Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thực hư chuyện chất cấm trong thực phẩm

Đứng trước hàng loạt thông tin liên quan thực phẩm chứa độc tố, bị thu hồi hay tiêu hủy, người dân cần có cho mình góc nhìn khách quan để tránh lo lắng thái quá.

Thời gian gần đây, trong cộng đồng liên tục dấy lên sự lo ngại sau hàng loạt sự cố liên quan các thương hiệu mỳ ăn liền nổi tiếng của Việt Nam bị thu hồi tại một số quốc gia do chứa ethylene oxide hay khoai tây chiên chứa magnesium sulfate - chất bị cấm tại nhiều nước châu Âu.

Tuy nhiên, từ góc độ người tiêu dùng, các chuyên gia cho rằng người dân cần có cái nhìn chính xác, khoa học hơn, tránh tâm lý lo lắng không cần thiết, ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống.

Từ mỳ ăn liền

Trao đổi với Zing, tiến sĩ Bùi Lê Minh, Trưởng ngành Công nghệ Sinh học, Viện Kỹ thuật Công nghệ cao NTT, Đại học Nguyễn Tất Thành, cho hay ethylene oxide (EO) là một chất có thể gây ung thư.

“Tuy nhiên, hàm lượng tồn dư của EO trong các mẫu thực phẩm (không phải chỉ từ Việt Nam, một số quốc gia khác cũng gặp phải khi xuất khẩu qua châu Âu) thường ở mức rất thấp để có thể gây ra ung thư khi không tiêu thụ quá thường xuyên”, vị chuyên gia khẳng định.

Mặt khác, các bằng chứng cho thấy EO có khả năng gây ung thư nhưng chủ yếu qua đường hô hấp thay vì đường tiêu hóa.

doc to trong thuc pham anh 1

Ethylene oxide được phát hiện trong mỳ ăn liền của Việt Nam dẫn đến thu hồi sản phẩm. Ảnh minh họa: sq_lim.

Dẫu vậy, tháng 8 vừa qua, các nước châu Âu đã thắt chặt hơn quy định về EO. Cụ thể, các quốc gia này cấm tất cả phụ gia thực phẩm không được sử dụng EO để khử trùng. Với một số phụ gia buộc phải xử lý bằng EO, mức tồn dư EO (bất kể nguồn gốc) không được vượt quá 0,1 mg/kg.

Về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội, cho hay ethylene oxide là chất thường được sử dụng trong quá trình sơ chế và bảo quản các loại rau củ kèm theo mỳ ăn liền.

“Bản thân ethylene oxide là một chất độc. Nếu hàm lượng quá cao, ngoài ung thư, chất này có thể tác động đến hệ thần kinh, khiến nạn nhân bị xung thần kinh và xuất hiện các tình trạng như cáu gắt, với trẻ con là hiếu động quá mức”, vị chuyên gia nói.

Tuy nhiên, PGS Thịnh khẳng định trên thực tế, hàm lượng của chất này trong các loại mỳ ăn liền là rất thấp, từ đó không đáng lo ngại.

“Cuộc sống xung quanh chúng ta có rất nhiều loại chất độc. Ví dụ, thuốc trừ sâu cũng được sử dụng trong nông nghiệp. Tuy nhiên, chúng ta cần định nghĩa rõ thế nào là thực phẩm an toàn”, vị chuyên gia nói.

Ông cho hay thực phẩm an toàn được định nghĩa là các loại thực phẩm có thể chứa các chất độc hại nhưng ở dưới mức cho phép.

PGS Thịnh nêu ví dụ các loại rau củ quả có chứa thuốc trừ sâu, kim loại nặng… trong quá trình phát triển. Các chất này với hàm lượng lớn sẽ gây hại cho cơ thể. Tuy nhiên, hàm lượng của chúng thấp dưới mức cho phép của Bộ Y tế sẽ được coi là an toàn.

Điều tương tự cũng xảy ra với ethylene oxide trong mỳ ăn liền. Vừa qua, các cơ quan chức năng cũng đã kiểm tra hàm lượng chất này trong các sản phẩm bị thu hồi. Tuy nhiên, thực tế là chúng phù hợp với quy định của Bộ Y tế, không ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng.

