Dinh Norodom, tiền thân của dinh Độc lập được xây xong từ năm 1875. Trong dinh có dùng một tấm thảm của xưởng Hàng Kênh ở Hải Phòng. Đến khi xây lại dinh Độc lập xong năm 1966, những người phụ trách thiết kế dinh đặt hãng dệt thảm Đông Hưng của ông Đặng Hữu Bình thực hiện tấm thảm lớn ở phòng khánh tiết.
Đây là một thử thách vì yêu cầu là phải sản xuất tấm thảm nguyên miếng không chắp nối, dài tới 27 m, ngang 11 m, tổng cộng khoảng 300 m vuông, rất lớn.
Các thợ dệt đang tỉa tót những hình chìm và tỉa nổi những bông hoa trên tấm thảm khổng lồ đặt tại phòng khánh tiết dinh Độc lập tại xưởng dệt thảm Đông Hưng. Ảnh trong sách Sài Gòn ngoảnh lại trăm năm. |
Thực hiện được tấm này, ông Bình xem như nối tiếp truyền thống của nghề dệt Hàng Kênh quê hương ông, là làm thảm cho dinh thự quan trọng nhất của miền Nam.
Để làm thảm lớn phải có khung dệt lớn, chính tay ông Bình phải thiết kế ra một khung dệt khổng lồ làm hoàn toàn bằng gỗ, với trục thân là một cây gỗ súc đường kính rộng 50 phân.
Một tài liệu cho biết mẫu vẽ của chính ông và trường Mỹ thuật Gia Định thực hiện. Để dệt tấm thảm, ông Bình đã cho xây dựng một xưởng riêng, có tới 60 nghệ nhân và thợ trực tiếp ngồi dệt.
Tấm thảm được đặt tại phòng Khánh tiết dinh Độc lập xây năm 1966. Ảnh: Báo TGTD tập XVI số 1. |
Tấm thảm theo đúng kích thước trên, dày 1,8 phân. Thảm có tông chính là màu đỏ, bông cúc trắng rải rác nổi bật trên nền đỏ và viền có những hoa văn màu xanh. Thiết kế nhìn chung sang trọng và hiện đại, trang nhã, không rườm rà.
Tấm thảm khổng lồ này nặng và rất cồng kềnh. Lúc đưa tấm thảm vào phòng phải dùng đến cần cẩu và nhiều người phụ giúp.
Tấm thảm được dùng thường xuyên trong chín năm ở phòng Khánh tiết, căn phòng lớn nhất dinh với diện tích 448 m vuông, nơi dùng để tổ chức những cuộc họp lớn, chiêu đãi khách với các nghi lễ long trọng từ năm 1966 cho đến năm 1975.
Sửa tấm thảm trong hội trường Thống nhất. Ảnh: Hans Peter Grumpe. |
Cho đến năm 1991, tấm thảm lớn này được sửa chữa lại và rất may, nhà nhiếp ảnh người Đức Hans Peter Grumpe đến có chụp được cảnh sửa chữa tấm thảm này.
Hãng dệt thảm Đông Hưng có lẽ đã kết thúc ở thời điểm 1975. Những hình ảnh đăng theo đây, trích từ báo Thế Giới Tự Do tập IX, số 9 và tập X số 5 (không ghi thời gian xuất bản, khoảng nửa sau thập niên 1960) là những di ảnh sót lại của một thời Sài Gòn đã phát triển được ngành dệt thảm len cao cấp đáng tự hào.