Khi mà mức thuế mới với nhôm và thép sẽ có hiệu lực trong ngày hôm nay (1/5), vào phút chót, Tổng thống Trump thông báo trì hoãn áp thuế đối với sản phẩm từ các đồng minh Canada, Mexico và EU. Thông báo chính thức từ Nhà Trắng cũng cho biết chính quyền đã đạt được thỏa thuận về kim loại nhập đối với Argentina, Australia và Brazil.
Việc trì hoãn, theo New York Times, phản ánh lo ngại của Nhà Trắng về khả năng EU có thể trả đũa đối với các mặt hàng xuất khẩu chủ chốt của Mỹ vào thị trường này.
Theo Washington Post, Tổng thống Trump hoãn áp thuế nhôm và thép với Mexico và Canada vì ông đang nhắm tới tái đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) nhằm tìm cơ hội cho phép doanh nghiệp Mỹ tiếp cận nhiều hơn vào thị trường các nước này.
Ông Trump đã ký sắc lệnh "Mua hàng Mỹ, thuê người Mỹ" vào tháng 4/2017, thắt chặt các quy định cấp thị thực cho công nhân nước ngoài và yêu cầu chính quyền liên bang sử dụng các nhà thầu trong nước. Ảnh: New York Times. |
Các quan chức Canada, Mexico và Mỹ sẽ họp tại Washington tuần này để thảo luận về kế hoạch.
Theo thông báo từ Nhà Trắng, phái đoàn cấp cao của Mỹ sẽ tới Bắc Kinh để đàm phán về thương mại vào ngày 3/5. Phái đoàn bao gồm Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin, Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross, Đại diện Thương mại Mỹ Robert E. Lighthizer, Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Larry Kudlow, và Peter Navarro, trợ lý tổng thống về chính sách thương mại và sản xuất.
Các nước nhượng bộ, Mỹ trì hoãn áp thuế
Hạn chót đưa ra quyết định này là bài kiểm tra quan trọng đối với chiến lược thương mại của tổng thống Mỹ. Ông Trump muốn đem phong cách thương lượng mang tính cá nhân để đấu với các đối tác thương mại Mỹ và đồng minh, vốn muốn dùng luật lệ WTO để giải quyết tranh chấp.
Trong 2 tháng qua, ông Trump cố gắng thuyết phục nhiều nước nhượng bộ để đổi lấy việc trì hoãn thuế quan, thể hiện thái độ sẵn sàng làm bạn với đồng minh và chỉ trích các đối thủ.
“Về chính sách thương mại, chúng ta giống như vùng đất chưa được khai phá”, Chad Bown, thành viên cao cấp của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, cho biết. “Những gì Tổng thống Trump làm là khiến cho mọi thứ trở nên không rõ ràng. Mỗi ngày trôi qua, bạn không biết được chính sách thương mại sẽ là gì và các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn khi hoạt động trong một môi trường như vậy”.
Đầu năm nay, Bộ Thương mại đưa ra báo cáo nhận định rằng sự phụ thuộc của Mỹ vào nhôm, thép nhập khẩu tạo ra mối đe dọa an ninh quốc gia. Hồi tháng 3, ông Trump công bố mức thuế cao đối với Trung Quốc và Nhật Bản - hai nước có thâm hụt thương mại lớn với Mỹ - trong khi tạm thời miễn thuế cho nhiều quốc gia khác.
Khi được phỏng vấn, Bộ trưởng Thương mại Ross nhận định tổng thống đã hành động trong quyền hạn của mình. Theo ông, Mục 232 trong luật thương mại cho phép ông Trump “có quyền hạn rất rộng. Ông ấy có thể tăng thuế và cũng có thể giảm chúng. Ông ấy có thể cho phép các quốc gia vào và đẩy họ ra ngoài.”