Đến khoai tây chiên

Với magnesium sulfate (MgSO₄), TS Bùi Lê Minh cho hay trái ngược với thông tin cho rằng chất này bị cấm ở EU và Mỹ, thực tế, MgSO4 vẫn được cho phép sử dụng như một chất phụ gia trong thực phẩm ở những khu vực này.

“Tất cả dữ liệu nghiên cứu cho tới nay không hề phát hiện ra ảnh hưởng sức khỏe nguy hại nào của chất này, ngoại trừ hiện tượng tiêu chảy qua cơ chế nhuận tràng thẩm thấu (osmotic laxative) khi tiêu thụ lượng lớn (400-2.000 mg/ngày) hoặc hiện tượng hạ huyết áp và yếu cơ ở mức tiêu thụ 2.500 mg/ngày”, vị chuyên gia thông tin.

Tuy nhiên, các triệu chứng này chỉ ảnh hưởng sức khỏe ở mức độ nhẹ và trung bình. Ngoài ra, chất này khi tiếp xúc với da, mắt hoặc khi hít phải có thể gây ngứa ngáy. Dẫu vậy, đây cũng là phản ứng thường thấy khi chúng ta tiếp xúc với nhiều loại hóa chất khác.

doc to trong thuc pham anh 2

Magnesium sunfate được sử dụng trong khoai tây chiên không phải chất độc. Ảnh minh họa: louis_hansel.

Đáng nói hơn, đến nay chưa hề có bằng chứng nào cho thấy MgSO4 có thể gây ung thư, ngay cả khi sử dụng liên tục với hàm lượng cao. Đây là thực tế trái với một số thông tin cho rằng đây là chất gây ung thư.

TS Minh cho hay hiện nay chất này được phép sử dụng trong thực phẩm tại thị trường Mỹ ở mức tối đa 4.000 ppm (tương đương xấp xỉ 4 g/L). Trong khi đó, các quốc gia thuộc EU đưa ra mức tiêu thụ khuyến cáo là 350 mg/ngày ( với người lớn) hoặc mức 85 mg/ngày (với trẻ em) qua đường thực phẩm.

Tuy nhiên, mức khuyến cáo này được xác định dựa trên ngưỡng có thể gây tiêu chảy và nồng độ hòa tan dễ dàng của MgSO4.

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cũng khẳng định magnesium sulfate không phải một loại chất độc. Đây là một dạng kim loại kiềm thổ và ở dạng muối khi sử dụng trong công nghệ thực phẩm.

Với hàm lượng quá cao, magnesium sulfate có thể gây ra hiện tượng tích tụ magie trong cơ thể và gây ra hiện tượng sỏi thận. Tuy nhiên, thực tế là chất này được sử dụng với hàm lượng rất thấp.

“Với các sản phẩm khoai tây, trước khi chiên rán, đơn vị chế biến thường sẽ phải cho chúng vào nước muối để tránh bị thâm đen. Sau đó, để tránh bị mềm và không ngon, khoai tây sẽ được bọc qua một lớp magnesium sulfate để tạo màng cứng bên ngoài. Việc làm này sẽ giúp khoai chiên được giòn hơn. Đây là quy trình rất bình thường”, PGS Thịnh lý giải.

Vị chuyên gia nhấn mạnh trong công nghệ chế biến thực phẩm có tới 400 chất phụ gia khác nhau vẫn được sử dụng trong các món ăn chúng ta tiêu thụ hàng ngày. Do đó, chúng ta cần hiểu không phải chất phụ gia nào cũng xấu và gây độc hại.

Hóa chất có trong lô mì Omachi vừa bị tiêu hủy

Việc tiêu thụ các sản phẩm nhiễm Ethylene oxide không gây nguy hiểm cấp tính cho sức khỏe nhưng có thể gây ung thư nếu thường xuyên sử dụng trong thời gian dài.

Quốc Toàn

Bạn có thể quan tâm