Thực đơn được trình bày đẹp mắt sẽ khiến khách hàng hào hứng hơn trong việc gọi món. Ảnh: I.C.D. |
Tại quán của tôi, các món ăn đặc biệt trong ngày đều được viết tay vào tập thực đơn. Tuy nhiên, để thiết kế ra một thực đơn chi tiết, thú vị, thu hút ánh nhìn của khách hàng, bắt buộc phải luôn trong tâm thế mong muốn bán hàng. Nếu không thể thiết kế nên một thực đơn chi tiết như đang kể chuyện cho khách hàng, món hàng sẽ không đắt khách được. Ở đây không liên quan tới việc chữ viết xấu hay đẹp.
Tôi xin lấy một ví dụ. Món đặc biệt hôm nay là món cà chua. Viết tên món “cà chua” ở vị trí nào hay như thế nào đều có tác dụng quảng cáo khác nhau, như viết bên phải, bên trái hay dưới của tập thực đơn, viết nét to hay nét nhỏ. Viết lại thực đơn hàng ngày là để hàng bán chạy hơn. Nếu chỉ đơn giản viết tên các món đặc biệt ngày hôm nay sẽ không mang lại ý nghĩa gì.
Dù sao cũng không cần phải dồn toàn lực vào tất cả các món hàng mình bán. Hãy nghĩ một cách nghiêm túc về ba món hàng xem bạn định bán như thế nào, làm sao để tăng tổng số lượng bán hàng và làm thế nào để khách thấy món hàng trông thật hấp dẫn. Kết quả là một thực đơn gồm ba món hàng ấy bán chạy.
Quán ăn của một nhân viên cũ phục vụ món cá thu Matsuwa bắt được ở bán đảo Miura. Đó là loại cá thu cao cấp sánh ngang với cá thu Seki được đánh bắt ở kênh Bungo. Cậu này vốn ít nói, nên không biết cách quảng cáo khéo léo cho khách về vị ngon của cá thu Matsuwa và sự khác biệt giữa cá thu này với loại cá khác. Trong trường hợp này, tôi nghĩ bạn nên “kể về những điều đặc biệt” của món ăn ngay trên tập thực đơn bày trên bàn.
Bạn có thể viết quảng cáo như: “Tạm biệt cá thu Seki! Từ nay là cá thu Matsuwa”. Chắc chắn nhiều vị khách không biết “Matsuwa là gì?”, từ đó bạn có thể giải đáp những thắc mắc cho khách hàng ngay trên thực đơn. Chuyện hiển nhiên, nhưng không phải ai cũng hiểu.
Chữ xấu, bạn vẫn có thể làm nên một thực đơn chi tiết có sức hút riêng nhấn nhá lưu lại ở ánh mắt của khách hàng. Ví dụ bạn sẽ viết tên các món ăn, đồ uống chi tiết vào khoảng bảy phần của tờ giấy, và ba phần còn lại bạn sẽ để giấy không. Thật kỳ lạ rằng chỉ cần như vậy thôi, các con chữ bạn viết đã thấy sinh động một cách tự nhiên.
Nếu còn thời gian, bạn có thể tự làm con dấu, rồi đóng vào thực đơn, tự nhiên nó sẽ trở thành một thực đơn độc đáo. Có những nghệ sĩ lo lắng chữ ký mình xấu, cho nên lúc kí tên, họ chỉ cần có các con dấu và hình vẽ đơn giản là chữ ký của họ cũng trở nên hấp dẫn hơn rồi. Cái này cũng giống vậy thôi. Cả việc đặt tên cho thực đơn nữa. Chỉ là một việc đơn giản, nhưng nó sẽ ảnh hưởng tới lượng tiêu thụ của món hàng.
Trong số những nhân viên cũ rời quán ra ngoài làm riêng cũng có nhân viên không giỏi viết thực đơn để quảng cáo cho khách. Quán cậu ấy phục vụ rượu vang, trên thực đơn lại ghi thế này: “Rượu vang rẻ, ngon”. Nếu để thực đơn như thế, khách nhìn thấy sẽ không muốn gọi rượu vang nữa.
Cùng là một ly rượu vang, nhưng nếu ngay từ đầu nhân viên quán giới thiệu là: “Rượu vang ngon đây”, chưa chắc khách hàng đã muốn gọi. Thay vào đó, bạn nên có cách quảng bá kiểu: “Rượu này miễn chê, giá lại phải chăng nữa”. Bạn cần tìm hiểu kĩ tâm lý khách hàng thế nào và thể hiện trong cách đặt tên món ăn. Và có một thứ tuyệt đối cần thiết trong kinh doanh, đó chính là khả năng “tưởng tượng cảm xúc” của khách hàng.