Không biết từ bao giờ, chúng ta bắt đầu đo lường chất lượng cuộc đời bằng những con số. Số lượt xem và nghe của một video hay bài hát, số lượt view của một bài viết, số lượt thích và chia sẻ qua mạng xã hội... Thứ hạng, về sự nổi tiếng, của từng người hiện lên qua những thống kê lạnh lùng.
Nổi tiếng là đích đến trong hầu hết ngành nghề nếu có thể: từ những ngành nghề được đo lường bằng danh tiếng như ca sĩ, diễn viên, người mẫu, influencer, KOL, đến những ngành nghề vốn hướng đến các giá trị khác như bác sĩ, luật sư, chính trị gia, cầu thủ bóng đá, giảng viên... Nếu không nổi tiếng đối với toàn xã hội, thì ít nhất phải nổi tiếng với giới của mình.
Mang mác 'đại học danh giá' để làm gì?
Nhà báo Lương Nguyễn An Điền nổi tiếng tương đối trong giới của mình. Anh là nhà báo tài năng, làm việc cho nhiều cơ quan báo chí lớn ở Việt Nam. Anh tốt nghiệp thạc sĩ ngành Dữ liệu Báo chí của Đại học Columbia (Mỹ) theo chương trình Học bổng Fulbright của Bộ Ngoại giao Mỹ.
Nói về Fulbright, đây từng là cái mác vô cùng sang trọng, được gắn lên nhiều học giả, nghệ sĩ, nhà giáo, luật sư, tác giả sách... ở Việt Nam cách đây nhiều năm. Nhiều người giới thiệu bản thân mình chỉ cần đệm thêm chữ "Fulbrighter" (người được cấp học bổng Fulbright).
"Colombia chỉ là một cái trường sang chảnh sản xuất đại trà ra mấy thằng phóng viên tầm phào và cho tụi nó ảo tưởng là tụi nó giỏi"
- trích sách "Không nổi tiếng cũng đâu có sao"
Những năm trước, rất nhiều người lên báo trả lời phỏng vấn, được đưa tin về thân thế sự nghiệp sau khi đi học theo chương trình của Fulbright về. Thậm chí, gắn luôn chữ "Fulbrighter" vào tên chính thức để hành nghề sau khi về nước.
Đến gần đây, cái mác đó cũng bớt đi độ nóng. Nhà báo An Điền hiểu điều này.
Trong lần ra mắt trước cơ quan báo chí mới gần đây, khi được giới thiệu "học rất giỏi, có bằng thạc sĩ báo chí ở Đại học Columbia", anh đã cười ngượng: "Làm nhà báo mà được giới thiệu là học giỏi thì không biết các anh chị ở đây có cười không".
Trong cuốn sách Không nổi tiếng cũng đâu có sao, anh dành một chương để đề cập về "cái danh" học Columbia. "Columbia đã dạy cho tôi một bài học quý gấp triệu lần số tiền học phí trường thu về. Đó là thành công thực sự không đến với những ai chỉ chờ đến ngày lãnh cái bằng tốt nghiệp và ôm cái mác 'danh giá' về phe phẩy", anh viết.
Cuốn sách Không nổi tiếng cũng đâu có sao, tác giả Lương Nguyễn An Điền. Ảnh: Anbooks. |
Lương Nguyễn An Điền giải thích anh chọn Columbia để học thạc sĩ không phải vì danh tiếng của ngôi trường mà vì điều đó cho anh cơ hội học tập và tác nghiệp tại New York, thành phố có nền báo chí phát triển bậc nhất thế giới.
"Tôi có thể nói chuyện với bất kỳ ai trên đường ở thành phố này: trụ sở của các tờ báo lớn đều đặt ở đây, một kho đề tài đến từ sự đa dạng luôn chờ chúng tôi khám phá", tác giả lý giải.
Tác giả cũng gặp một "xô nước lạnh" khi học ở Columbia khiến anh hoàn toàn thoát được "ảo tưởng sức mạnh" về ngôi trường của mình. Đó là khi anh gửi thư tạo dựng mối quan hệ với một nhà báo lớn, và nhận được hồi đáp: "Trường Báo chí Columbia là trò hề. Nó chỉ là một trường sang chảnh sản xuất đại trà ra mấy thằng phóng viên tầm phào và cho tụi nó ảo tưởng là tụi nó giỏi".
Nếu đánh giá mọi thứ dựa trên nấc thang danh tiếng, dường như sẽ không có điểm dừng. Columbia là trường báo chí hàng đầu thế giới, nhưng tác giả An Điền cũng ý thức được rằng, với những ai không ở trong ngành báo chí, có khi cái tên Columbia chẳng có giá trị gì với họ.
