Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Thuế của Việt Nam chỉ ở mức trung bình thấp'

Giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng khẳng định các biểu thuế cơ bản của Việt Nam vẫn ở mức trung bình thấp. Thuế, phí chiếm hơn 17% GDP.

Quốc hội thảo luận kinh tế - xã hội ngày 1/11 Ngày 1/11, các đại biểu tiếp tục thảo luận về jết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước...

Trong 3 ngày 31/10 đến 2/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về: Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2018 và kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm quốc gia 2018-2020.

Trong ngày thảo luận thứ 2, 38 đại biểu đã đăng đàn, 8 đại biểu tranh luận và 4 bộ trưởng giải trình, cò 32 đại biểu chờ đăng ký phát biểu.

Ngày mai, một phó thủ tướng sẽ thay mặt Chính phủ giải đáp các vấn đề đại biểu nêu

  • Bộ trưởng Công Thương, Nông nghiệp sẽ tham gia

    8h, phiên thảo luận bắt đầu, các đại biểu được nhắc nhở thảo luận, phát biểu đảm bảo thời gian. Hai bộ trưởng Công Thương và Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tham gia thêm những vấn đề đại biểu quan tâm. 

  • 15 cơ quan được giao trách nhiệm bảo vệ trẻ em nhưng vẫn còn bất cập

    Góp ý đầu tiên phiên thảo luận buổi sáng, đại biểu Nguyễn Thị Thuỷ (đoàn Bắc Kạn) cho rằng tình trạng xâm hại tình dục trẻ em đang ngày càng gia tăng, diễn biến phức tạp với hơn 1.300 trẻ em bị xâm hại mỗi năm. Theo đại biểu Thủy, có nhiều vụ việc nghiêm trọng nhưng lại không chứng minh được tội phạm hoặc bị bỏ lọt.

    Đại biểu tỉnh Bắc Kạn phân tích nguyên nhân để xảy là tình trạng này là gia đình chưa trang bị cho trẻ những kiến thức cần thiết trước khi bị xâm hại, khi vụ việc xảy ra thì một số gia đình cam chịu bỏ qua, chấp nhận đau đớn về tinh thần, hoặc đưa vụ việc ra công luận thì lại thiếu chứng cứ để xử lý người phạm tội.

    “Trong khi đó, Luật giám định chưa có quy định riêng cho loại vụ án này, gia đình người bị hại chỉ có thể trưng cầu giám định sau 7 ngày. Các vụ án này càng kéo dài càng tổn thương trẻ nhỏ. Luật có 15 cơ quan bảo vệ trẻ em và Bộ Lao động –Thương binh và Xã hội là cơ quan đầu mối, nhưng không cơ quan nào đưa ra được số liệu đầy đủ, chính xác về nạn xâm hại tình dục trẻ em", đại biểu Thủy nói.

     

    Quoc hoi thao luan kinh te xa hoi anh 1

     


  • Hệ thống siêu thị, phân phối bị Thái Lan, Nhật Bản mua gần hết

    Đại biểu Lê Công Nhường, đoàn Bình Định, cho biết nông nghiệp, công nghiệp thua ngay trên sân nhà do công nghệ chưa tốt, năng suất chưa cao, chi phí logistics cao. Ông cũng nêu lại câu chuyện hệ thống siêu thị, phân phối bị Thái Lan, Nhật Bản mua gần hết cụ thể là Metro, Big C, Aone...

    Theo đại biểu, nền kinh tế Việt Nam năng suất thấp, không có các công ty lớn.

    Ông cũng nêu ra sự kiện đại học FPT thu bằng Bitcoin và Ngân hàng Nhà nước “tuýt còi”. Thủ tướng đã ban hành quyết định phê duyệt đề án hoàn thiện khung pháp lý cho quản lý tiền ảo, tiền điện tử, ông mong Chính phủ cần có lời giải. Theo đại biểu, một số nước đã công nhận Bitcoin là phương tiện thanh toán. Do đó, ông kiến nghị chấp nhận cho FPT được thu phí bằng Bitcoin, bước đầu với sinh viên nước ngoài.

    Quoc hoi thao luan kinh te xa hoi anh 2

     


  • Tăng trưởng GDP 2018 mức 6,5-6,7% là sự thận trọng cần thiết

    Đại biểu Nguyễn Hữu Toàn, đoàn Lai Châu, đánh giá cao kết quả đạt được trong báo cáo của Chính phủ, nhất là mục tiêu tăng trưởng. Tuy nhiên, để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng bền vững thì cần nhiều giải pháp khác.

    Ông đồng tình với mục tiêu GDP năm 2018 là 6,5-6,7% và cho đây là sự thận trọng cần thiết để tăng trưởng bền vững. Nhưng với chỉ tiêu tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn chỉ tăng 1% là thấp. Ông đề nghị mỗi năm chỉ tiêu này cần tăng 1,5-2%, nếu khó khăn thì đề nghị thêm kinh phí để giải quyết.

    Theo đại biểu Nguyễn Hữu Toàn, điều này để hướng đến mục tiêu “không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế”.

     

  • 'Năm rồi, xuất khẩu rau củ còn nhiều hơn cả dầu thô'

    Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân, đoàn TP.HCM đem đến hội trường câu chuyện về thu nhập của người dân nông thôn, miền núi.

    Quoc hoi thao luan kinh te xa hoi anh 3

    Ông nói vừa qua các tỉnh Tây Bắc cùng nhiều tỉnh, thành khác chị ảnh hưởng của thiên tai, lũ quét. Ông và đoàn công tác đi thăm nhiều bản chứng đất đá sạt lở san phẳng ở các bản không còn không còn một ngôi nhà. Đại biểu Nhân băn khăn: “Sau những chuyến thăm như vậy chúng tôi đặt ra một câu hỏi đến bao giờ đồng bào ở khu này có đủ khả năng gây dựng lại nhà ở và trường học? Điều này sẽ hết sức khó khăn”.

     

    Ở thành thị, thu nhập bình quân đầu người 4,4 triệu đồng. Ở nông thôn, với khoảng 60% dân số Việt Nam hiện nay, thu nhập chỉ 2-2,4 triệu người. Tình trạng này kéo dài, nền kinh tế có hai nền thu nhập, hai nền năng suất.

    Quoc hoi thao luan kinh te xa hoi anh 4

    Từ số liệu đó, ông cho biết có những gợi ý quan trọng cho gỉam nghèo, tăng thu nhập miền núi. Năm 2016, xuất khẩu dầu thô, gạo, cà phê, thuỷ sản, rau củ... đều đạt nhiều tỷ USD. Lần đầu tiên xuất khẩu rau, hoa quả xuất khẩu dầu lửa. Nhìn lại lịch sử, năm 2005, xuất khẩu dầu lừa 7,3 tỷ đô, gấp 21 lần rau quả nhưng giờ chỉ bằng 0,68 lần rau quả.

    Dầu thô 5 năm qua giảm giá trị 5 tỷ đôla, gạo 900 triệu đôla, cà phê 5 năm không tăng giá trị xuất khẩu, thuỷ sản 5 năm qua tăng bình quân 5%/năm, riêng hoa quả tăng 30%. Dự báo, giá trị xuất khẩu lên đến 9 tỷ đôla, cao hơn cả dầu mỏ.

    Năm rồi, xuất khẩu rau củ còn nhiều hơn dầu thô nên ông kiến nghị xem xét đưa nhóm hàng rau, củ quả thành sản phẩm chủ lực. Từng khu vườn của bà con trồng được, đồi trồng được nên như Sơn La có nhiều HTX trồng quả xuất khẩu tốt. Miền núi, mỗi địa phương cần có sản phẩm phù hợp. 

     



  • Không muốn dùng lao động lớn tuổi vì phải trả lương cao, đóng nhiều bảo hiểm

    Tranh luận với các ý kiến liên quan đến câu chuyện dùng lao động, đại biểu Nguyễn Thị Như Ý – Đồng Nai cho biết nguyên nhân lao động chấm dứt hợp đồng lao đông thực tế ở các địa phương có tỷ lệ lớn do phía người sử dụng lao động chấm dứt. Bên cạnh máy móc hiện đại thì người sử dụng lao động không muốn sử dụng lao động lớn tuổi, nhiều năm vì phải trả lương cao, đóng bảo hiểm nhiều, năng suất lao động kém hơn.

    Việc chấm dứt hợp đồng lao động có thâm niên 10-15 năm dù không trái với quy định nhưng rất đáng lo ngại. Đại biểu tỉnh Đồng Nai dẫn khảo sát tại 64 doanh nghiệp tại 63 tỉnh trên cả nước thì cũng cho kết quả tương tự. Tuy chưa làm phát sinh tranh chấp lao động nhưng về lâu dài sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới người lao động và chính sách an sinh xã hội của Nhà nước và đặc biệt BHXH vì lao động này đa số đã lớn tuổi nên rất khó tìm kiếm thêm việc làm.

  • Yếu kém trong công nghiệp hỗ trợ có nhiều nguyên nhân

    Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh bắt đầu phát biểu. Liên quan phát triển công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ, ông Tuấn Anh cho biết Việt Nam có những bước đi, sự phát triển nhất định, đạt được nền tảng cơ bản về công nghiệp. Đặc biệt, một số ngành công nghiệp đã có những nền tảng như khai khoáng, chế biến chế tạo, hoá chất, năng lượng, hoá dầu...

    Về những tồn tại yếu kém, đặc biệt trong CN hỗ trợ, ông báo cáo đó là thực tế, có nhiều nguyên nhân, qua nhiều giai đoạn khác nhau từng có tổng kết, đánh giá. Những nguyên nhân chủ quan và chúng tôi xin nhìn nhận sự chưa đồng bộ, hiệu quả trong cơ chế chính sách chưa mang lại hiệu quả thực tế. Thực tế, các ngành CN hỗ trợ có bước tiến, ví dụ dệt may nội địa hoá trên 40%, da giày 45%, ô tô xe máy 35-40%... cho thấy yêu cầu chúng ta tiến nhanh trong CN hoá hiện đại hoá chưa đạt yêu cầu nhưng một số cơ sở đã bước đầu thiết lập.

    Nghịch lý doanh nghiệp FDI càng lỗ càng mở rộng sản xuất Phần nhiều doanh nghiệp FDI báo thua lỗ, nhưng điều ngược đời là càng thua lỗ thì càng mở rộng sản xuất, ĐB Phạm Trọng Nhân nêu vấn đề trong thảo luận tại Quốc hội.

    Các nguyên nhân thì do cơ chế chính sách chưa đồng bộ, kịp thời. Ví dụ Nghị định 115 ban hành 2015 về phát triển CN hỗ trợ nhưng cơ chế hạn chế, nhất là phối hợp bộ ngành. Những DN nhỏ và vừa ở Việt Nam rất yếu, quá yếu trong khi đây lại là bộ phận chủ yếu tham gia. Sau khi có Nghị định 115, Bộ chủ động cùng bộ ngành tập trung giai quyết các vấn đề: xây dựng chính sách hoàn thiện đồng bộ, hướng đến quan điểm mới là tham gia vào chuỗi để có thị trường rộng lớn hơn.

    Hàng loạt dự án đầu tư lớn đã đang tạo cơ sở ban đầu cho chuỗi liên kết. Thứ ba là xây khung chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, xây dựng cấp tín dụng ưu đãi. Tới đây 3 trung tâm công nghiệp ô tô, dự án dệt may, năng lượng... sẽ là lĩnh vực tạo ra sự dẫn dắt tạo ra chuỗi, cơ sở cho ngành CN hỗ trợ phát triển.

     

  • Chất lượng, chuyên môn quản lý thị trường yếu kém tồn tại qua nhiều giai đoạn

    Về vấn đề Quản lý thị trường, công tác chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng không chỉ thuốc lá mà còn có các mặt hàng có lợi nhuận cao như đường, xăng dầu… Cả nước cũng xuất hiện nhiều điểm nóng về buôn lậu và gian lận thương mại. Riêng với mặt hàng thuốc lá không chỉ có An Giang, Long An mà còn Tây Ninh, Quảng Ninh, Hải Phòng…

    Xuất phát từ thực tế, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chỉ ra một số nguyên nhân khiến tình trạng buôn lậu và gian lận thương mại vẫn còn phổ biến. Về cơ chế chính sách, các chế tài xử lý các đối tượng buôn lậu chưa đủ mạnh nên có hiện tượng “nhờn pháp luật”. Các đối tượng đã cấu kết vượt qua phạm vi địa lý của một địa phương với quy mô lớn với những hành động ngày càng tinh vi.

    Ngoài ra, trách nhiệm của các lực lượng chống buôn lậu như biên phòng, hải quan, quản lý thị trường… còn một số hạn chế trong phối hợp. Ngoài ra còn có việc phân khúc, cắt khúc trong chỉ đạo điều hành của các đơn vị chống buôn lậu. Ví dụ Hải quan thuộc Bộ Tài chính, Quản lý thị trường thuộc Bộ Công Thương, Biên phòng lại thuộc quân đội…. Trong khi đó, hoạt động buôn lậu tổ chức rất tinh vi.

    Quoc hoi thao luan kinh te xa hoi anh 5

    Việc đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá chỉ dừng lại ở việc buôn thuốc lá điếu thì không ăn thua. Có sự phối hợp của các đối tượng từ nơi xuất buôn đến vận chuyển và mang đi tiêu thụ là rất tinh vi. Tuy nhiên, Bộ trưởng nhấn mạnh công tác chống buôn lậu trong 9 tháng đã có những kết quả nhất định. Theo đó, việc buôn lậu thuốc lá, tiêu thụ thuốc lá lậu đã giảm hẳn tại Long An, An Giang…

    Từ những khó khăn và bất cập, Bộ trưởng nhấn mạnh một số giải pháp trong thời gian tới. Theo đó, các cơ quan chức năng sẽ tăng cường hơn nữa, tăng các lực lượng liên ngành chống buôn lậu quy mô lớn, tinh vi. Ngoài ra sẽ xem xét hoàn chỉnh khuôn khổ pháp lý, đủ chế tài xử lý. Bộ trưởng nhấn mạnh kỳ họp trước, Quốc hội đã thông qua việc xem xét trách nhiệm hình sự với việc buôn lậu trên 1.500 điếu thuốc lá, đây là cơ sở quan trọng. Một vấn đề nữa là cần có quan điểm đồng bộ, thống nhất để chống buôn lậu thuốc lá.

    Ví dụ không đồng ý tạm nhập tái xuất thuốc lá. “Chúng ta không chấp nhận vì có nguy cơ thẩm lậu trong khi lợi ích thu được không nhiều”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh. Ngoài ra, Thủ tướng cũng đã chỉ đạo tất cả các lô hàng thu giữ được đều phải mang tiêu hủy, trường hợp đặc biệt phải có ý kiến của Thủ tướng.

    Bộ trưởng cho rằng cần phải nâng cao phẩm chất, chuyên môn nghiệp vụ, hiểu biết pháp luật của các lực lượng chống buôn lậu khi thực tế hiện nay yếu kém so với yêu cầu. Trong thời gian với, việc cho phép thành lập Tổng cục Quản lý thị trường theo ngạch dọc để thực hiện quản lý chống buôn lậu, gian lận thương mại, Bộ Công Thương sẽ có cơ sở để đấu tranh hơn hiện tại.

  • 2020 sẽ giải quyết dứt điểm 12 dự án yếu kém

    Về 12 dự án yếu kém của ngành công thương, Bộ trưởng cho rằng nội dung của 12 dự án là rất phức tạp, trải qua nhiều thời kỳ và giai đoạn khác nhau, xuất phát từ cả nguyên nhân chủ quan và khách quan. Bộ trưởng cho rằng cần phải đánh giá đồng bộ các vấn đề tồn tại, vướng mắc và tìm cách giải quyết.

    Trong giai đoạn 2016-2017, Chính phủ đã thành lập các đoàn kiểm tra, kiểm tra đánh giá từng dự án cụ thể, ban hành chính sách cụ thể với từng dự án. Ngoài ra sẽ giải quyết triệt để vi phạm tổ chúc và cá nhân. Bộ Công Thương cũng sẽ rút kinh nghiệm và là bài học cho các dự án khác.

    Trong năm 2017, Bộ Công Thương sẽ hoàn thành giai đoạn chuẩn bị trong việc đánh giá, rà soát và biện pháp cụ thể từng dự án.

    Đến năm 2018, Bộ Công Thương sẽ giải quyết cơ bản các dự án. Đến năm 2020 giải quyết dứt điểm. Hiện tại, trong 12 dự án, 4 dự án phân bón đã khôi phục và từng bước tiếp cận thị trường. 3 dự án lĩnh vực xăng sinh học cũng đang khởi động lại và năm 2018 sẽ sản xuất thương mại. Với dự án Thép Thái Nguyên, Thép Việt Trung cũng sẽ từng bước rút vốn Nhà nước và giải quyết các vấn đề tồn đọng

     

  • Tranh luận về vấn đề lao động thôi việc ngoài tuổi 35, ông Bùi Sỹ Lợi, đoàn Thanh Hoá cho biết nhiều DN đẩy lao động cao tuổi ra, nhưng không hoàn toàn DN đều như vậy. Theo ông, việc này cần đánh giá khách quan, theo báo cáo của các địa phương, tỷ lệ thấp, nữ cũng thấp.

     

  • Đề xuất giữ nguyên cách tính lương hưu cho lao động nữ

    Về lương hưu từ 1/1/2018, ông Bùi Sỹ Lợi giải thích đề xuất tại sao lại hạ tỷ lệ hưởng lương hưu của phụ nữ từ 3% còn 2% từ năm 2018.

    Nếu phụ nữ về hưu bị giảm trừ, tác động, đến 2016, nữ có số năm đóng BHXH bình quân là 28,8 năm, nghỉ hưu ở tuổi cận kề 55 nhưng nam bình quân đóng BHXH 32 năm, nghỉ hưu bình quân 57 tuổi.

    Phụ nữ giảm từ 3% xuống 2% thì tác động là không lớn. Đến 1/1/2015 có khoảng 50.000 phụ nữ về hưu, tỷ lệ 21.000 người có từ 15- dưới 35 năm đóng BHXH, số người chịu tác động lớn nhất từ 5-10% có 4.000 người.

    Nếu chúng ta kéo dài lộ trình 5 năm cho phụ nữ để hưởng đúng 3% thì tác động đến quỹ BHXH không lớn, quan điểm của Uỷ ban là tính theo công thức cũ, để phụ nữ đỡ thiệt thòi so với nam giới. Đề xuất cho tính công thức lương hưu như cũ.  

     

  • Lao động nữ trên 35 tuổi bị cho nghỉ việc diễn ra từ 10 năm nay rồi

    Đại biểu Bùi Xuân Thông, đoàn Đồng Nai tranh luận với đại biểu Bùi Sỹ Lợi liên quan đến vấn đề DN cắt hợp đồng với lao động trên tuổi 35.

    Theo ông Thông, thường hết 6 năm doanh nghiệp sẽ dừng không ký tiếp hợp đồng . Điều này rơi vào nhóm lao động phổ thông, nhóm ngành nghề may mặc, dệt may... là chủ yếu. Pháp luật không sai nhưng nếu không có chính sách rõ ràng là phức tạp.

    Sau độ tuổi 35-40, lao động nữ rất khó tìm việc. Ông đề nghị phải quan tâm vấn đề này, và không đồng tình với ý kiến của ông Bùi Sỹ Lợi rằng có ít DN sa thải lao động ở tuổi trên 35.

    “Vấn đề DN chấm dứt không phải mới, mà 10 năm rồi nhưng trước đó DN mới vào cần lao động nên việc DN cho nghỉ là ít. Nhưng sau 10 năm thì tỷ lệ này nhiều”, ông nói.

    Đoàn Đồng Nai được đề nghị gặp đại biểu Bùi Sỹ Lợi để trao đổi thêm. 

     

  • Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường phát biểu.

    Ông khẳng định chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu và cơ chế thị trường. Hiện nay có rất nhiều áp lực và điều kiện trong tái cơ cấu. Nổi lên 2 vấn đề là biến đổi khí hậu và cơ chế thị trường. 2 năm vừa qua, diễn biến khí hậu dị đoan hơn, cực đoan hơn, bất thường hơn, gây tổn hại nhiêu hơn. Cần cân nhắc đến tái cơ cấu.

    "Xuất khẩu chúng ta đã đến 180 nước, với 30 tỷ USD, năm nay dự kiến 35 tỷ USD, chúng ta có nền kinh tế mở về nông nghiệp, hàng hóa nông sản ngoài nước cũng vào chúng ta. Cần phải xác định hàng thế mạnh về giá cả chất lượng, nếu không thì thua ngay trên sân nhà. Chúng ta có thể làm được, chúng ta có những dư địa, có thể mang lại sức cạnh tranh", ông nói. 

  • Thế giới có 7 tỷ người mỗi người ăn 1 cân tôm là 7 triệu tấn nhưng nguồn cung chỉ 5 triệu, dư địa rất nhiều!

    Ông Cường nói thêm về vấn đề chọn đối tượng đúng, cần tập trung những yếu nhất của từng ngành hàng để tập trung khắc phục, xây dựng sản phẩm quốc gia. Ví dụ 5.000 ha nhưng sản xuất hàng triệu tấn nhưng lại yếu khâu giống.

    Quoc hoi thao luan kinh te xa hoi anh 6

    "Sắp tới phấn đấu cung cấp giống lên 100%, chúng ta sẽ có sản phẩm quốc gia tốt. Sản phẩm cấp tỉnh, có tính quy mô, mang đặc trung như cam Cao Phong, hoa Đà Lạt, nhãn lồng Hưng Yên. Như Bắc Giang cũng có 5.000 tỷ về vải thiều, gần 1.000 tỷ na, gà đồi Yên Thế… Như vậy bắc Giang có tới 500 triệu USD", ông nhận định. 

    Bộ trưởng nói tiếp: "Tôi lấy ví dụ, trên thế giới 7 tỷ người, mỗi người ăn 1 cân tôm là 7 triệu tấn. Trong khi đó, nguồn cung ứng mới chỉ là 5 triệu tấn. Dư địa để phát triển là rất nhiều".

  • Chưa nước nào vải thiều, na lại có thể ra quả trên thân cây

    Ngoài ra, ông cho biết ở trục địa phương, chúng ta có chương trình mỗi làng một sản phẩm, mỗi khu vực lân cận lại có một sản phẩm. Cần có mặt hàng mang tính chất đặc sản. Như quảng Ninh thành lập 198 sản phẩm, đưa ra trên 200 sản phẩm chất lượng cao, một số sản phẩm có thể xuất khẩu được.

    Quoc hoi thao luan kinh te xa hoi anh 7
    Theo ông Nguyễn Xuân Cường, chưa có nước nào cho na, vải thiều ra quả được trên thân cây. Ảnh minh hoạ: VietGAP.

    "Chúng ta có 3 trục, lựa chọn tốt, tổ chức ngành hàng sẽ đi đúng hướng và thành công. Chưa bao giờ ngành nông nghiệp được quan tâm của cả hệ thống chính trị như hiện nay. Doanh nghiệp vào cuộc với nông nghiệp là rất quyết liệt, nhiều doanh nghiệp có thể xuất khẩu 600-700 triệu USD", ông nói.

    Bộ trưởng cũng dẫn ví dụ về các nữ tướng ngành sữa, bà con lại rất sáng tạo… "Chưa có một đất nước nào mà vải thiều và na lại có thể cho ra quả ở thân cây, rồi thủy phi cơ được sáng tạo ở Phú Xuyên… Đây là chính sách lớn nhất tạo nên sức mạnh", tư lệnh ngành Nông nghiệp nói. 


  • Bán tài sản cho con đi học nhưng con học xong thì không xin được việc

    Đại biểu Nguyễn Quốc Hạn, Cà Mau nêu vấn đề thất nghiệp của cử nhân. 

    Ông dẫn số liệu từ Viện khoa học lao động và xã hội, đến quý II/2017, cả nước còn 180.000 cử nhân chưa có việc làm, vấn đề đã được nhiều cơ quan chức năng mổ xẻ nhưng đến nay chưa có giải pháp hữu hiệu.

    Quoc hoi thao luan kinh te xa hoi anh 8

    "Để có tấm bằng cử nhân là cả một quá trình phấn đấu của con người, không phải ai cũng đủ khả năng để đi đến cuối con đường học vấn", ông nói và cho biết nhiều gia đình phải đầu tư cả gia sản, bán cả ruộng vườn tích góp bao nhiêu năm để vun vén cho con ăn học, chưa kể tới sự đầu tư của xã hội để rồi, sau khi ra trường vác bằng đại học đi xin việc khắp nơi mà không ai đón nhận.

    Trên một số trang mạng có những sinh viên do phẫn uất đã tự tay đốt tấm bằng đại học mà sau bao ngày phấn đấu cật lực của mình để đi làm việc khác công việc mà không cần học hành nhiều cũng làm được đó là chạy xe ôm.

    Trong nhiều báo cáo có đánh giá một bộ phần công chức năng lực hạn chế không làm được việc, trong khi nguồn nhân lực đang dư thừa. Tại sao công chức phải là công chức suốt đời, dẫn đến tình trạng chạy đua bằng mọi cách để vào công chức. Thế là đã được bao bọc suốt đời cứ làm việc từ từ đến tháng thì lãnh lương, đến năm thì lên lương, đến tuổi về hưu thì có BHXH, đại biểu này đặt câu hỏi. 


  • Bộ trưởng Y tế, Tài chính sẽ phát biểu buổi chiều

    Phiên thảo luận buổi sáng kết thúc.

    Trong phiên thảo luận sáng nay đã có 20 đại biểu phát biểu, 7 đại biểu tranh luận. Hai bộ trưởng Công Thương và Nông nghiệp & Phát triển nông thôn phát biểu các vấn đề đại biểu quan tâm.

    Danh sách đại biểu đăng ký phát biểu còn 57 người. Buổi chiều, Bộ trưởng Y tế và Tài chính giải trình thêm các vấn đề đại biểu quan tâm. 

     

  • Phiên thảo luận chiều 1/11 bắt đầu. Theo thông tin trước đó, có 57 đại biểu đăng ký phát biểu trong phiên chiều nay.

  • “Đội ngũ cán bộ chắp vá, chưa được chuẩn hoá”

    Đại biểu Bùi Văn Phương, đoàn Ninh Bình, đặt câu hỏi tại sao các hạn chế, yếu kém đã đề ra nhiều giải pháp khắc phục mà vẫn diễn ra. Ông cho rằng việc phân cấp, phân quyền các cấp hành chính chưa phù hợp. Cấp xã, phường gắn với dân, là cấp cuối cùng, lại đang được nhìn nhận hơi mờ nhạt.

    Quoc hoi thao luan kinh te xa hoi anh 9

    “Đội ngũ cán bộ chắp vá, chưa được chuẩn hoá. Cơ sở vật chất khó khăn, chính sách với cán bộ cấp xã thấp nhất hiện nay. Dường như cán bộ công chức cấp xã còn khoảng cách với cán bộ nói chung”, ông nhìn nhận.

    Do đó, có câu chuyện lãnh đạo cấp xã nói “đãi ngộ thế làm thế thôi”, còn trên lại bảo “làm như thế chỉ đãi ngộ thế”.

    Quốc hội thảo luận cải cách bộ máy hành chính, ông kiến nghị cần phân cấp, phân quyền cho cấp xã nhiều hơn. “Không nên coi là cán bộ công chức cấp xã mà nên coi là cán bộ nói chung trong hệ thống”, đại biểu này nêu ý kiến. 

     


  • "Thang bậc, ngạch lương còn nặng về bằng cấp, thâm niên"

    Đại biểu Phan Thái Bình (Quảng Nam) đề nghị cải cách chính sách tiền lương của cán bộ công chức hành chính Nhà nước gắn với cải cách hành chính.

    Ông cho biết từ năm 1960 đến nay chính sách tiền lương đã trải qua 3 lần cải cách lớn. Từ năm 2004 cũng trải qua hàng chục lần điều chỉnh mức tiền lương tối thiểu. Nhưng số thang bậc, ngạch lương còn nặng về bằng cấp, thâm niên chưa theo yêu cầu công việc. Hệ số giữa các bậc, ngạch còn thấp làm giảm hiệu quả, tăng tính bình quân trong hệ số lương, giảm tính kích thích.

    Quoc hoi thao luan kinh te xa hoi anh 10

    Các mức lương công chức được tính toán theo mức tiền lương tối thiểu, nên bảng lương của khu vực hành chính thấp hơn mức bình quân của thị trường. Do đó, mức lương của công chức chưa phản ánh rõ giá trị của người lao động với giá trị cao, không thu hút được nhân tài. Hiện có quá nhiều loại phụ cấp vừa không bù đắp được hao phí sức lao động tăng thêm, vừa không công bằng.

    Quoc hoi thao luan kinh te xa hoi anh 11

    Đại biểu đề xuất cần đổi mới cải cách thang bậc, ngạch lương theo hướng trả lương theo vị trí việc làm, tăng hệ số giãn cách từng bậc, ngạch. Ngoài ra còn hoàn thiện chính sách các loại phụ cấp cho phù hợp. Khuyến khích các ngành nghề kỹ thuật cao, thu hút ngân tài. Cũng cần quan tâm đến người đến tuổi về hưu.



  • Bộ trưởng Y tế: Có thể điều chỉnh mệnh giá mua BHYT

    Về công tác phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là dịch bệnh sốt xuất huyết trong thời gian qua, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết dịch sốt xuất huyến (SXH) nặng nhất là ở Hà Nội, dịch kéo dài,...

    Bộ trưởng Y tế nêu nguyên nhân dịch bệnh kéo dài do biến đổi khí hậu, nắng kéo dài, mưa nhiều; bên cạnh đó có nguyên nhân từ di cư, nơi ở của công nhân xây dựng; ý thức bảo vệ môi trường, phòng chống dịch bệnh chưa cao; vấn đề phòng chống muỗi cũng rất khó khăn.

    Theo bà Nguyễn Thị Kim Tiến, có thể trong thời gian tới chúng ta sẽ đương đầu với những bệnh dịch khác nên cần quan tâm tới vấn đề phòng bệnh, bảo đảm vệ sinh môi trường, nâng cao sức khỏe, thể lực; hoàn thiện hệ thống thể chế; nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ; quyết liệt trong triển khai công tác phòng chống dịch bệnh...

    Quoc hoi thao luan kinh te xa hoi anh 12

    Về bảo hiểm y tế, Bộ trưởng thông tin 82% người dân có thẻ BHYT, từng bước nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Về điều chỉnh giá BHYT đã làm cho người dân chi tiền túi và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.  Tuy nhiên giá dịch vụ tăng là điều được đoán trước.

    Tuy nhiên, do giá dịch vụ tăng, công tác thông tuyến, kỹ thuật cao được áp dụng đến tuyến tỉnh, tuyến huyện, ý thức bảo vệ sức khỏe của người dân tăng lên... nên nhiều địa phương bội chi quỹ BHYT.

    Về giải pháp, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho hay đầu năm 2016 kết dư BHYT là 47.000 tỷ. "Kết dư nhiều vậy thì tốt hay không tốt? Không tốt vì đây là quỹ ngắn hạn người dân đóng thì phải được hưởng hết hàng năm. Quỹ còn chứng tỏ người dân chưa được hưởng các dịch vụ tốt, chưa hưởng được dịch vụ kỹ thuật cao, thể hiện nền kinh tế không công bằng. Cuối 2016 khi điều chỉnh giá dịch vụ y tế, tính đủ 4/7 yếu tố thì dự tính trong năm nay quỹ sẽ bội chi 10.000 tỷ đồng. Nguồn kết dư 39.000 tỷ còn lại sẽ chỉ đủ dùng đến hết 2019 nếu giá duy trì như hiện nay", bà Tiến nói..

    Bộ trưởng Kim Tiến cho rằng dù quỹ bảo hiểm y tế chưa vỡ nhưng sau năm 2019, năm nào dùng hết năm đó, nên tương lai xa có thể điều chỉnh mệnh giá mua BHYT.

  • Đại biểu Đà Nẵng: Chấm dứt mối liên kết ngầm giữa thị trường tín dụng và bất động sản

    Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) đưa ra 5 kiến nghị. Theo bà, tăng GDP là quan trọng nhưng quan trọng hơn cả vẫn là chất lượng, hiệu quả.

