa, thế lực của đồng tiền, vấn đề tiến hóa các dân tộc... 

Mỗi trang viết của Phạm Quỳnh được đánh giá là thể hiện sự điềm đạm, cẩn trọng của tác giả với tư duy rành mạch, văn phong sáng rõ mà vẫn lấp lánh những nhận xét tinh tế, dí dỏm và chính xác. 

Một cột mốc trong sự phát triển văn hóa nước nhà

Thượng Chi văn tập và tác giả Phạm Quỳnh dù có một thời gian nằm im dưới những thăng trầm của lịch sử, vẫn sẽ còn được nhắc nhớ và ghi nhận như một cột mốc trong sự phát triển văn hóa nước nhà.

Các bài viết của Phạm Quỳnh cùng sự nghiệp của ông được giới học thuật đánh giá cao. Nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Phan trong Nhà văn hiện đại viết: “Phạm Quỳnh là một nhà văn có thể bàn luận một cách vững vàng và sáng suốt bất cứ về một vấn đề gì, từ thơ văn cho đến triết lý, đạo giáo, cho đến chính trị, xã hội, không một vấn đề nào là ông không tham khảo tường tận trước khi đem bàn trên mặt giấy". 

Tờ Nam Phong tạp chí do Phạm Quỳnh làm chủ bút cũng được Vũ Ngọc Phan cho là một tài liệu quan trọng. Vũ Ngọc Phan viết: "Trong lịch sử văn học hiện đại, người ta sẽ không thể nào quên được tạp chí Nam Phong, vì nếu ai đọc toàn bộ tạp chí này, cũng phải nhận là rất đầy đủ, có thể giúp cho người học giả một phần to tát trong việc soạn một bộ bách khoa toàn thư bằng quốc văn".

Thuong Chi Van tap,  Pham Quynh,  Tieng Viet anh 3
Học giả Phạm Quỳnh (đeo kính) và  nhà văn Phạm Duy Tốn khi còn trẻ.

Nhà nghiên cứu Dương Quảng Hàm viết về hai học giả Nguyễn Văn Vĩnh và Phạm Quỳnh trong Việt Nam văn học sử yếu như sau: 

“Ông Vĩnh có công diễn dịch những tiểu thuyết và kịch bản của Âu Tây và phát biểu những cái hay trong tiếng Nam ra; ông Quỳnh thì có công dịch thuật các học thuyết tư tưởng của Thái Tây và luyện cho tiếng Nam có thể diễn đạt được các ý tưởng mới".

"Đối với nền văn hóa cũ của nước ta, thì ông Vĩnh hay khảo cứu những phong tục tín ngưỡng của dân chúng, mà ông Quỳnh thường nghiên cứu đến chế độ, văn chương của tiền nhân. Văn ông Vĩnh có tính cách giản dị của một nhà văn bình dân, văn ông Quỳnh có tính cách trang nghiêm của một học giả. Tuy văn nghiệp của mỗi người có tính cách riêng, nhưng hai ông đều có công với việc thành lập quốc văn vậy".

Học giả Phạm Quỳnh là nhà văn, nhà báo, nhà văn hóa lớn của Việt Nam đầu thế kỷ XX. Ông sinh ở Hà Nội, học trường Tiểu học Pháp Việt, trường Trung học Bảo hộ (trường Bưởi), đỗ đầu bằng thành chung, được bổ nhiệm làm việc tại trường Viễn Đông Bác cổ.

Từ 1913 ông cộng tác với Đông Dương tạp chí, đến 1917 làm chủ nhiệm kiêm chủ bút Nam Phong tạp chí. 1924-1932, làm giảng sư khoa Văn chương và Ngôn ngữ Hán Việt tại trường Cao đẳng Hà Nội. Từ 1932 ông giữ chức ngự tiền văn phòng, rồi thượng thư bộ Học, thượng thư bộ Lại trong chính quyền vua Bảo Đại.

Phạm Quỳnh là người đi tiên phong và có đóng góp đặc biệt quan trọng trong việc sử dụng chữ quốc ngữ và tiếng Việt, cổ xúy xây dựng nền giáo dục quốc gia, đề nghị thiết lập bậc tiểu học bằng tiếng Việt ở Đông Dương. Ông tích cực dịch thuật, truyền bá những tinh hoa tư tưởng Đông Tây với mục đích khai dân trí, bồi dưỡng quốc túy, quốc hồn của dân tộc.



Tần Tần

Bạn có thể quan tâm