Chẳng hạn, mì Shin, mì Neoguri, mì Jajang, nước uống trẻ em Pororo, snack bắp, snack Tako tăng 1-20%. Chỉ 5-10 mặt hàng giảm giá 3-7% như cà phê Maxim và một số nhãn hiệu kẹo…
Ông Trần Văn Chúc, Giám đốc ngành thực phẩm tươi sống Lotte Mart Việt Nam, cho biết, hàng hóa Hàn Quốc chiếm khoảng 14% trong tổng số toàn ngành hàng, tương ứng 800-850 mặt hàng.
Theo giám đốc một công ty sản xuất mì ăn liền trong nước, mì gói từ Hàn Quốc vào Việt Nam đang chịu mức thuế nhập khẩu 25% (đã giảm so với 35% trước đây). Cộng thêm thuế VAT 10%, mỗi gói mì hiện chịu thuế khoảng 35%. Vì vậy, giá mì nhập khẩu khá cao.
Mì gói là một trong những mặt hàng được giảm thuế nhập khẩu trong năm 2015, nhưng ngoài thị trường giá vẫn cao. |
Tương tự, đại diện hệ thống siêu thị Nhật Bản Daiso cho biết, giá các mặt hàng ở hệ thống vẫn giữ nguyên, không có nhiều điều chỉnh. Theo Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam - Nhật Bản và ASEAN - Nhật Bản giai đoạn 2015-2019, từ ngày 1/4/2015, hơn 3.000 mặt hàng từ Nhật Bản được hưởng thuế suất 0% (tương đương 33,8% tổng biểu thuế). Nhiều mặt hàng dụng cụ, phụ tùng, máy tính, sản phẩm điện tử, linh kiện, sợi các loại, nguyên phụ liệu dệt may, da giày, sản phẩm tân dược… nằm trong danh mục này.
“Thuế chỉ là một phần nhỏ trong cơ cấu giá thành, các chi phí bán hàng, điện nước, nhân sự tăng nên việc giảm thuế chỉ giúp nhà bán lẻ bớt áp lực kinh doanh hơn”, đại diện siêu thị cho biết.
Trong khi đó, theo đại diện siêu thị Aeon Việt Nam, việc giảm giá đồng yen Nhật gần đây cũng chưa có tác động lớn đến giá hàng hóa nhập vào Việt Nam và bán tại hệ thống siêu thị Aeon. Siêu thị này đang rà soát biểu thuế các mặt hàng. “Phải chờ một thời gian sau khi đợt hàng mới được nhập về chúng tôi mới biết giá cả thay đổi như thế nào”, đại diện siêu thị cho biết.