Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thức ăn vặt buổi sáng làm thức giấc dạ dày

Kèm theo tiếng rao của những người bán hàng rong, là những món ăn sáng nào xôi, bánh cuốn... quen thuộc làm thức dậy các giác quan cùng dạ dày đói meo buổi sáng của người Hà Nội.

Trời sáng hẳn, vô số bà bán hàng đang tới để mọi người mua bữa sáng; trước tiên là một bà già, gương mặt nhăn nhúm, miếng vải bẩn buộc trên cái đầu trọc lóc cắp cái thúng bên hông, chân thọt bước cà nhắc đi tới và rao to “Ai xôi ơi” (“Qui veut acheter du xôi, riz gluant”: Xôi vò là một loại cơm nếp, trộn với đỗ nghiền có màu vàng), một khúc ca có những nốt không rõ, không thể tìm thấy trong một cung bậc nào vì giọng ấy cũng suy yếu như bóng dáng con người.

Một chú bé con ra đứng trên bậc cửa, tay cầm cái bát ra hiệu gọi bà già “xôi!...”. Rồi bà già đặt thúng xôi xuống giữa vỉa hè, ngồi xổm xuống, vén tấm vải và vỉ buồm giữ cho tảng xôi màu vàng của bà ta được nóng ấm, dùng cái đĩa mẻ xúc lấy một phần xôi giá 4 hoặc 5 xu.

Nhung mon qua vat buoi sang tai Ha Noi anh 1

Món bánh cuốn quen thuộc của Hà Nội. Ảnh: Cookpad.

“Ai bánh cuốn ra mua” (“Qui veut acheter du banh cuôn”: Loại bánh tráng bằng gạo, tẩm mỡ có chứa mẩu hành xanh và đôi khi có cả thịt), với giọng rao dựa trên hai nốt đàn rung rung, một “cây sào” to lớn tay đung đưa, đội trên đầu một cái thúng; thò ra ngoài nắp đậy của cái thúng là một cái cổ chai và một bó đũa.

Vì những người láng giềng của tôi hay mua món bánh này, bà ta rao thật to khi đi qua trước nhà họ. Một cô con gái khăn quấn tóc buông lơi hé cánh cửa và bà bán hàng, ngồi ở bậc cửa, trong giây lát đã bày ra trên cái mẹt một đĩa bánh cuốn, một chén nước mắm với ớt và chanh, một đôi đũa.

Con sen bê đi và mấy phút sau mang lại đĩa chén trống không và lộn xộn bên trên một cái mẹt; bà bán hàng dùng một miếng giẻ màu xám lau chùi vật dụng, bỏ lại vào thúng nâng lên đỉnh đầu quấn khăn và cái thân hình gầy gò, thẳng đứng lại bước tiếp: “Ai bánh cuốn ra mua…”.

Bà bán hàng bún thang (dạng súp với sợi; mắm tôm là loại mắm làm từ tôm tép, có mùi rất nồng), bước đi loạng choạng dưới cái gánh, quẩy một bên là nồi nước dùng bốc hơi đặt trên một lò lửa nhỏ và bên kia là những món bày biện chu đáo: bún trắng, thịt gà xắt miếng, trứng rán thái chỉ, giò cắt sẵn, tôm và rau diếp thái cùng những gia vị không thể thiếu như mắm tôm, bị người châu Âu ghê sợ; cái thúng được bày biện ở bên trên như một cái ngăn để người ta có thể từ bên hông kéo ra những cái bát và các đồ phụ kiện.

Hai người phu mang một bó củi ngồi xuống bờ dốc để thổi lửa và ra hiệu cho bà ta; bà đến nơi đặt gánh nặng xuống, lấy một cái ghế dài nhỏ và thiết lập nhà hàng lưu động của mình; các khách hàng chăm chú hau háu nhìn bà chuẩn bị những phần ăn để tưới lên nước dùng đựng trong nồi bằng một cái gáo dừa; chốc chốc vẫn không dừng tay làm việc, bà lại rao to bằng giọng mũi: “Ai bún thang ơi…” để gọi những ai muốn ăn.

