Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thúc đẩy nhập khẩu gia cầm Trung Quốc: Dễ rước họa vào nhà

Những năm qua, Việt Nam đã phải tốn rất nhiều công sức mới có thể tạm thời ngăn chặn tình trạng gia cầm nhập lậu từ Trung Quốc.

Những năm qua, Việt Nam đã phải tốn rất nhiều công sức mới có thể tạm thời ngăn chặn tình trạng gia cầm nhập lậu từ Trung Quốc. Tuy nhiên mới đây, Cục Thú y, Bộ NN&PTNT đã có một động thái có vẻ như là thúc đẩy thương mại hóa sản phẩm gia cầm và gia cầm nhập khẩu.

Thuc day nhap khau gia cam Trung Quoc anh 1

Việt Nam đã rất vất vả chống lại gia cầm lậu từ Trung Quốc tràn vào.

Chuyện cũ nhắc lại

Trong khi Việt Nam đã khống chế thành công dịch cúm gia cầm thì Trung Quốc vẫn tiếp tục ghi nhận những ca nhiễm mới. Gần đây nhất,thêm một ca nhiễm virus cúm gia cầm H7N9 đã được ghi nhận tại tỉnh Sơn Đông. Từ tháng 9/2015 đến tháng 2/2016, đã có 44 ca nhiễm ở Trung Quốc, trong đó có 10 ca tử vong. Bộ NN&PTNT Việt Nam đã phải có công điện yêu cầu các tỉnh biên giới phía Bắc kiểm soát chặt việc buôn bán, vận chuyển gia cầm, kể cả gia cầm được biếu, tặng, tránh tình trạng lây lan dịch cúm từ Trung Quốc về nước. 

Trước đó, hàng năm, gia cầm nhập lậu, gia cầm thải loại không qua kiểm dịch vẫn ùn ùn nhập về nước với giá rất rẻ. Cả chục năm, người tiêu dùng trong nước đã bị nhập nhèm trong việc tiêu thụ gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo ATTP. Còn người chăn nuôi trong nước thì khốn đốn vì gia cầm Trung Quốc thải loại giá rẻ tràn ngập thị trường.

Từ năm 2014, khi Chính phủ huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, đặc biệt là quy trách nhiệm cho các địa phương vùng biên giới về việc để tình trạng nhập khẩu gia cầm Trung Quốc tràn lan thì buôn lậu gia cầm mới tạm lắng.

Tuy nhiên, vào ngày 26 và 27/1/2016 vừa qua, Hội nghị song phương Việt Nam -Trung Quốc về hợp tác thú y,tăng cường giám sát và kiểm soát dịch bệnh động vật qua biên giới đã diễn ra tại Hà Nội. Đây là hoạt động hợp tác giữa Cục Thú y Việt Nam và Cục Thú y Trung Quốc. Theo thông tin chính thức được đăng tải trên website của Cục Thú y, đây là cuộc họp song phương chính thức lần thứ tư giữa cơ quan thú y Việt Nam và Trung Quốc.

Trong đó, mục đích chính của cuộc họp là để tăng cường mối quan hệ giữa các cơ quan thú y trong việc chia sẻ kinh nghiệm về kiểm soát dịch bệnh truyền lây qua biên giới. Đồng thời cung cấp diễn đàn cho các cuộc thảo luận song phương về các vấn đề liên quan đến dịch bệnh động vật, thương mại động vật, sản phẩm động vật an toàn hơn qua biên giới.

“Hội thảo đã chia sẻ các kinh nghiệm, thành tựu trong việc khống chế, thanh toán bệnh cúm gia cầm động lực cao, bao gồm các hoạt động giám sát và nghiên cứu chuỗi giá trị; xúc tiến về việc thương mại bước đầu một số loại động vật, sản phẩm động vật an toàn, ưu tiên, của hai nước dựa trên tình hình thực tế, đặc biệt là xuất khẩu thịt gà và gà con 1 ngày tuổi từ Trung Quốc vào Việt Nam cũng như xuất lợn thịt và bò từ Việt Nam sang Trung Quốc”, thông tin trên website Cục Thú y cho hay.

Nguy cơ tiềm ẩn

Động thái này của Cục Thú y đang được dư luận hiểu rằng, Cục Thú y đang “lobby” để gia cầm và các sản phẩm gia cầm từ Trung Quốc sẽ thông thoáng hơn khi vào Việt Nam. Tuy nhiên, khi phóng viên liên hệ với Cục trưởng Cục Thú y Phạm Văn Đông để làm rõ thì ông Đông báo bận họp. Phó Cục trưởng Cục Thú y Dương Tiến Thể thì cho biết, đây là lĩnh vực phụ trách của ông Đàm Xuân Thành, Phó Cục trưởng. Song, ông Đàm Xuân Thành cho biết cũng đang bận họp nên chưa thể trả lời.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Đức Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho hay, Việt Nam không cấm nhập khẩu gia cầm, các sản phẩm gia cầm từ bất kỳ quốc gia nào, trừ khi quốc gia đó đang có dịch. Tuy nhiên, trong quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc bấy lâu nay, toàn bộ gia cầm, sản phẩm gia cầm và gia cầm giống là nhập khẩu tiểu ngạch qua đường biên.

“Việc nhập khẩu tiểu ngạch tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ về dịch bệnh, không kiểm soát được ATTP và đặc biệt, không kiểm soát được số lượng gà thương mại tràn vào nội địa để định hướng sản xuất, chăn nuôi cho bà con”, lãnh đạo Cục Chăn nuôi nhìn nhận. 

Trước việc Cục Thú y Việt Nam và Cục Thú y Trung Quốc đang có những động thái thúc đẩy nhập khẩu gia cầm, sản phẩm gia cầm và gia cầm giống vào Việt Nam theo đường chính ngạch, ông Nguyễn Đức Trọng cho rằng, nhập khẩu chính ngạch thủ tục khá phức tạp, chi phí cao nên thương lái không muốn nhập khẩu bằng đường này. Trong khi đó, đường biên giữa Việt Nam và Trung Quốc rất dài, khó kiểm soát, nên việc thúc đẩy nhập khẩu chính ngạch nếu không kiểm soát tốt rất dễ biến tướng thành hợp pháp hóa sản phẩm tiểu ngạch. 

Bằng chứng là thời gian qua, những lô sản phẩm gia cầm như chân, cánh, mề… đã có nghi vấn là hàng tạm nhập tái xuất đi Trung Quốc, nhưng lại quay vòng về Việt Nam tiêu thụ. Và như vậy, thị trường Việt Nam lại thành nơi tiêu thụ phế phẩm động vật mà các thương lái Trung Quốc nhập từ khắp thế giới rồi tuồn sang Việt Nam. Thế nên mới nói, việc thúc đẩy nhập khẩu gia cầm Trung Quốc, nếu không kiểm soát chặt chẽ thì chẳng khác nào rước họa vào nhà.

 

http://anninhthudo.vn/xa-hoi/thuc-day-nhap-khau-gia-cam-trung-quoc-de-ruoc-hoa-vao-nha/665369.antd

Theo Tuyết Nhung/An ninh Thủ đô

Bạn có thể quan tâm