Công ty hóa dầu Bình Sơn vừa có văn bản gửi Bộ Tài chính, Bộ Công Thương kêu rằng Nhà máy lọc dầu Dung Quất có nguy cơ đóng cửa khi thuế nhập khẩu xăng dầu từ thị trường ASEAN giảm mạnh.
Trong khi đó, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là Toyota Việt Nam mới đây thông tin là sẽ xem xét việc ngưng sản xuất mà quay sang nhập khẩu xe nguyên chiếc về bán khi thuế xe ôtô nguyên chiếc bằng 0%.
Sức ép hội nhập đã khiến cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước gặp khó khăn. Các doanh nghiệp đang hết sức lo lắng thị trường nội địa sẽ có sự xâm lấn ồ ạt của hàng ngoại. Vậy câu chuyện hội nhập ai được lợi?
Hàng Nhật, ASEAN sẽ ồ ạt vào Việt Nam
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Vũ Vinh Phú, chuyên gia thương mại, cho biết thuế nhập khẩu hàng hóa giữa các nước ASEAN gần như bị xóa bỏ hết thì chắc chắn làn sóng hàng ngoại ồ ạt vào thị trường trong nước là điều tất yếu.
Theo Hiệp định hợp tác thương mại Nhật Bản - ASEAN, từ ngày 1/4, có hơn 3.200 dòng thuế nhập khẩu từ Nhật Bản được hưởng thuế nhập khẩu 0% . |
Bởi chất lượng hàng của họ vượt trội, giá cả thì cạnh tranh hơn chúng ta. Cứ chỉ nhìn sang thị trường Thái Lan, hoa quả đến đồ gia dụng như quạt điện… của họ đều chất lượng và mẫu mã, chủng loại đều cao hơn hàng trong nước.
Thêm nữa, theo Hiệp định hợp tác thương mại Nhật Bản - ASEAN, từ ngày 1/4, có hơn 3.200 dòng thuế nhập khẩu từ Nhật Bản được hưởng thuế nhập khẩu 0%. Trong đó, có nhóm hàng điện tử như máy ảnh, máy vi tính… nhập từ Nhật Bản là những mặt hàng mà người tiêu dùng trong nước rất ưa chuộng.
“Chắc chắn khi thuế giảm 0% thì hàng hóa ngoại nhập từ các thị trường ASEAN, Nhật Bản… sẽ dần chiếm lĩnh thị trường trong nước. Điều này sẽ giúp cho người tiêu dùng trong nước có thêm cơ hội lựa chọn hàng hóa.
Công ty cổ phần đầu tư và phân phối Bình Minh - chi nhánh tại Hà Nội chuyên phân phối máy ảnh, máy quay phim nhập từ Nhật Bản cho biết các lô hàng nhập từ thị trường Nhật Bản sẽ giảm giá khi được hưởng thuế nhập khẩu 0%.
Một số nhà phân phối máy ảnh, máy quay phim nhập từ Nhật Bản cho biết từ tuần này, giá sản phẩm sẽ giảm 3-5% so với trước, tùy theo từng loại. Hi vọng điều này sẽ khuyến khích sức mua trong năm nay và những năm tiếp theo.
Người tiêu dùng và nhà nhập khẩu có lợi
Nhiều người tiêu dùng mừng rỡ trước thông tin hội nhập vì hàng hóa nhiều hơn, giá cả nhiều mặt hàng sẽ rẻ hơn. Không chỉ người tiêu dùng được lợi mà doanh nghiệp nhập khẩu cũng được lợi thế.
Ông Nguyễn Tôn Quyền, Tổng thư ký Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam, khẳng định ngay việc giảm thuế theo cam kết hội nhập sẽ rất có lợi cho doanh nghiệp nhập khẩu.
Ông phân tích: “Thuế nhập khẩu cắt giảm và về 0% sẽ giúp cho các doanh nghiệp nhập khẩu nói chung và gỗ nói riêng giảm được chi phí, tăng sức cạnh tranh. Như các sản phẩm từ gỗ của Việt Nam có nguồn nguyên liệu được nhập từ thị trường Myanmar, Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Lào”.
Tuy nhiên, ông Quyền cũng cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam cần phải thẳng thắn thừa nhận sức ép cạnh tranh sẽ rất ghê gớm khi chúng ta hội nhập cộng đồng kinh tế ASEAN.
Như sản phẩm gỗ của Việt Nam so với của Thái Lan, Myanmar, Singapore là kém hơn về chất lượng, mẫu mã nhưng giá cả lại cao hơn. Nếu chúng ta không thay đổi thì chắc chắn sản phẩm trong nước sẽ không tồn tại mà thay vào đó là tràn ngập sản phẩm ngoại.
Người tiêu dùng có thêm lựa chọn khi giá nhiều mặt hàng nhập khẩu bán tại siêu thị đã rẻ hơn nhờ giảm thuế . |
Để tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm gỗ Việt Nam, giải pháp căn cơ là tăng cường nguồn nguyên liệu gỗ hợp pháp ở trong nước. Hiện nay chúng ta mới chỉ đáp ứng 200.000 ha rừng trồng nên tương lai cần cố gắng đưa lên 1 triệu ha để đáp ứng nguyên liệu sản xuất phục vụ xuất khẩu thay vì nhập của các nước.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp phải tiết kiệm nguyên liệu như hiện nay 1 m3 gỗ làm ra 0,7 m3 sản phẩm nhưng tới đây phải tăng lên 0,8-0,9 m3 sản phẩm.
Ông Nguyễn Sĩ Phúc, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất và thương mại Hạnh Phúc (Bắc Giang), đồng tình việc giảm thuế nhập khẩu thì chỉ các nhà nhập khẩu có lợi nhất. Vì tiền thuế nhập khẩu không phải nộp mà được sử dụng để đầu tư, kinh doanh… Mặt khác, việc giảm thuế nhập khẩu là sức ép ghê gớm đối với từng lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh.
Để tồn tại, doanh nghiệp sản xuất trong nước phải sống được ngay tại thị trường nội địa, sau đó mới tính chuyện vươn ra các thị trường khác..
Ảnh hưởng lớn đến các DN sản xuất trong nước
Nhưng góc độ của nhà sản xuất, sức ép hội nhập sẽ vô cùng ghê gớm khi phải cạnh tranh với các nhà sản xuất đến từ Nhật Bản, ASEAN”, ông Vũ Vinh Phú, chuyên gia thương mại nhận định.
Theo Vụ Chính sách thuế - Bộ Tài chính, nhiều mặt hàng trong nước đã có sản xuất, đáp ứng tốt nhu cầu cần điều chỉnh tăng thuế suất thuế nhập khẩu để bảo hộ và khuyến khích phát triển nhưng không thể xử lý được do vướng cam kết WTO đã quy định ở mức thấp hoặc 0%.
Đơn cử, nhóm mặt hàng điện tử, máy móc cơ bản có cam kết WTO là 0%.
Ngoài ra, theo lộ trình cam kết của các Hiệp định thương mại tự do (FTA), thuế nhập khẩu các mặt hàng mà chúng ta cam kết đang tiến đến việc xóa bỏ thuế hoàn toàn.
Cụ thể, thuế nhập khẩu trong ASEAN, Việt Nam sẽ cắt giảm cơ bản 98% dòng thuế về mức 0% vào năm 2018, ASEAN-Trung Quốc, ASEAN-Hàn Quốc sẽ cắt giảm 90% dòng thuế về mức 0% từ năm 2018.
Chính vì vậy, việc cắt giảm thuế nhập khẩu sẽ ảnh hưởng rất lớn đến những ngành sản xuất trong nước chưa đủ điều kiện để cạnh tranh với hàng nhập khẩu từ các nước này.
Đồng thời việc giảm thuế nhập khẩu cũng đồng nghĩa với việc làm giảm thu ngân sách nhà nước, đặc biệt là các mặt hàng có mức thuế suất cao như ôtô, xe máy, xăng dầu...
Ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công Thương, cho biết:
Tính đến nay, Việt Nam đã ký 8 thỏa thuận thương mại tự do. Chúng ta đang tích cực 7 thỏa thuận thương mại tự do nữa, trong đó TPP và FTA với liên minh thuế quan Nga, Belarus và Kazakhstan.
Các FTA này sẽ tác động mạnh đến số thu ngân sách khi tỉ lệ xóa bỏ thuế nhập khẩu dự kiến lên đến 90-100%.
Cùng với việc xóa bỏ thuế nhập khẩu, TPP và FTA liên minh thuế quan cũng yêu cầu xóa bỏ thuế xuất khẩu. Bởi họ coi đây là hình thức trợ cấp gián tiếp cho sản xuất trong nước, giúp sản xuất trong nước mua được nguyên liệu giá rẻ hơn so với thế giới.
Tỉ trọng thu từ thuế xuất nhập khẩu so với tổng thu ngân sách còn khá lớn. Dự kiến năm nay số thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đã giảm mạnh nhưng vẫn chiếm 9,2% trong tổng thu ngân sách. Trong khi đó tỉ trọng này của năm 2014 và 2009 đạt 9,9% và 16,9%.
Theo cam kết hiệp định thương mại tự do, đến năm 2018, hầu hết mặt hàng nhập khẩu, thuế về mức 0%, tổng thu ngân sách từ nhập khẩu sẽ giảm nhiều.