Trích dẫn trong cuốn sách. Ảnh: Anbooks. |
Hầu hết người Việt Nam, nếu nhắc đến "đại học Mỹ", "danh giá", "hàng đầu thế giới", họ chỉ nghĩ ngay đến một cái tên mà thôi: Harvard.
Vậy nên, danh giá lại có danh giá hơn. Cuộc đua này bao giờ có điểm dừng, nếu con người không biết cách tìm kiếm giá trị thực của mình, chẳng hạn, nhà báo thì thước đo là phải làm báo giỏi.
Nhẹ nhõm nhưng là lời cảnh tỉnh cho những ai 'ảo tưởng sức mạnh'
Với 91 trang cỡ nhỏ, Không nổi tiếng cũng đâu có sao là cuốn sách mỏng nhẹ. Ý tưởng viết sách được hình thành sau một cuộc cà phê của tác giả và người bạn Phương Thảo, chủ thương hiệu sách Anbooks.
Cho rằng "Không nổi tiếng cũng đâu có sao" là thông điệp thú vị, cần được đưa đến với nhiều người, chị Thảo thúc giục nhà báo An Điền hoàn thành cuốn sách.
Bối cảnh ra đời đơn giản như vậy nên sách cũng đơn giản, chưa thực sự đi sâu vào các tầng vỉa của danh tiếng, chỉ ra lý do người ta đam mê danh tiếng đến vậy, thẳng thắn nhìn nhận lợi ích của danh tiếng, một góc nhìn từ phía những người có tham vọng nổi tiếng... Sách viết hầu như theo chiều ngược lại, từ góc nhìn của những con người bé nhỏ.
Sách tập hợp những bài viết ngắn, những suy nghĩ tản mạn, có chủ đề chung là những con người không nổi tiếng trong các ngành nghề khác nhau, nhưng mỗi người đều đang sống cuộc đời ý nghĩa.
Đó là những diễn viên đóng vai phụ, vai quần chúng, nhắc tuồng, nhân viên hậu đài, dọn dẹp...của sân khấu kịch Sài Gòn, bác nhân viên nhà sách thông thạo mọi thứ về công việc của mình ở quận 1.
Đó là anh chàng gốc Quảng Bình là người xuất khẩu lao động Đài Loan đang phấn đấu làm việc để nuôi gia đình, là người đồng nghiệp Ấn Độ Hari luôn nán lại văn phòng mỗi tối để trò chuyện video với các con vì lệch múi giờ.
Đó là cô bạn nhà báo Sonali cố gắng trở thành "siêu nhân" trong nghề để người Ấn Độ không bị coi thường ở Mỹ, là bạn sinh viên nộp đơn xin học bổng với thư giới thiệu của bác lao công...
Những người nổi tiếng có cuộc sống mà ai cũng mơ ước nếu chỉ nhìn từ bên ngoài. Ảnh: Elite Daily. |
Và đối lập với những hình ảnh đó là những người đang biến bản thân thành nô lệ của "nổi tiếng và danh giá". Đó là những nhà báo đi công tác nhưng chỉ ở khách sạn 5 sao nhìn ra cửa sổ, chụp ảnh đẹp và đăng lên mạng xã hội để kiếm "nghìn like".
Tác giả An Điền nhớ lại câu hỏi ấn tượng anh từng gặp trong một chuyến công tác. Đó là chuyến công tác đến một nước châu Á, trong buổi giao lưu, một nhà báo địa phương đặt câu hỏi cho các đồng nghiệp nước bạn: "Các bạn đã gặp, phỏng vấn người dân ở đây chưa, hay chỉ đi gặp toàn quan chức thôi?".
Câu hỏi đó hẳn khiến nhiều nhà báo "nghìn like" tím mặt.
Tác giả cũng lấy ví dụ những gia đình người Việt cho con nhỏ học tiếng Anh từ sớm và ép chúng dùng thay cho tiếng Việt vì "tiếng Anh sang hơn" và hướng đến tương lai du học.
Không đao to búa lớn, đây là cuốn sách mang lại sự nhẹ nhõm cho người đọc. Nếu có phần tiếp theo, có lẽ anh nên đề cập thêm đến các ngôi sao giải trí, bóng đá, chính trị... để góc nhìn đa dạng, nhiều chiều. Còn trong cuốn sách này, tác giả viết nhiều về nghề báo, nghề nghiệp của anh, vì có cả trải nghiệm lẫn suy ngẫm sâu sắc về nghề này.
Đó cũng là điều cần thiết, trong bối cảnh của báo chí Việt Nam, khi ngày càng có nhiều nhà báo coi mình là "người nổi tiếng" hay "ngôi sao" và lèo lái dư luận xã hội.