Những bà bán xôi lần lượt tới, đu đưa cặp đôi thúng xôi lạc trắng, xôi đậu đen hoặc xôi lúa, mỗi người rao lên thứ mà họ bán; khi trời lạnh người ta bán món súp gạo (cháo), những bánh kếp to nướng (bánh đa) kèm thêm những lớp hạt kê xay và đỗ xanh tẩm đường; tuy nhiên cũng không có nhiều lúc ta nghe thấy tiếng rao: “Ai xôi, cháo, bánh đa kê ra mua…”

Cũng hơi hiếm có người bán phở gà, nhưng ông ta gây khá nhiều náo động; giao cho chú bé con phụ việc trông nom cái bếp lưu động, ông đi qua con phố và cất tiếng rống lên “phở gà… phở gà… phở gà… ê…” bằng một giọng như kèn đồng và quả quyết hoàn toàn át đi giọng của ông bán phở bò.

Người bán bánh bột rán bọc tôm (bánh tôm) cũng tựa tựa như ông kia, chỉ khác mỗi một điểm là ông ta im lặng; nhưng ông lại có vẻ hơn người ở cái mũ phớt đội lệch (hiệu Fléchet hoặc Borsalimo) với cùng một vẻ thoải mái; ông ta làm những động thái của diễn viên kịch khi nặn miếng bột, làm cho miếng rán sủi bọt rồi dùng cái kéo to tướng cắt bánh rán thành miếng.

Nhung mon qua vat buoi sang tai Ha Noi anh 2

Món bánh đa kê giòn tan, béo ngậy. Ảnh: Cookpad.

Khách hàng dõi mắt theo sự chuẩn bị thêm thắt nét hoa mỹ của ông có vẻ cảm thấy đôi chút hài lòng; chẳng mấy lúc món ăn ngon đã sẵn sàng; khách cầm lấy đôi đũa và chấm vào nước chấm (nước mắm pha chanh) những miếng bánh bột rán, nhai rau ráu cùng rau diếp lẫn với các thứ rau thơm.

Vào mùa đông, ta cũng thấy người bán bánh chưng rán, những cái bánh chưng nhỏ hình tam giác mà ông ta nhấn bẹt trên miếng tôn loáng mỡ chảy ra từ một miếng mỡ, bên dưới là bếp lửa đốt củi. Khi bánh đã vàng ươm, bên ngoài giòn tan, bên trong thấm dầu, ông ta mời những tay háu ăn đã nhanh chóng tụ tập lại.

Nhưng đó chỉ là một món ngon gặp dịp thôi, còn thông thường là hàng ngày, người bán cơm nếp nào đó quẩy gánh đung đưa cái chõ gỗ giữ nóng cách thủy cùng chiếc tủ nhỏ, vừa đi vừa cất tiếng rao ngắn ngủi “Ai nếp ơi…”, theo độ ngân quãng ba hoặc quãng tư tùy theo mỗi người; ông già mà ta thấy nhiều nhất đúng là người đầu bếp tỉ mỉ nhất.

Cần phải thấy cái cách chu đáo khi ông dùng những cái muỗng tre xúc cơm nếp bốc hơi ngon lành vào đĩa rồi cắt những miếng xúc xích hồng (lạp xưởng) thành lát mỏng đến độ trong suốt; ông tỉ mẩn trang trí cho phần cơm rồi lại để vào nồi hấp nóng chốc lát; cuối cùng ông chìa cái đĩa cho khách dùng cùng đôi đũa ngắn màu đỏ và mùi ngon thơm của xôi kèm xúc xích bốc lên tận cửa sổ nhà tôi.

Trong suốt thời gian ấy, những con sen đi đi lại lại với một cái bát có đĩa đậy, đôi khi là cái mâm đựng mấy chiếc bát, để mua một bát của ông bán hàng phở; họ tán gẫu rất to quanh cái bếp hàng rong. Ở cuối phố ta nghe thấy ông bán hàng bánh khúc đang tới, với tiếng rao vang lên rồi hạ xuống mau lẹ do ông ta bước đi gấp gáp, cái thúng bên hông.

Hilda Arnhold / NXB Kim Đồng

SÁCH HAY