Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thuế đánh vào hàng Trung Quốc không đủ bù tổn thất của kinh tế Mỹ

Thống kê cho thấy số tiền chính phủ Mỹ thu được từ việc đánh thuế lên hàng hóa Trung Quốc là không đủ để bù đắp cho những tổn thất do chiến tranh thương mại gây ra.

Ngày 15/7, Tổng thống Donald Trump tuyên bố Mỹ đã chiến thắng trong cuộc chiến thương mại chống Trung Quốc. Ông Trump mô tả thuế trừng phạt đã làm tổn thương nền kinh tế Trung Quốc và tạo ra hàng chục tỷ USD cho nước Mỹ. 

"Chúng ta thu được hàng chục tỷ USD từ thuế đánh lên hàng Trung Quốc", ông Trump khẳng định trong sự kiện "Made in America" tại Nhà Trắng. Ông Trump thừa nhận Mỹ mất 16 tỷ USD do Trung Quốc ngừng mua nông sản Mỹ, nhưng Mỹ "lấy lại được số tiền lớn gấp nhiều lần từ thuế". 

Tuy nhiên, New York Times cho biết số tiền thu được từ những khoản thuế đánh lên khối hàng hóa 250 tỷ USD của Trung Quốc không đủ bù chi phí riêng gói cứu trợ nông dân Mỹ của ông Trump, chứ chưa nói đến các ngành khác bị thiệt hại vì chiến tranh thương mại. 

Theo thống kê của Cục Hải quan và Biên phòng Mỹ, tính đến ngày 10/7, thuế đánh lên nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 20,8 tỷ USD. Trong khi đó, ông Trump cam kết chi 28 tỷ USD hỗ trợ nông dân Mỹ bị tổn thương vì chiến tranh thương mại. 

chien tranh thuong mai My - Trung anh 1
Chính quyền Mỹ thu khoảng 20,8 tỷ USD từ thuế đánh lên hàng nhập khẩu Trung Quốc. Ảnh: Getty Images.

Ông chủ Nhà Trắng công bố 2 gói hỗ trợ tài chính cho nông dân Mỹ. Trong gói 12 tỷ USD đưa ra hồi tháng 7/2018, khoảng 10 tỷ USD đã được giải ngân. Ông Trump tung ra gói hỗ trợ 16 tỷ USD vào tháng 5 năm nay.

Ngoài nông nghiệp, hàng loạt ngành nghề khác tại Mỹ cũng chấn động vì chiến tranh thương mại. Có thể kể đến các nhà sản xuất máy bay, công ty công nghệ, hãng chế tạo thiết bị y tế... Tuy nhiên chính phủ Mỹ chưa có biện pháp gì hỗ trợ những ngành này. 

Sau cuộc gặp giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Hội nghị G20 cuối tháng 6, Washington và Bắc Kinh đã "đình chiến". Tuy nhiên giới quan sát nhận định hai nước khó có khả năng đạt một thỏa thuận thương mại thực sự và căng thẳng sẽ tiếp tục kéo dài. 

Không thể phủ nhận thuế của ông Trump đang làm tổn thương nền kinh tế Trung Quốc. Xuất khẩu chiếm tới 20% kinh tế Trung Quốc so với mức 12% của Mỹ. Ngày 14/7, Bắc Kinh thông báo GDP quý II hạ nhiệt xuống còn 6,2%, mức thấp nhấp trong vòng 27 năm.

Trên Twitter, ông Trump cho rằng thuế từ Mỹ khiến hàng nghìn công ty rời khỏi Trung Quốc để đến các nước không chịu thuế. "Đây là lý do vì sao Trung Quốc muốn đạt thỏa thuận với Mỹ, và họ ước là đã không phá vỡ thỏa thuận đạt được ban đầu", ông Trump khẳng định.

Tuy nhiên, Bloomberg nhận định có rất ít dấu hiệu cho thấy tổn thất của Trung Quốc đồng nghĩa với việc Mỹ hưởng lợi. Dù vậy, ông Trump và các cố vấn lập luận rằng đây là thời cơ để buộc Trung Quốc thay đổi các hành vi làm tổn thương hàng loạt công ty Mỹ.

Một cuộc điều tra của chính phủ Mỹ cho thấy hành vi ăn cắp bản quyền sở hữu trí tuệ của Trung Quốc khiến nền kinh tế Mỹ thiệt hại ít nhất 50 tỷ USD/năm.

Do đó, nhiều chuyên gia kinh tế và lãnh đạo doanh nghiệp ủng hộ ông Trump đối đầu với Bắc Kinh. Họ cho rằng chi phí của cuộc chiến thương mại sẽ đáng giá nếu ông Trump ép được Trung Quốc mở cửa kinh tế.

Nhưng số đông phủ nhận quan điểm của chính quyền Trump rằng cuộc chiến không có tác động tiêu cực gì đến các doanh nghiệp Mỹ. New York Times dẫn lời ông Rufus Yerxa, Chủ tịch Hội đồng Ngoại thương Quốc gia, tuyên bố: "Thật điên rồ nếu nghĩ cuộc chiến này là miễn phí".

Nhiều nghiên cứu - trong đó có nghiên cứu của Tổ chức Thuế ở Washington và Đại học Pennsylvania - cho thấy thuế đẩy giá hàng hóa tại Mỹ tăng cao, khiến người tiêu dùng chịu thiệt hại.

Sau Trung Quốc và Mexico, đến lượt Ấn Độ bị Tổng thống Trump dằn mặt

Sau Trung Quốc và Mexico, có vẻ như Ấn Độ đang trở thành mục tiêu thương mại mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Mới đây ông chủ Nhà Trắng lên tiếng cảnh cáo New Delhi.

Phương Thảo

Bạn có thể quan tâm