Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thúc tiến độ 9 dự án nguồn để tránh nguy cơ thiếu điện nghiêm trọng

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ban, ngành và một số doanh nghiệp đẩy nhanh 9 dự án nguồn điện, không để xảy ra tình trạng thiếu điện trong thời gian tới.

Văn phòng Chính phủ vừa phát đi thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về tình hình cung ứng điện của hệ thống điện quốc gia và các giải pháp đảm bảo cung ứng điện đến năm 2025.

Tại cuộc họp, Thường trực Chính phủ nhận định Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) và các chủ đầu tư khác, các bộ, ngành, địa phương liên quan đã cố gắng thực hiện Quy hoạch điện VII điều chỉnh và đạt được kết quả nhất định.

Tuy nhiên, tiến độ triển khai nhiều dự án còn chậm so với kế hoạch, đặc biệt là các dự án nguồn nhiệt điện có quy mô công suất lớn dự kiến đưa vào vận hành đến năm 2023.

Theo Chính phủ, việc này ảnh hưởng rất lớn đến cân đối cung - cầu điện trong giai đoạn đến 2025, xuất hiện nguy cơ thiếu điện nghiêm trọng vào các năm 2022, 2023 và khó khăn về cung ứng điện vào các năm 2020, 2021.

Do đó, Thường trực Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan liên quan nhận thức đầy đủ về vai trò đặc biệt quan trọng của việc đảm bảo cung ứng điện đối với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong giai đoạn đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước hiện nay, tuyệt đối không để xảy ra thiếu điện trong bất kỳ tình huống nào.

khong de thieu dien trong bat ky tinh huong nao anh 1
Thường trực Chính phủ yêu cầu đẩy nhanh tiến độ các dự án điện. Ảnh: Huỳnh Hải

Nhằm đảm bảo cung ứng điện đến năm 2025, Thường trực Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành và doanh nghiệp liên quan đẩy nhanh tiến độ 9 dự án nguồn điện của EVN.

Đó là các dự án nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch I, Quảng Trạch II, Dung Quất I và Dung Quất III (đồng bộ với Dự án khí Cá Voi Xanh), Ô Môn III và Ô Môn IV (đồng bộ với Dự án khí Lô B), các dự án thủy điện nhà máy Hòa Bình mở rộng, Yaly mở rộng, Trị An mở rộng cũng được yêu cầu sớm triển khai.

"Các khó khăn, vướng mắc và những vấn đề vượt thẩm quyền cần kịp thời báo cáo Thủ tướng để thúc đẩy tiến độ", kết luận nêu.

Thường trực Chính phủ đồng ý về nguyên tắc xem xét áp dụng Luật Điện lực để cho phép triển khai các dự án điện cấp bách, nâng cao hiệu quả vận hành hệ thống điện. Đặc biệt, nguyên tắc áp dụng cơ chế bảo lãnh chuyển đổi ngoại tệ đối với dự án Nhà máy nhiệt điện BOT Vĩnh Tân III với tỷ lệ hợp lý, tối đa 30% cũng được thông qua.

Đồng thời, Thường trực Chính phủ đồng ý xem xét việc mua hết sản lượng điện phát của các nhà máy thủy điện nhỏ và các nhà máy điện mặt trời nếu được đấu nối vào hệ thống điện quốc gia, đảm bảo an toàn vận hành, có giá bán điện hợp lý và kiểm soát việc phát triển thủy điện nhỏ đảm bảo các yêu cầu về bảo vệ môi trường

Thông báo cũng nêu rõ cần đẩy mạnh thực hiện các biện pháp tiết kiệm điện, quản lý nhu cầu điện theo các chương trình quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Hiện nay, mức thiếu hụt nguồn điện được dự báo tăng từ 3,7 tỷ kWh năm 2021 lên 12 tỷ kWh năm 2023. EVN đang huy động nguồn nhiệt điện chạy dầu với sản lượng tương đương 1,7 tỷ kWh trong năm nay và dự kiến 5,2 tỷ kWh năm 2020. 

Bên cạnh việc đầu tư các dự án điện mới, một trong những giải pháp đang được đẩy mạnh khác là huy động người dân lắp đặt điện mặt trời áp mái, mục tiêu đến cuối năm 2025 có 100.000 hệ thống điện mặt trời áp mái được lắp đặt. 

Quá tải vì điện mặt trời, EVN cấp tập đầu tư đường dây

Trong quý II, đã có hơn 4.000 MW điện mặt trời hòa lưới vận hành, tập trung tại Ninh Thuận, Bình Thuận, gây áp lực lớn lên khả năng giải tỏa công suất của lưới điện truyền tải.

Người dân lắp điện mặt trời sẽ được hỗ trợ tối đa 6 triệu đồng

Bộ Công Thương bắt đầu khởi động dự án hỗ trợ người dân lắp điện mặt trời tại gia đình với sự tài trợ của Chính phủ Đức. Mức hỗ trợ có thể lên tới 6 triệu đồng/hộ gia đình.


Lan Anh

Bạn có thể quan tâm