Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thuế thu nhập cá nhân quá lạc hậu, sao chưa sửa?

Bộ Tài chính cho biết, do chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chưa vượt quá 20% nên chưa sửa mức giảm trừ gia cảnh. Các chuyên gia cho rằng, cần thay đổi cách tính sớm.

Mức giảm trừ gia cảnh lạc hậu chưa theo kịp mức tăng giá thực tế của hàng hóa.

“Còng lưng” gánh thuế

Mức giảm trừ gia cảnh trong Luật Thuế TNCN lạc hậu đã khiến không ít người làm công ăn lương gặp khó khăn. Chị Nguyễn Nhung (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, cả 2 vợ chồng đều làm công ăn lương. Gia đình chị Nhung có 2 con nhỏ trong độ tuổi tiểu học. Mức giảm trừ gia cảnh hiện nay 4,4 triệu đồng/người/tháng, thậm chí chưa đủ đóng học phí cho con.

“Con thứ 2 của tôi trong độ tuổi học ở bậc học mầm non nhưng nhà trường quá tải, phải bốc thăm nộp hồ sơ nhập học. Tôi bốc thăm không trúng suất nhập học, phải cho con học trường tư thục với mức học phí 6 triệu đồng/tháng. Riêng học phí đã cao hơn mức giảm trừ gia cảnh”, chị Nhung chia sẻ.

Cùng cảnh è cổ “gánh thuế”, chị Thu Minh (Long Biên, Hà Nội) chia sẻ, tháng 7/2023 chị được tăng lương cơ sở. Tuy nhiên, mức lương vừa tăng, chị Minh phải đóng thuế TNCN ở mức cao hơn. Trong khi đó, chi phí sinh hoạt không ngừng tăng lên. Lương thực, thực phẩm từ gạo, dầu ăn, đến thịt, cá tăng giá liên tục.

“Một bó rau ở chợ cũng tăng gấp rưỡi trong 3 năm qua. Các mặt hàng khác đều tăng giá mỗi ngày. Trong khi đó, mức giảm trừ gia cảnh giữ nguyên, tôi phải chắt bóp chi tiêu mới đủ chi phí sinh hoạt cho cả gia đình”, chị Minh kể.

Thuế TNCN có hiệu lực năm 2007 và lần điều chỉnh gần nhất vào năm 2014 với mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế 11 triệu đồng/tháng và 4,4 triệu đồng/người phụ thuộc (nay vẫn thu thế). Trong 10 năm qua, số thu thuế TNCN đã tăng gấp 3,6 lần. Số lượng người nộp thuế TNCN không ngừng tăng qua các năm.

Bất cập của giảm trừ gia cảnh được người dân, chuyên gia nhiều lần phản ánh. Theo TS Vũ Sỹ Cường - Học viện Tài chính, cách đánh thuế TNCN hiện nay đơn giản, thuận tiện cho cơ quan hành thu, nhưng không khuyến khích người lao động làm việc, cống hiến. Kỹ thuật đánh thuế cũng chưa hợp lý. Khấu trừ gia cảnh cho mọi người như nhau, trong khi mức chi tiêu để đảm bảo cùng một mặt bằng sinh hoạt ở thành phố và nông thôn rất khác nhau.

Ông Cường đề xuất, cơ quan chức năng cần thay đổi theo hướng tăng mức thu nhập chịu thuế, bậc thu nhập chịu thuế giãn ra, chiết trừ gia cảnh có thể tính đến yếu tố cư trú, ngành nghề.

Giải trình trước Quốc hội liên quan vấn đề giảm trừ gia cảnh nói riêng và sửa Luật thuế TNCN, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, theo luật, CPI trên 20% mới điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh và Bộ Tài chính đang thực hiện đúng luật. Theo ông Phớc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bổ sung chương trình xây dựng luật, pháp lệnh để sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân vào Kỳ họp tháng 10/2025, thông qua vào Kỳ họp tháng 5/2026.

“Nếu Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định làm ngay trong năm nay để thông qua vào tháng 5/2026, thì Bộ Tài chính sẽ chấp hành, xin ý kiến đại biểu Quốc hội, nhân dân để đưa ra các quy định phù hợp. Có nên đưa ra quy định CPI phải trên 20% hay không thì lúc đó chúng ta sẽ bàn”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết.

Cần thay đổi cách tính

Đánh giá về Luật Thuế TNCN, TS Nguyễn Quốc Việt - Viện phó Nghiên cứu kinh tế chính sách (VEPR) cho rằng, mức giảm trừ gia cảnh hiện nay chỉ căn cứ vào CPI lạc hậu. Theo ông Việt, chi tiêu của mỗi hộ gia đình ở từng khu vực khác nhau nhưng Việt Nam áp mức chung trên cả nước là vô lý. Bước tính thuế quá gần nhau và nhiều bậc, quá nhanh, không tạo điều kiện cho người dân tích lũy, tạo thu nhập công khai chính đáng.

