Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thuê bao 11 số: Sim rác hay không rác?

Bộ Thông tin và Truyền thông khẳng định, lượng thuê bao 11 số và 10 số hiện ngang bằng nhau, trong khi các đại lý cho biết, bán sim 11 số đang đảm bảo 70% doanh thu mỗi ngày.

Là phương án được lựa chọn nhằm làm giảm áp lực lên kho số nhà mạng, thuê bao di động 11 số đã có gần 10 năm tồn tại và phát triển. Tuy nhiên, từ chỗ là phương án tối ưu khi bảo đảm được tính kinh tế và giảm thiểu tác động tới phần lớn người dùng, những chiếc sim 11 số đã gắn với từ "rác", và sẽ phải đối mặt với án khai tử trong 2 năm tới, khi Bộ Thông tin và Truyền thông hoàn tất lộ trình Quy hoạch kho số viễn thông.

Thực tế, vào thời điểm ra mắt và chính thức được các nhà mạng sử dụng, số lượng sim 11 số đã có mức tiêu thụ rất tốt. Đơn cử như Viettel, chỉ 4 tháng sau khi nhận đầu số 0166, nhà mạng này đã phải xin thêm đầu số mới, bởi "8 triệu sim đã được tiêu thụ hết". Trong khoảng 10 năm phát triển, lượng đầu số của sim 11 số thậm chí còn đa dạng hơn so với sim 10 số, và là lựa chọn hàng đầu của giới sinh viên, học sinh, với tiêu chí "giá sim rẻ nhưng tài khoản có nhiều tiền". Thực tế cho thấy tính tiếp nhận của thị trường cũng sẽ tăng dần khi số thuê bao trở nên quen thuộc với đại bộ phận người sử dụng.

Lượng thuê bao ảo áp đảo thuê bao thực đã khiến những chiếc sim điện thoại 11 số bị đánh đồng với nguyên nhân gây nên hiện tượng tin nhắn rác, thuê bao rác hiện nay. Ảnh: Thanh Hải.
Vào thời điểm ra đời, các đại lý sim hầu như không mấy thích thú với những số điện thoại 11 số có đầu 01. Anh Nguyễn Hoàng Anh, chủ một đại lý sim trên đường Láng, Đống Đa, Hà Nội, cho hay, những chiếc sim 11 số có một thời bị thị trường "ghẻ lạnh". Bởi theo quan niệm về phong thủy, tài vận, sim đầu số 01 khó bì kịp với đầu 09. Sim 11 số ra đời khiến giá sim 10 số cổ tăng nhanh, nhưng nhờ vào việc nhà mạng khuyến mại tài khoản lớn, sim 11 số vẫn được tiêu thụ khá.

Trước thời điểm siết tài khoản, sim 11 số chiếm khoảng 70% doanh thu hàng ngày của đại lý. Dù sau này bị siết tài khoản kích hoạt, nhưng nhờ mức giá luôn thấp hơn từ 3 đến 5 lần so với một chiếc sim 10 số, trong khi tài khoản tương đương, sim 11 số vẫn là "cửa sống" chính của các đại lý, nhất là trong thời kỳ thị trường bão hòa như hiện nay.

Từ chỗ bị ghẻ lạnh, nhiều chiếc sim 11 số giá hàng chục triệu đã được người dùng chấp nhận. Bởi việc sở hữu một sản phẩm tương tự với 10 số là không tưởng, hoặc thường vượt quá khả năng tài chính của số đông khách hàng. "Khi người dùng chấp nhận những chiếc sim giá cao, và đại lý cũng phân cấp sim số đẹp, số thường cho những thuê bao 11 số, đã cho thấy những chiếc sim 'rác' này đã có chỗ đứng của nó trên thị trường", anh Hoàng Anh nói.

Thứ trưởng Bộ TT&TT: Không bắt buộc đổi số điện thoại từ 1/3

Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng phủ nhận thông tin ngay từ 1/3/2015, người dân, DN sẽ buộc phải đổi ngay số điện thoại với mã vùng mới, hoặc đổi thuê bao từ 11 số sang 10 số.

Theo tiết lộ của Bộ Thông tin và Truyền thông, số lượng thuê bao dùng đầu 10 số và 11 số đang tương đương nhau (50%-50%). Tuy nhiên, mỗi năm, kho sim 11 số lại được tiêu thụ nhanh hơn, nên lượng thuê bao ảo dùng 11 số hiện nhiều hơn so với thuê bao 10 số. Thực trạng này cũng từng được Bộ Thông tin và Truyền thông thừa nhận ngay từ năm 2010, khi đáp lại đề nghị kéo dài số di động từ các nhà mạng. Khi đó, cơ quan này cho hay, với mỗi đầu số mới mà doanh nghiệp được cung cấp, lượng thuê bao thực chỉ chiếm 20-30% lượng tiêu thụ, phần còn lại là thuê bao ảo, không phát sinh cước hàng tháng.

"Thay đổi này (từ sim 11 số về 10 số) theo chiều hướng tích cực, được sự ủng hộ của đa số người sử dụng. Vì tất cả người sử dụng 11 số đều muốn được dùng 10 số, ngắn hơn, dễ nhớ hơn", đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông khẳng định. Tuy nhiên, với một số người dùng, việc khai tử những chiếc sim 11 số một phần là từ cái nhìn không mấy thiện cảm của xã hội với những số bị coi là "rác" này.

"Sim 11 số này thường bị tận dụng để gửi tin quảng cáo trên nền thiết bị di động, nên cái nhìn của phần lớn người dùng với loại sim này không mấy thiện cảm. Nhưng về bản chất, việc sim 11 số có trở thành 'rác' hay không là do sự quản lý của nhà mạng. Hơn nữa, khi thay đổi đầu số, nhiều khả năng sẽ nảy sinh hiện tượng găm sim để chờ giá, việc này chỉ khiến người dùng thêm thiệt thòi", anh Trần Vĩnh Tiến, ở Đống Đa, Hà Nội, chia sẻ.

Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Nam Thắng, Bộ đang xây dựng kế hoạch để triển khai quy hoạch trong thời gian dài, còn những vấn đề có ảnh hưởng, tác động xã hội thì cần có thời gian chuẩn bị kỹ hơn. Riêng đối với việc thay đổi đầu số cố định, trong thời gian thực hiện, Bộ và các nhà mạng sẽ triển khai các biện pháp kỹ thuật. Người dân, tổ chức, doanh nghiệp không phải làm gì.

"Các hệ thống kỹ thuật sẽ lập trình song song cả số mới và số cũ. Trong vài tháng, gọi số nào cũng đi bình thường. Sau một thời gian tuyên truyền tốt, người dân gọi vào số cũ thì sẽ có thông báo cần phải quay số mới. Việc thông báo tự động được thực hiện trong thời gian dài, sau đó mới chuyển đổi hoàn toàn. Việc triển khai quy hoạch có lộ trình với nhiều giải pháp, biện pháp đi kèm để đảm bảo tác động đối với tổ chức, cá nhân là ít nhất", Thứ trưởng cho hay.

  

Đường đời ngắn ngủi của sim di động 11 số

Trong khi cơ quan quản lý cho rằng, thống nhất sim di động về 10 số là cách giải quyết tốt nhất cho nhiều bài toán của ngành viễn thông, thì người dùng lại đặt câu hỏi ngược lại.

T.A

Bạn có thể quan tâm