Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thực hư 'làng ăn mày'

“Việc đi xin ăn là có nhưng không nhiều như những gì thiên hạ đồn thổi. Chuyện đi ăn mày về xây nhà, tậu xe, rồi nói Quảng Thái có cả lớp dạy ăn mày… là bịa đặt”, trưởng thôn nói.

Từ lâu, làng Đồn Điền, xã Quảng Thái, huyện Quảng Xương (Thanh Hóa) đã nổi tiếng với biệt danh “làng ăn mày”. Nhưng nay, được chứng kiến một vùng đất đang thay da đổi thịt mới thấy hết được những đồn thổi ác ý của người đời và nỗi buồn của người dân Đồn Điền phải lặng lẽ sống chung với kiếp ăn mày.

Cùng đường, phải tha hương

Về xã Quảng Thái, khi chúng tôi đặt vấn đề muốn tìm hiểu “làng ăn mày”, ông Trần Công Tính, Chủ tịch UBND xã, tỏ ra không vui. Ông cho biết đã tiếp quá nhiều nhà báo nhưng sau đó, họ lại viết không đúng về vùng đất này.

Đền Thành Hoàng làng Đồn Điền, nơi thờ 2 vị tướng Tô Chính Đạo và Uông Ngọc Châu.

Ông Tính trầm tư: “Quảng Thái chúng tôi trải qua nhiều thăng trầm. Xưa kia, đây là vùng đất nghèo khó nhất của huyện Quảng Xương. Nghề chính của người dân là đi biển và trồng lúa.

Những năm 1980, Quảng Thái liên tiếp dính nhiều trận bão lớn; nhà cửa, ruộng vườn bị tàn phá hết. Trong đó, cơn bão số 6 năm 1980 đã cuốn trôi hơn 90% nhà cửa và tài sản của người dân ra biển. Lúc đó, 2 hợp tác xã (HTX) Thống Nhất và Độc Lập chuyên sản xuất chiếu cói, thêu ren xuất sang Liên Xô và các nước Đông Âu phải đóng cửa do những biến động ở khu vực này. Người dân không có công ăn việc làm, nhà cửa tan hoang, nhiều gia đình lâm vào cảnh khốn cùng”.

Đói thì đầu gối phải bò. Rất nhiều người dân làng Đồn Điền đi tứ xứ xin ăn, bán báo, đánh giày… Thế là phong trào tha phương cầu thực bắt đầu từ đó. Những cánh đồng vốn đã cằn cỗi vì nắng gió càng thêm hoang vắng, người đi biển thưa dần.

Những năm 1982 - 1983, Quảng Thái có tới 600 - 700 người bỏ xứ đi xa kiếm ăn. Anh em, chòm xóm dắt nhau đi, thậm chí cả gia đình bỏ xứ, lang thang kiếm sống. Những năm sau đó, trẻ em đang độ tuổi đến trường phải nghỉ học lang thang khắp nơi. Năm 1993 và 1994, cả xã có hơn 700 trẻ sống lang thang. Có gia đình 3, 4 cháu đi đánh giày, bán báo, xin ăn…

“Thế là tên “làng ăn mày” có từ đó với nhiều “giai thoại” được thêu dệt, đại loại làng thờ ông tổ nghề ăn mày, người trong làng muốn có cuộc sống ấm no, sung túc phải đi xin ăn... Họ còn đồn thổi nhiều người đi ăn mày về xây nhà lầu, sắm tivi, mua xe máy, thậm chí chủ tịch xã cũng đi ăn mày… Thời ấy, đúng là có nhiều người bỏ xứ đi kiếm sống, trong đó xin ăn cũng nhiều”, ông Tính tâm sự.

Ông Văn Thư Hoàng - trưởng thôn 2, làng Đồn Điền thừa nhận trước đây, làng có nhiều người đi tứ xứ làm ăn, trong đó không ít người lang thang xin ăn. “Việc đi xin ăn là có nhưng không nhiều như những gì thiên hạ đồn thổi. Còn chuyện đi ăn mày về xây nhà, tậu xe, rồi nói Quảng Thái có cả lớp dạy ăn mày… là bịa đặt”, ông Hoàng khẳng định.

Không có đền thờ tổ cái bang

Hiện nay, nhiều người vẫn nghĩ có một ngôi đền thờ ông tổ cái bang ở làng Đồn Điền cùng những tập tục về xin ăn. Theo đó, hằng năm, cứ Tết đến, người dân Quảng Thái phải đóng cửa đi xin ăn, bất kể già trẻ, nam nữ và những người quyền cao, chức trọng… Khi trở về, những gì xin được phải mang ra đền làm lễ tế. Hay chuyện đền thờ một chiếc gậy và cái bị, những vật không thể thiếu của nghề cái bang…

“Người Quảng Thái làm gì có thờ ông tổ ăn mày hay chuyện 3 ngày Tết đóng cửa đi xin ăn! Quảng Thái chỉ có đề thờ thành hoàng làng là người có công với dân, với nước và được sử sách ghi chép”, ông Tính bức xúc.

Theo sử sách, làng Đồn Điền xưa kia là vùng đất hoang vu, chỉ có cát và cây dại. Dưới thời Lê Thánh Tông, chánh sứ Tô Chính Đạo và Uông Ngọc Châu được nhà vua cử về trấn giữ vùng đất này, thành lập sở đồn điền với mục đích vừa phát triển quân vừa sản xuất lương thực.

Trong một lần sắp tới Tết Nguyễn đán, 2 ông được vua ra lệnh dẫn quân đi đánh giặc Chiêm Thành. Sau khi chiến thắng trở về, lúc này đã qua Tết cổ truyền khá lâu, để mừng thắng trận, 2 ông đã mở hội khao quân và cho người dân ăn Tết lại vào ngày 1-2 âm lịch.

“Từ đó, tập tục ăn Tết lại của người dân Quảng Thái được duy trì cho đến nay, chứ không phải ăn Tết muộn do phải đi xin ăn”, ông Tính quả quyết.

Để tưởng nhớ công ơn, người dân làng Đồn Điền đã dựng ngôi đền nhỏ gần bờ biển để thờ 2 vị tướng. Hiện nay, ngôi đền đã được trùng tu khá khang trang. Cụ Trịnh Văn Đề (80 tuổi), người trông coi đền, cho biết đền thờ 2 vị tướng có công với dân với nước, thế mà thiên hạ cứ truyền miệng thờ ông tổ ăn mày.

“Chúng tôi buồn lắm. Trước đây, dân Quảng Thái có đi ăn mày do cuộc sống quá khó khăn nhưng hiện nay, con cháu trong làng làm ăn xa khấm khá, gửi tiền về cho gia đình xây dựng nhà cửa thì cũng bị đồn thổi là nhờ xin ăn”, cụ Đề băn khoăn.

Đi ăn xin bằng xe Air Blade

Hàng ngày, người phụ nữ chở người đàn ông bằng xe Air Blade đến các quán cà phê, tiệm ăn sáng xin tiền.

http://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/thuc-hu-lang-an-may-2015011123064095.htm

Theo Tấn Minh/Người lao động

Bạn có thể quan tâm