“Bản thân người dân sống ở thành phố lớn, mức tăng CPI do của cơ quan chức năng công bố dường như phản ánh đúng thực tế. Chỉ số giá tiêu dùng có độ vênh lớn giữa thành thị và nông thôn. Trong khi đó, Bộ Tài chính, Tổng cục Thống kê sử dụng số liệu CPI với rổ hàng hóa hơn 700 hàng hóa, trên vùng miền cả nước chưa hợp lý”, ông Việt đánh giá.

Ông Việt dẫn ví dụ lĩnh vực y tế, giá dịch vụ y tế trong bệnh viện công lập đã có sự chênh lệch lớn giữa giá dịch vụ y tế chi trả tự nguyện và giá niêm yết bảo hiểm y tế và tính CPI. Nếu chỉ nhìn vào CPI và mức độ tăng giá không phải là cơ sở chắc chắn để căn cứ làm mức giảm trừ gia cảnh. Chi phí cho một trẻ em đi học lớn hơn nhiều lần mức học phí. Khi COVID-19 xảy ra, học phí được miễn giảm nhưng chi phí khác như học thêm, học tiếng Anh, đưa đón, đồng phục tăng lên rất nhiều. Nếu dựa vào CPI công bố để giảm trừ gia cảnh là quá lạc hậu. Cơ quan chức năng cần có nghiên cứu phù hợp với chuyển dịch thu nhập từ nước thu nhập thấp sang nước có thu nhập trung bình hiện nay.

Cùng quan điểm, TS Phan Phương Nam - Đại học Luật TPHCM cho rằng, giảm trừ gia cảnh không nên chỉ căn cứ vào CPI mà có thể căn cứ thêm mức lương tối thiểu vùng, lương cơ sở. Điều này mới đảm bảo sự công bằng cho người đóng thuế.

“CPI của Việt Nam tích hợp quá nhiều mặt hàng. Trong khi đó, chỉ một số nhóm hàng hóa chính tác động tới cuộc sống của người dân. Mức giảm trừ gia cảnh để đảm bảo cho người dân tối thiểu. Đánh thuế vào phần thu nhập tối thiểu không phù hợp. Cách tính giảm trừ gia cảnh cần thay đổi, không nên căn cứ duy nhất vào một yếu tố để giảm trừ gia cảnh như hiện nay”, ông Nam nói.

TS Nguyễn Quốc Việt kiến nghị, cơ quan chức năng cần giải pháp tổng thể để sửa đổi Luật thuế TNCN theo hướng mở rộng cơ sở thu thuế. Mức đóng thuế cũng cần bớt bậc lũy tiến, thủ tục đơn giản hơn và mức đóng thuế vừa phải để người lao động cảm thấy nhẹ nhàng và sẽ chủ động đóng thuế. Giải pháp căn cơ, hài hòa lợi ích giữa các chủ thể và cá nhân nên có chương trình giải pháp tổng thể huy động nguồn lực vào ngân sách nhà nước.

Gần đây nhất, số thu thuế TNCN quý 1/2024 đạt 53.155 tỷ đồng, bằng 33,4% so với dự toán. Mức thu từ sắc thuế này cao gấp 3,3 lần so với thu từ dầu thô; cao gần bằng khoản thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước; thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu.

Thủ tướng Chính phủ: Trong 2 năm đã giảm thuế VAT gần 200.000 tỷ đồng

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết dù không sử dụng hết 40.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất 2%, nhưng nước ta đã giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) trong 2 năm, gần 200.000 tỷ.

Xử lý nhiều vi phạm thương mại điện tử

Liên tiếp trong thời gian qua, Cục Quản lý thị trường phối hợp với Công an tỉnh Lào Cai đã phát hiện nhiều vụ buôn bán hàng giả, gian lận thuế qua các giao dịch thương mại điện tử.

Hoãn xuất cảnh đối với nữ giám đốc doanh nghiệp nợ thuế hơn 6 tỷ đồng

Chiều 5/7, Chi cục Hải quan sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất cho biết ban hành quyết định cưỡng chế tạm hoãn xuất cảnh đối với bà Nguyễn Ngọc Kim Vy (SN 1996, ngụ quận 4, TP.HCM).

Sách hay về xã hội

Văn minh Việt Nam - nhà dân tộc học Georges Condominas từng nhận xét tác phẩm này là “Cửa sổ để thế giới hiểu về Việt Nam”.

Sách Bàn về Quốc hội - những thách thức của những khái niệm là kết quả của cả một quá trình tích lũy và suy ngẫm của tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.

https://tienphong.vn/thue-thu-nhap-ca-nhan-qua-lac-hau-sao-chua-sua-post1643385.tpo

Ngọc Linh/Tiền Phong

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm