Theo đó, Bộ Tài chính cho rằng, trước khi tính tương tác việc điều chỉnh tăng thuế BVMT thì thuế nhập khẩu 2 mặt hàng xăng, dầu diesel lần lượt là 35% và 30%. Sau hai lần điều chỉnh, thuế nhập khẩu xăng giảm còn 20% và dầu diesel còn 15%.
Dẫn số liệu giá dầu thô thế giới tại thời điểm 31/5 ở mức 58,68 USD/thùng và thuế BVMT mức mới là 3.000 đồng/lít, Bộ Tài chính cho rằng nếu mặt hàng xăng vẫn giữ thuế nhập khẩu như trước là 35% thì giá cơ sở của mặt hàng xăng tại Việt Nam phải là 23.582 đồng/lít. Nhưng khi thay đổi mức thuế nhập khẩu xăng về 20% thì giá cơ sở thực tế của xăng chỉ là 21.540 đồng/lít.
Như vậy, việc giảm thuế nhập khẩu theo tính toán đã giúp giá cơ sở giảm 2.042 đồng. Mức giảm của giá xăng cao hơn mức tăng thuế BVMT là 2.000 đồng/lít (từ 1.000 đồng/lít lên 3.000 đồng/lít). Điều này chứng tỏ việc tăng thuế BVMT từ ngày 1/5 vừa qua không làm tăng giá xăng, dầu trong nước thông qua việc tính toán tương tác giữa thuế nhập khẩu và thuế BVMT trong cơ cấu giá cơ sở.
Thậm chí, Bộ Tài chính còn nêu giả thiết nếu giá xăng dầu thế giới không có biến động lớn, với thuế BVMT theo mức mới áp dụng từ ngày 1/5 và thuế nhập khẩu theo các phương án điều hành nói trên thì giá xăng dầu trong nước còn có thể giảm, đặc biệt đối với giá dầu diesel. Tuy nhiên, do giá xăng dầu thế giới tăng trở lại nên việc giảm thuế nhập khẩu đã làm giảm áp lực tăng giá đối với các mặt hàng này.
Trước đó, trong đợt điều chỉnh đầu tiên vào ngày 5/5, giá xăng đã có mức tăng tối đa gần 2.000 đồng/lít. Đến ngày 25/5, giá các xăng lại được điều chỉnh tăng tối đa 1.200 đồng/lít. Sau 2 lần điều chỉnh, xăng Ron 92 niêm yết tại vùng 1 hiện có mức giá cao nhất là 20.436 đồng/lít và xăng sinh học E5 có mức giá cao nhất 20.106 đồng/lít.
Thuế môi trường không làm tăng giá xăng
Bộ Tài chính đã đưa ra những tính toán để chứng minh việc tăng thuế bảo vệ môi trường (BVMT) không làm tăng giá bán các mặt hàng xăng, dầu trong hai lần điều chỉnh ngày 5/5 và 20/5
Theo V.Vinh - T.Hà/ Người Lao Động
(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)