Sách Thế kỷ cô đơn của học giả Noreena Hertz - một trong những nhà tư tưởng hàng đầu thế giới (theo The Observer) được nghiên cứu trong vòng một thập kỷ để đúc kết được xu hướng của thế hệ ngày nay - “trào lưu” làm bạn với công nghệ.
Đọc sách, độc giả sẽ bất giác nhìn nhận thực tại và chứng kiến “kết giới” của sự cô đơn ngày một mở rộng. Từ đó, chúng ta cần khẩn trương hàn gắn thế giới đang ngày một xa cách trở nên xích lại gần nhau hơn.
Cô đơn - loại “virus” dễ lây lan
Năm 2020 hẳn là một năm khó quên của hơn 2,5 tỷ người, tức 1/3 dân số thế giới buộc phải “tự cô lập” mình để thực hiện giãn cách xã hội. Thời điểm đó, tôi cảm nhận sự “đơn độc, đơn độc, hoàn toàn đơn độc” một cách rõ ràng và tột cùng. Dường như mọi thứ trong và xung quanh tôi dần trở nên căng thẳng, bí bách và cả khó chịu.
Tôi hay nghĩ cô đơn là làm mọi thứ một mình. Nhưng Noreena Hertz định nghĩa “cô đơn” vừa là một trạng thái nội tâm vừa là một trạng thái hiện sinh. Đó là cảm giác bị mất kết nối với nền chính trị, với công việc và nơi làm việc, cảm giác bị loại trừ khỏi những lợi ích của xã hội và cảm giác mình bất lực, vô hình, thiếu tiếng nói.
Nữ tác giả cho rằng điện thoại thông minh, cụ thể mạng xã hội là một trong những nguyên nhân lớn nhất. Để có được lượt like, retweet và follow, chúng ta sẵn sàng hành xử một cách giả tạo và gượng gạo hơn bao giờ, điều này vô tình làm suy yếu khả năng giao tiếp một cách hiệu quả. Hầu hết các ứng dụng mạng xã hội đều được thiết kế với mục đích gián tiếp như vậy.
Ngoài ra, phong cách sống hiện tại của mỗi người, sự thay đổi bản chất trong công việc và các mối quan hệ xung quanh, cách xây dựng thành phố hay thiết kế nhà ở, cách con người đối xử với nhau, thậm chí là tình yêu thương hiện tại của chúng ta đều góp phần vào việc thế giới trở nên cô đơn hơn. Chính đại dịch Covid-19 đã làm trầm trọng thêm tình trạng này.
Qua nghiên cứu, Noreena Hertz đưa chúng ta khám phá một thế hệ từ lớp học cách giao tiếp trong cuộc sống dành cho cho sinh viên nghiện điện thoại, những người trả tiền để thuê một người bạn ở Mỹ đến những người già sống trong viện dưỡng lão ở Nhật Bản đan mũ len cho robot chăm sóc họ. Tất cả đều tạo nên một “thế kỷ cô đơn”.
Sách Thế kỷ cô đơn. |
Cô đơn nguy hiểm không kém gì “Cô-rô-na”
Cô đơn hiện hữu xung quanh chúng ta, trong lời bài hát Thank u, next của Ariana Grande (đại từ “tôi” thay “chúng ta”), hay xem các ngôi sao mukbang như “người bạn dùng bữa” và “tán gẫu”, nguy hiểm nhất là khi bạn dành nhiều thời gian cho AI với robot.
Trong cuốn sách, tác giả chỉ ra nguy cơ chúng ta mắc bệnh tim mạch vành cao hơn 29%, nguy cơ đột quỵ cao hơn 32% và nguy cơ phát triển chứng sa sút trí tuệ lâm sáng cao hơn 64% nếu cảm thấy cô đơn hoặc bị xã hội cô lập. Mặc dù cảm giác cô đơn tồn tại càng lâu thì tác động đến sức khỏe càng nặng nề, nhưng ngay cả những khoảng thời gian cô đơn ngắn cũng ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe thể chất và tinh thần.
Một câu hỏi đặt ra, liệu sự cô đơn có đơn giản chỉ là một trong nhiều nguyên nhân gây căng thẳng trong cuộc sống, hay tình trạng căng thẳng do cô đơn ẩn giấu có thể gây ra những vấn đề sức khỏe lâu dài và sâu sắc? Câu trả lời là “nó nằm đâu đó ở giữa”.
Với hơn 30 đầu tài liệu tham khảo, tác giả rút ra: một mặt, cơ thể cô đơn là một cơ thể bị căng thẳng và dễ bị kiệt sức. Mặt khác, cô đơn là một loại căng thẳng khuếch đại đáng kể ảnh hưởng của những loại căng thẳng khác.
Qua cuộc phỏng vấn giữa tác giả và giáo sư Emmanuel, ta thấy sự cô đơn còn ảnh hưởng đến sức khỏe và khả năng phục hồi. Nếu một bệnh nhân cô đơn và một bệnh nhân không cô đơn được điều trị giống nhau, thì người không cô đơn sẽ hồi phục tốt hơn.
Ở mức cùng cực, cô đơn có thể dẫn đến tự tử. Hơn 130 nghiên cứu cho thấy mối liên hệ này ở tất cả nhóm tuổi, kể cả người trẻ. Một cuộc khảo sát trên hơn 5.000 học sinh trung học cơ sở của Mỹ cho thấy những thiếu niên tự nhận rằng mình đang cảm thấy rất cô đơn có ý định tự tử cao gấp đôi những người bình thường.
Phương thuốc cho căn bệnh “Thế kỷ cô đơn”
Sau đại dịch Covid-19, chúng ta không còn bị “giam cầm” trong 4 bức tường. Giờ đây, mọi người đều có cơ hội hun đúc và kết nối với cộng động bằng sự tử tế. Tử tế với gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, hàng xóm và cả những người xa lạ.
Sự tử tế làm con người ta không còn cảm thấy cô đơn. Khi giúp đỡ người khác trên tinh thần tự nguyện, không gượng ép, chúng ta sẽ trải nghiệm một phản ứng sinh lý rất tích cực, gọi là “sự phấn khích của người giúp đỡ” (helper’s high). Đi qua hết 11 chương sách, bạn sẽ tìm được lộ trình yêu thương cho riêng mình, từ con người cho đến những đồ vật vô tri.
Mong ước của chúng ta chẳng phải là một cuộc sống ít hối hả và vội vã hơn sao? Ta có thể dừng lại để nói chuyện nhiều hơn với người hàng xóm, tốt hơn là lẩm bẩm một mình. Ta cũng nên thoát khỏi bong bóng riêng tư trên ứng dụng nhắn tin và tương tác với bạn bè. Hay ít nhất, thay vì xem phim trong khi ăn, hãy ngồi cùng gia đình và buôn chuyện đời sống…. Tất cả chúng ta cần thể hiện lòng biết ơn nhiều hơn đối với mọi thứ xung quanh. Đơn giản hơn là dành cho nhau thật nhiều lời cảm ơn.
Tồn tại trong một kỷ nguyên đầy thách thức nhưng tràn đầy hy vọng, chúng ta chỉ và chỉ có thể kết nối với cộng động bằng lòng nhân ái, sự lắng nghe và tích cực hành động trong sự bao dung. Chỉ có như vậy, con người mới không còn “cơ hội” để làm bạn với cô đơn và bước sang một giai đoạn hạnh phúc mới.
Điều thật sự quan trọng giữa “thế kỷ cô đơn” không phải là cảm giác được mọi người quan tâm, mà đó còn là cơ hội để mình có thể yêu thương người khác bằng một trái tim ấm áp và đầy chân thành, bất kể là ai đi chăng nữa. Đây là “liều thuốc” duy nhất không tốn công bào chế, cũng chẳng mất tiền để mua…
Bài viết của độc giả Nguyễn Sơn Trà, được gửi từ email "tra...05@gmail.com"
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Tri Thức - Znews
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Tri Thức - Znews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng.