Người lao động sẽ được hưởng đầy đủ các quyền lợi như được đào tạo nghề, cấp chứng chỉ hành nghề, hưởng chế độ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội…
Ôsin sẽ chính thức trở thành một nghề trong xã hội. |
Mâu thuẫn từ hợp đồng miệng
Chủ đề ôsin luôn “nóng” tại gia đình chị Mai Ngọc ở Ba Đình (Hà Nội). Mẹ chồng chị Ngọc năm nay đã 88 tuổi, già yếu nên cần người trông nom trong khi 2 vợ chồng chị bận rộn với công việc cơ quan, con cái. Từ 2 năm nay, chị Ngọc phải tìm ôsin chăm nom bà cụ và đỡ đần việc nhà, nhưng chỉ trong vòng 2 năm, đã có 6 người giúp việc đến nhà chị rồi lại đi.
“Mẹ mình hơi khó tính, lại lẫn nữa, nên có lần mình đi làm về thấy cửa mở toang hoác, chả thấy ôsin với mẹ đâu, hóa ra bị mẹ mình mắng, ôsin đã tự bỏ đi từ chiều, còn cụ bà sợ ma nên lần ra cửa rồi đi lạc ra tận đường lớn, may mà vợ chồng mình tìm thấy. Rút kinh nghiệm lần sau, khi ôsin mới đến, mình đề nghị làm hợp đồng, nhưng bác ấy dân quê, nghe thấy hợp đồng lại sợ”, chị Ngọc kể.
Trong khi đó, chị Thu (quê Phủ Lý, Hà Nam) lên Hà Nội làm giúp việc cho một gia đình ở Lò Đúc lại than vãn: “Khi mình nhận việc, chủ nhà nói công việc đơn giản lắm, chỉ cần trông coi một cụ ông và phụ giúp cơm nước, lương 3,5 triệu đồng/tháng. Nhưng nhận làm rồi mình mới biết 2 vợ chồng gia chủ đi công tác liên miên, 2 đứa con đã đi học thì nhờ xe “ôm” chở đi nhưng sáng, tối mình phải lo cho bọn trẻ ăn, rồi chợ búa, nhà cửa, chưa kể khi cụ ông thường xuyên đau ốm vặt, nhiều đêm mình phải thức trông đến sáng”.
“Mình trao đổi với chủ nhà thì chị ấy bảo: “Chả phải chị vẫn đang trông cụ ông và phụ cơm nước theo đúng thỏa thuận đó thôi”, đúng là không có giấy trắng mực đen khó nói lắm, trong khi lương của mình 3 tháng nay chủ nhà chưa trả”, chị Thu than thở.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Minh – Viện Nghiên cứu gia đình và giới (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội) cho hay: Luật Lao động của Việt Nam năm 2012 đã yêu cầu gia chủ và ôsin phải ký kết hợp đồng lao động bằng văn bản với các điều khoản rõ ràng, nhưng thực tế có rất ít người thực hiện. Có tới 97% gia chủ và ôsin chỉ thỏa thuận “hợp đồng miệng”. Hầu hết, người giúp việc chưa thấy được lợi ích của ký hợp đồng và không muốn bị trói buộc vào một gia đình. Trong khi đó, gia chủ cũng không muốn chịu trách nhiệm và bị ràng buộc về mặt pháp lý.
Chính đó là kẽ hở khiến cả hai bên cũng chịu thiệt. Ôsin thì dễ dàng bị lạm dụng về thời gian làm việc, tiền công, thậm chí là về thể xác, tinh thần và tình dục… còn gia chủ đôi khi phải chịu cảnh “ngậm bồ hòn làm ngọt” bởi những rắc rối mà người giúp việc gây ra.
Luật hóa nghề ôsin
Theo bà Ngô Thị Ngọc Anh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giới, gia đình và phát triển cộng đồng, nhu cầu đối với giúp việc gia đình đã tăng nhanh trong hai thập niên gần đây, dự báo số lượng người giúp việc gia đình năm 2015 sẽ tăng lên khoảng 63% so với năm 2008, ước chừng khoảng 246.000 lao động.
“Tuy nhiên, hiện giúp việc gia đình vẫn bị coi là lao động không cần kỹ năng, thiếu những quy định rõ ràng trong việc xác định tiền công. Bên cạnh đó, họ vẫn bị đánh giá thấp, ít được pháp luật bảo vệ và không được hưởng quyền lợi của người lao động như đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội…”, bà Ngọc Anh cho hay.
Hiện, Bộ LĐ,TB&XH đang lấy ý kiến cho dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lao động về lao động là người giúp việc gia đình, dự kiến sẽ trình Chính phủ đầu năm 2014.
Dự thảo Nghị định có quy định khá chi tiết về việc ký kết hợp đồng, thời gian làm việc, nghỉ ngơi… Ví dụ như: “Người lao động phải ký kết hợp đồng lao động với người giúp việc gia đình”, “Thời giờ làm việc do hai bên thỏa thuận căn cứ vào đặc điểm, điều kiện làm việc, tính chất công việc trong từng hộ gia đình và được ghi trong hợp đồng lao động song tổng số thời gian làm việc trong ngày không quá 12 giờ”, hay “mỗi tuần người lao động được nghỉ ít nhất 24 giờ liên tục”, “tạo cơ hội cho người giúp việc tham gia học văn hóa, học nghề”.
Với những quy định mới này, không chỉ các ôsin được đảm bảo quyền lợi, mà các gia chủ cũng sẽ yên tâm hơn khi đội ngũ ôsin có năng lực làm việc chuyên nghiệp hơn, không tự ý bỏ việc, không phát sinh những rắc rối như thực tế vẫn thường xảy ra.