    Đại biểu này nhắc lại câu chuyện Nghị quyết của Quốc hội về xử lý nợ xấu. Việc này cần thực hiện đồng bộ với giải pháp giải quyết dứt điểm tiềm ẩn sở hữu chéo của ngân hàng thương mại. “Cần tiếp tục sáp nhập, hợp nhất các ngân hàng yếu kém, đặt yêu cầu đạo đức nghề nghiệp và tính chuyên nghiệp của viên chức ngành ngân hàng để xử lý nghiêm, chấm dứt mối liên kết ngầm giữa thị trường tín dụng và thị trường bất động sản”, bà nói.

    Quoc hoi thao luan kinh te xa hoi anh 13

    Đại biểu cũng đề nghị Chính phủ rà soát lại hết các quy định dưới luật như nghị định, thông tư liên uqan đến hoạt động đầu tư kinh doanh như: Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp, Luật xây dựng, Luật kinh doanh bất động sản…. Mà doanh nghiệp cho rằng luật thì thông thoáng, dưới luật thì chói buộc, tạo điều kiện để gây khó dễ cho doanh nghiệp.

    “Tình trạng trên trải thảm, dưới trải đinh không chỉ là lãnh đạo với bộ máy thừa hành mà còn luật và văn bản dưới luật mà do đó tôi đề nghị xem đây là một nội dung quan trọng của cải cách hành chính”, là ý kiến của đại biểu đến từ Đà Nẵng.

     


  • Thuế của Việt Nam thuộc mức trung bình thấp!

    Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng là tư lệnh ngành tiếp theo trả lời. Ông cho biết các ý kiến liên quan thu NSNN, có ý kiến cho rằng tăng trưởng GDP đạt 6,7% nhưng tại sao NSNN chỉ tăng thu 2,3% so với dự toán. Vì sao GDP cải thiện nhưng quy mô thu NSNN giảm. Vì sao thu từ 3 khu vực lớn không đạt?

    Quoc hoi thao luan kinh te xa hoi anh 14

    Ông giải trình về bản chất, NSNN là thước đo quan trọng phản ánh sự phát triển của nền kinh tế nên chịu ảnh hưởng cả từ yếu tố tích cực, hạn chế, yếu kém. Trong điều kiện tăng trưởng kinh tế, lạm phát đạt kế hoạch thì thu ngân sách đạt vượt 2,3% là tích cực. Thu nội địa từ hoạt động sản xuất trên 14% cũng là tích cực. Dự toán 2018 cũng được ông Dũng đánh giá là tích cực.

    Dù tổng thể thu NSNN vượt nhưng từ 3 khu vực chính chưa đạt 100% có nguyên nhân khách quan, chủ quan. Khách quan do dự toán giao rất cao, so với năm 2016, cao hơn nhiều so với GDP và lạm phát cộng lại. Nên dù không đạt nhưng đây là mức tích cực. Về khách quan, ông cho biết nhiều DN khó khăn, việc cơ cấu lại DN nhà nước, TCTD chậm.

     

    Tình hình sản xuất kinh doanh của DN ô tô, khai khoáng... rất khó khăn. Kể cả Samsung và Formosa, hai doanh nghiệp lớn, nhưng thu ngân sách không tăng nhiều do đang được hưởng ưu đãi. “Cơ cấu thu hiện nay thay đổi”, ông nói.

     

     

    Quoc hoi thao luan kinh te xa hoi anh 15

     

    Về thuế, ông cho biết mỗi nước lại đánh sắc thuế phụ thuộc vào chiến lược. Thuế của Việt Nam thuộc mức trung bình thấp so với các nước khu vực, thế giới.

     

    Ông Đinh Tiến Dũng cho biết cơ bản nhất trí về việc phải xem xét có những điều chỉnh chính sách thu thuế hợp lý, chấn chỉnh chính sách quản lý thu, ngăn tình trạng chuyển giá, trốn thuế, nợ đọng thuế... 5-6 luật thuế đang được nghiên cứu sửa đổi, trình trong năm 2018.

    Tương tự,  ông Dũng khẳng định tỷ lệ huy động ngân sách của Việt Nam không phải quá cao. Huy động vào NSNN/GDP là 23,8%, từ thuế và phí có 19,7%. Trong khi đó, tỷ trọng các nước liên minh châu Âu là 44,3% GDP, châu Á 27,5%, Ấn Độ 21,3%, Thái Lan trên 24%... Theo tư lệnh ngành tài chính, khi so sánh cần phải so sánh dựa trên tiêu chí đồng nhất, cùng bản chất.

     

     

     



Nhóm phóng viên

Bạn có thể quan tâm