"Tổng thống Donald Trump xuất hiện trước ống kính truyền hình. Ông gỡ khẩu trang và phát biểu trong vài phút. Đoạn video cận cảnh cho thấy mũi ông phập phồng thở gấp", Bloomberg miêu tả về đoạn video tại Nhà Trắng sau khi tổng thống xuất viện.
Tổng thống Trump xét nghiệm dương tính với Covid-19 ngày 1/10. Ông nhập viện ngay chiều hôm sau vì nồng độ bão hòa oxy xuống thấp.
Trong vòng 2 ngày cuối tuần, ông được điều trị bằng những thuốc vốn chỉ dành cho bệnh nhân Covid-19 thuộc diện nặng. Tuy nhiên, đến tối 5/10, nhà lãnh đạo Mỹ đã được xuất viện sớm, trở về điều trị ở Nhà Trắng.
Nhà lãnh đạo Mỹ dường như đang được đặc cách. Theo các bác sĩ, điều này không chắc sẽ tốt cho sức khỏe của ông, thậm chí có thể mở ra những rủi ro đáng ngại.
Tổng thống Donald Trump trở về Nhà Trắng chỉ sau chưa đầy 4 ngày điều trị tại bệnh viện quân y Walter Reed. Ảnh: Getty. |
Bloomberg cho biết hiện tượng này khá phổ biến và còn có tên riêng: "Hội chứng VIP".
Những bệnh nhân giàu có và nổi tiếng thường được tiếp cận những biện pháp điều trị y học hiện đại nhất. Tuy nhiên, việc chăm sóc cho các "yếu nhân" có thể khiến bác sĩ chịu nhiều áp lực, thúc đẩy họ thử nghiệm những loại thuốc mới và liệu trình điều trị để chiều lòng dư luận.
Quyết định mạo hiểm
Cho ông Trump xuất viện sớm là quyết định gây tranh cãi mới nhất của đội ngũ y tế Nhà Trắng kể từ khi nhà lãnh đạo nhập viện. Bệnh viện Walter Reed còn kê toa cho ông nhiều loại thuốc chưa được cấp phép chính thức bởi chính cơ quan quản lý thuốc Mỹ.
REGN-COV2 của Regeneron là một trong các loại thuốc đầu tiên được tiêm cho Tổng thống Trump. Sản phẩm này mới được thử nghiệm với vài trăm người. Thuốc đã thể hiện tiềm năng trong các giai đoạn thử nghiệm đầu tiên.
Tuy nhiên, chưa có bằng chứng đủ thuyết phục về độ an toàn và hiệu quả nếu nó được dùng chung với thuốc remdesivir của Gillead, như trường hợp của ông Trump. Liệu trình của remdesivir cũng kéo dài đến 5 ngày. Ông Trump rời bệnh viện khi mới xong ngày điều trị thứ 2.
Ngày 4/10, các bác sĩ của ông Trump nói họ bắt đầu dùng thêm dexamethasone. Loại thuốc steroid này đã được sử dụng trong nhiều thập niên qua, nhưng cũng chưa có dữ liệu nghiên cứu về phản ứng nếu dùng chung với redesivir và REGN-COV2.
Theo Nhà Trắng, các bác sĩ của bệnh viện quân y Walter Reed còn cho ông dùng thuốc bổ sung kẽm, melatonin (điều trị rối loạn giấc ngủ) và Pepcid (chứa famotidine điều trị loét dạ dày và ruột).
Sean Conley, bác sĩ riêng của ông Trump, khẳng định sẽ không bỏ qua bất kỳ liệu trình nào có khả năng giúp ích cho tổng thống. Conley ngày 3/10 nhấn mạnh trong buổi họp báo đầu tiên sau khi ông Trump nhập viện: "Đây là tổng thống. Tôi không muốn bảo lưu bất kỳ điều gì. Nếu có cách nào cải thiện việc chăm sóc và đẩy nhanh thời điểm ông ấy trở lại làm việc, tôi sẽ làm".
Tổng thống Trump những tháng qua cũng thể hiện rõ tâm lý sẵn sàng đánh cược với liệu trình thử nghiệm. Tháng 5, sau khi một trợ lý mắc Covid-19, ông Trump tự dùng thuốc trị sốt rét hydroxychloroquine để ngừa virus corona. Các nghiên cứu liên quan cho thấy thuốc này không giúp ngăn chặn lây nhiễm.
Bác sĩ Sean Conley đưa ra hàng loạt quyết định gây tranh cãi về phác đồ điều trị cho tổng thống Mỹ. Ảnh: Time. |
Thông điệp sai lầm
Theo chuyên gia y khoa Vinay Prasad của Đại học California, San Francisco, kiểu suy nghĩ làm mọi cách còn hơn không làm gì vốn là một nhầm lẫn phổ biến. Ông lưu ý hơn 90% bệnh nhân Covid-19 khỏi bệnh mà không cần can thiệp điều trị.
"Nếu tính điều gì tốt nhất dành cho tổng thống, cách thức hiện nay không tốt. Chúng ta làm nghiên cứu vì không biết liệu thuốc có hiệu quả hay không, chứ chưa bàn đến câu chuyện thuốc đó dùng với sản phẩm khác chưa được chứng minh", ông nhấn mạnh.
Áp dụng một cách quyết liệt các liệu trình mới và chưa được kiểm chứng giống như một con dao hai lưỡi, đặc biệt trong trường hợp các bác sĩ bỏ qua chuẩn mực thông thường về chăm sóc y tế. Căn bệnh không có mắt và nó cũng không phân biệt đối xử giữa người thường với người nổi tiếng hay quyền lực, theo Bloomberg.
Dù các liệu trình điều trị thử nghiệm cần thời gian và nghiên cứu để chứng minh hiệu quả, bác sĩ có thể hấp tấp chấp nhận rủi ro vì họ chịu áp lực phải áp dụng mọi phương án khả dĩ.
"Tổng thống đang được điều trị cá biệt. Các bác sĩ quyết liệt hơn. Họ sẽ làm mọi cách", Art Caplan, trưởng khoa y đức tại Trường Y Grossman thuộc Đại học New York, nhận định.
Các bác sĩ cũng lo ngại cách làm việc của Nhà Trắng sẽ gửi thông điệp sai lầm đến người dân, rằng những ai nổi bật sẽ được tiếp cận nhiều phương án điều trị hơn.
"Cách tiếp cận này không hẳn là tốt. Nó gửi thông điệp đến nhân dân Mỹ rằng nếu bạn là VIP thì bạn sẽ được hưởng một số điều mà những người còn lại không được", Jeremy Faust, bác sĩ tại Boston, chia sẻ.
"Chúng ta không cung cấp loại thuốc này cho người bình thường không phải vì chúng ta không quan tâm đến họ. Thực tế là chúng ta vẫn chưa biết rõ thuốc này giúp họ được gì không", ông nói.
Việc cho Tổng thống Trump dùng thuốc thử nghiệm cũng tạo ấn tượng sai lệch về quá trình nghiên cứu của các hãng dược. Theo Prasad, người dân Mỹ có thể nhầm tưởng quá trình thử nghiệm lâm sàng "chỉ dành cho thường dân", còn với những người đặc biệt thì cứ cho thuốc tốt.
"Điều này sẽ đầu độc năng lực nghiên cứu của chúng ta trong nhiều năm", ông cảnh báo.