Trong những tuần gần đây, Tổng thống Trump đã gặp gỡ với lãnh đạo 3 nước đồng minh liên quan tới cuộc đàm phán thuế quan. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel kêu gọi ông Trump thay đổi lập trường vào tuần trước, nhưng chính quyền Mỹ vẫn tiếp tục yêu cầu nhượng bộ, và không có gì đảm bảo rằng các nước này sẽ thoát khỏi cuộc chiến thuế quan.
Các nhà lãnh đạo châu Âu đe dọa sẽ có biện pháp trả đũa nếu Mỹ thực hiện mức thuế Mỹ đề xuất. Châu Âu có thể nhắm vào các hạng mục như xe máy và rượu bourbon, chủ yếu được sản xuất tại các bang chủ chốt của Đảng Cộng hòa.
Vào tháng 3, chính quyền Mỹ đã miễn trừ mức thuế đề xuất đối với các nhà sản xuất thép và nhôm của Hàn Quốc. Đổi lại, Hàn Quốc sửa đổi Hiệp định Thương mại Tự do Mỹ-Hàn, chấp nhận hạn ngạch cắt giảm 30% thép xuất khẩu sang Mỹ so với mức trung bình của 3 năm qua.
Chính quyền Trump thúc đẩy các quốc gia châu Âu chấp thuận điều tương tự, nhưng các nhà lãnh đạo châu Âu không muốn làm như vậy. “Chúng tôi đang yêu cầu họ hoặc chịu thuế hoặc chấp nhận hạn ngạch”, ông Ross nói.
Các nước xuất khẩu thép nhiều nhất vào thị trường Mỹ. Nguồn: Reuters. |
Theo chuyên gia, hạn ngạch là lựa chọn hấp dẫn hơn thuế, bởi chính phủ của những nước xuất khẩu có thể có thu nhập từ việc bán giấy phép xuất khẩu cho doanh nghiệp mà không cần trả bất kỳ khoản phí nào cho chính phủ Mỹ. Nếu không, chính phủ Mỹ sẽ thu được doanh thu từ thuế đối với thép, nhôm và người tiêu dùng sẽ phải chịu giá sản phẩm cao hơn.
Chính sách đối với Trung Quốc
Vai trò của Trung Quốc bao trùm các đàm phán về thuế. Hàn Quốc là nước xuất khẩu thép lớn thứ ba tại Mỹ và là nhà nhập khẩu thép hàng đầu của Trung Quốc. Một số chuyên gia thương mại cho biết đây chính là con đường cho phép hàng xuất khẩu của Trung Quốc tới được đất Mỹ.
Tổng thống Trump công bố quyết định đánh thuế trừng phạt Trung Quốc hôm 22/3 tại Nhà Trắng. Ảnh: New York Times. |
Chính phủ Trung Quốc trong những thập kỷ gần đây thúc đẩy ngành công nghiệp thép và nhôm và vận chuyển hàng hóa của họ trên khắp thế giới bằng cách đẩy giá xuống. Trung Quốc chiếm khoảng 3% kim ngạch nhập khẩu thép của Mỹ, nhưng ông Trump cho rằng lượng lớn thép giá rẻ trên toàn thế giới là yếu tố dẫn đến việc nhiều lò luyện kim trong nước đóng cửa và người dân mất việc.
Một số quốc gia khác đồng tình với Mỹ rằng Trung Quốc cần phải nỗ lực giải quyết tình trạng dư cung toàn cầu về thép và nhôm, nhưng chỉ mới có những bước tiến chậm được thực hiện. Trước tình trạng này, ông Trump đã đảo ngược tình thế bằng cách tuyên bố hành động đơn phương, và đe dọa đánh thuế đối với nhiều đồng minh, không chỉ Trung Quốc.
"Người Trung Quốc tạo ra vấn đề dư thừa", William Reinsch, cố vấn cấp cao của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, cho biết. “Đây là một trong số ít trường hợp trong kinh doanh thương mại mà bạn có thể gán lỗi chính xác cho ai đó. Việc ban hành chính sách để đẩy vấn đề trở lại họ không phải là một động thái vô lý.”