Trong khi chính quyền Iran ghi nhận 54 trường hợp tử vong và 978 ca nhiễm virus corona trên toàn quốc, trong đó có cả một phó tổng thống và thứ trưởng bộ Y tế, những con số không chính thức được cho là cao hơn rất nhiều.
Đền thờ Fatima Masumeh ở thành phố Qom - tâm điểm bùng phát dịch Covid-19 ở Iran, được khử trùng để ngăn chặn virus lây lan. Ảnh: AP. |
"Nước xuất khẩu các ca nhiễm Covid-19"
Đài BBC tiếng Farsi có trụ sở ở London tuyên bố số ca tử vong vì virus ở Iran đã lên tới 210 - số liệu mà họ nói là thu thập từ các bệnh viện. Bộ Y tế Iran sau đó ngay lập tức phủ nhận thông tin này.
6 nhà dịch tễ học ở Canada sử dụng mô hình toán học và dựa trên số các ca tử vong được công bố, ước tính có khoảng 18.000 ca nhiễm virus trên đất Iran với độ tin cậy khoảng 95%. Tính toán của họ vẫn chưa được bình duyệt nhưng bao gồm cả những ca nhiễm bắt nguồn từ Iran.
Nghiên cứu được thực hiện sau khi Canada phát hiện một trường hợp nhiễm virus ở nước này sau khi trở về từ Iran. Lebanon cũng ghi nhận trường hợp nhiễm Covid-19 đầu tiên ở nước này là một phụ nữ trở về từ thành phố Qom - tâm dịch của Iran.
Các trường hợp tương tự cũng được phát hiện ở Iraq, Pakistan, Afghanistan, Bahrain, Kuwait, Oman và cả nhiều nước châu Âu.
Trường hợp nhiễm Covid-19 đầu tiên của New Zealand cũng là người vừa mới trở về từ Iran. Thậm chí một nhà ngoại giao Áo cũng cho kết quả dương tính với virus corona sau khi tới thăm nước này.
"Khi một quốc gia xuất khẩu các ca nhiễm bệnh đến địa điểm khác, rất có thể việc lây nhiễm ở quốc gia đó đã diễn ra một cách đáng kể", ông Issac Bogoch, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Toronto, đồng tác giả nghiên cứu, nhận định.
Ông Kamiar Alaei, một chuyên gia chính sách y tế toàn cầu của Iran, người đồng sáng lập một phòng khám HIV ở Tehran, nhấn mạnh tính chất toán học phức tạp và vẫn đang phát triển của khả năng lây nhiễm virus corona.
"Tỷ lệ tử vong (vì Covid-19) ở những nơi khác là khoảng từ 1-2%, và 3% ở Trung Quốc. Vì vậy nếu tỷ lệ tử vong là 1% và chúng ta có các báo cáo về 54 người chết hoặc 100 hay thậm chí là 200 người chết, thì số ca nhiễm bệnh có thể từ 4.400 người hoặc 10.000 và thậm chí là 20.000 người", ông Alaei nhận định.
Tuần này, Tổ chức Phóng viên Không Biên giới đã chỉ trích Tehran về công tác xử lý dịch, cáo buộc chính phủ giấu thông tin về sự lây lan của virus.
"Chính quyền khẳng định tình hình nằm trong tầm kiểm soát... nhưng họ đã cản trở những phóng viên đưa tin về vụ việc", nhóm cho biết trong một tuyên bố.
Hôm 29/2, phát ngôn viên Bộ Y tế Iran, ông Kianoush Jahanpour đã đáp lại lời chỉ trích này bằng việc cáo buộc truyền thông nước ngoài cố tình lan truyền tin giả.
Thứ trưởng Y tế Iran Iraj Harirchi lau mồ hôi trong cuộc họp báo hôm 24/2 về tình hình Covid-19, ông Harirchi sau đó được xác nhận đã nhiễm virus corona. Ảnh: AFP. |
Ông Thierry Coville, nhà phân tích Iran tại Viện Chiến lược và Quốc tế của Pháp, nhận định: "Trong số những người bảo thủ của Iran, có một nỗi ám ảnh về việc không cung cấp đạn dược cho kẻ thù, và tránh tỏ ra yếu đuối".
Dựa theo số liệu chính thức về Covid-19 của Iran, khoảng 7% người nhiễm virus corona ở nước này đã tử vong, tỷ lệ cao hơn rất nhiều so với các quốc gia khác.
Tỷ lệ tử vong ở Trung Quốc là vào khoảng hơn 3%, trong khi tỷ lệ chết vì virus corona ở Italy - đất nước cũng đang phải đối mặt với một đợt bùng phát - là 2%.
"Ở Iran, họ sẽ phát hiện bệnh nhân dựa trên cái chết. Vì vậy, nếu bạn tính toán tỷ lệ tử vong dựa theo cách đó, con số sẽ rất cao", bà Cecile Viboud, nhà dịch tễ học tại Viện y tế Quốc gia Mỹ, nhận định.
Quan ngại cho những nước láng giềng
Dù độ tin cậy của các số liệu chính thức là gì, Iran chắc chắn là một trong những ổ dịch lớn nhất bên ngoài Trung Quốc.
Tình hình trở nên trầm trọng hơn khi đất nước đang vật lộn với một cuộc khủng hoảng kinh tế, đến từ việc chính quyền của Tổng thống Trump áp đặt lại các lệnh trừng phạt kinh tế vào năm 2018 như một động thái đánh vào việc xuất khẩu dầu mỏ - nguồn ngoại tệ chủ yếu của kinh tế Iran, gây ra một đợt suy thoái lớn.
"Tại sao Iran không dừng các chuyến bay đến Trung Quốc? Có một lời giải thích hợp lý - Trung Quốc là một trong những quốc gia cuối cùng có thể mua dầu của họ. Họ cần duy trì mối liên kết kinh tế này", ông Coville chuyên gia về Iran nhận định.
"Với các lệnh trừng phạt, chúng ta có thể nói rằng chính phủ đã mất đi ít nhất 30% nguồn thu ngân sách. Điều này chắc chắn đã có tác động đến hệ thống y tế của họ", ông Coville nói thêm.
Nằm ở khu vực được coi là ngã tư địa lý của Trung Đông, bao quanh bởi các quốc gia có hạ tầng y tế yếu kém và điều kiện nhân đạo đầy thách thức, tình hình dịch bệnh tại Iran đang gây ra nhiều lo lắng.
Người dân thủ đô Tehran tuần này bắt đầu đeo khẩu trang khi sử dụng các phương tiện giao thông công cộng. Ảnh: AFP. |
"Điều này là đáng quan ngại, cho cả sức khỏe cộng đồng ở Iran và khả năng lan truyền dịch bệnh ra các nước láng giếng - vốn ít có khả năng ứng phó với dịch bệnh truyền nhiễm hơn", nghiên cứu của các nhà khoa học Canada kết luận.
Chính quyền Iran đã thực hiện một số biện pháp để chống lại sự lây lan của virus, bao gồm hủy bỏ các buổi cầu nguyện tập thể vào ngày thứ sáu ở một số thành phố, đóng cửa trường học và quốc hội cho đến khi có "thông báo thêm", trong bối cảnh đã có ít nhất 2 nghị sĩ quốc hội được xác định nhiễm virus.
Việc hút shisha - nơi nhiều người cùng sử dụng chung một ống tẩu - cũng đã bị cấm ở Tehran và nhiều nơi trên đất nước.