Những đội quân hùng mạnh thời Trung Cổ được đầu tư khá nhiều về vũ khí. Ảnh: G.K. |
[...]
Đá, đồng thau và ngựa là các phương tiện chính mà qua đó, chiến tranh được tiến hành trong thời kỳ các nhà nước đang được thiết lập cũng như đang bị các dân tộc chiến binh sống ngoài khu vực định cư của họ tấn công.
Chúng đều là các nguồn tài nguyên có giới hạn của tự nhiên, tuy theo nhiều cách khác nhau: đá rất khó chế tác, đồng thau là một sản phẩm của các kim loại hiếm, ngựa với số lượng đủ để cung cấp cho một quân đội chiến đấu thì chỉ có thể được chăn thả trên một số ít khu vực thảo nguyên trên thế giới.
Giá như đá, đồng và ngựa mãi vẫn cứ là phương tiện sử dụng cho chiến tranh thì phạm vi và cường độ của chiến tranh có lẽ đã không bao giờ vượt khỏi mức độ như trong thiên niên kỷ thứ nhất TCN, xã hội con người, ngoại trừ các xã hội trong điều kiện thuận lợi và bó hẹp chỉ phổ biến ở thung lũng các con sông lớn, có lẽ đã không bao giờ tiến hóa xa hơn sinh hoạt thôn dã và nền chăn nuôi sơ khai.
Con người cần một số loại tài nguyên khác để tận dụng hòng chinh phục mặt đất trong các vùng rừng rậm ôn đới và cũng để tranh đoạt đất đai của số ít dân tộc định cư giàu có và hùng mạnh, những kẻ nắm độc quyền công nghệ chiến tranh đắt đỏ trong thời đại Đồ đồng.
Sắt đáp ứng nhu cầu này. [...]
Con người giờ không chỉ có vũ khí sắt sắc bén mà còn có cả công cụ bằng sắt, trước đó con người đã phải dùng công cụ bằng đá và gỗ để phát quang rừng và vỡ đất.
Cuốn sách Lịch sử chiến tranh mang đến cho bạn đọc nhiều thông tin thú vị về các trận chiến trong tiến trình phát triển của xã hội. Ảnh: Quỳnh Anh. |
Công cụ bằng sắt không chỉ giúp mà còn khuyến khích con người khai khẩn những vùng đất trước đó gây cho con người lắm khó khăn và bằng cách đó con người chiếm lĩnh các vùng đất cách xa nơi họ định cư, khai thác tập trung hơn nữa những vùng đất đã được sử dụng, hoặc chiếm làm thuộc địa những nơi các dân tộc đi xe ngựa đã chinh phục trước họ.
Sắt là một vật liệu như thế, điều ấy không cần phải chứng minh nhiều. Đồng thau là một hợp kim giữa đồng đỏ thường và thiếc hiếm. Sự hiếm có của thiếc và nguồn thiếc chỉ có ở một số nơi khiến cho nó thành một thứ vật liệu dễ bị áp giá cao trên thị trường, chi phí vận chuyển cao và thuế cũng nặng ở khâu phân phối. Kết quả là các chiến binh sẵn sàng chiếm độc quyền đồng thau và điều này thường khiến họ cũng trở thành người cai trị. Sắt không hiếm; quặng sắt chiếm khoảng 4,2% khối lượng Trái đất và được phân bố rộng rãi.[1]
Nhưng ở dạng sắt ròng mà người sơ khai có thể nhận ra và sử dụng thì nó còn hiếm hơn cả thiếc, chỉ xuất hiện như sắt thiên thạch hay một dạng nhất định rất biệt lập được gọi là trầm tích trong đất.
Dù vậy, người sơ khai đã biết và gia công sắt thiên thạch; do những sự ngẫu nhiên nào chúng ta không đoán được; phát hiện rằng sắt có thể được trích xuất ra bằng cách nung nóng quặng thì con người văn minh đã biết mình có thể làm gì với nó. Người ta đã cho rằng sắt đã được những người thợ rèn vùng Lưỡng Hà nung chảy lần đầu tiên vào khoảng năm 2300 TCN, để tìm chất nhuộm, chẳng hạn chất thổ hoàng, từ quặng liên kết.[2]
Thợ rèn là những người hay giấu nghề, thực hành một kỹ thuật kỳ bí và thường làm việc dưới sự bảo hộ trực tiếp của các chiến binh, những người được họ cung cấp sản phẩm quý của họ. Sắt được nung chảy đầu tiên chắc chắn là được giữ độc quyền và không được sử dụng rộng rãi cho đến khoảng năm 1400 TCN.
Vào thời đó, việc sản xuất sắt dường như tập trung tại Anatolia, nơi có nhiều quặng tốt tại nhiều vị trí trên mặt đất. Do tiếp cận được với nguồn sắt đã gia công nên người Hittite địa phương tung ra những chiến dịch gây hấn chống lại các vương quốc trong các vùng thung lũng.
Người ta đặt giả thuyết rằng, khoảng năm 1200 TCN, người Hittite đã không còn là chủ sở hữu duy nhất của kỹ nghệ đồ sắt đang lên khi vương quốc của họ bị hủy diệt. Những người thợ sắt của Anatolia, rải rác mang tài năng của mình đến nơi khác để tìm khách hàng và người bảo vệ.
Cũng có thể là vào lúc này, bản thân việc gia công sắt đã đạt đến điểm phát triển cao về kỹ thuật sau khi trải qua vài giai đoạn. Giai đoạn đầu tiên là hoàn chỉnh một cái lò nấu chảy quặng để xuất ra những thỏi kim loại theo kích thước thích hợp với chi phí nhiên liệu phải chăng (nhiên liệu ưa thích lúc bấy giờ vẫn là than củi cho đến giai đoạn đầu của thời hiện đại, khi người Trung Hoa, sau đó là người châu Âu, phát hiện cách biến than đá thành than cốc).
Quặng sắt được nung chảy ở nhiệt độ cao hơn nhiều so với đồng đỏ và thiếc, đòi hỏi luồng gió thổi mạnh; những lò nấu quặng đầu tiên được xây dựng trên những đỉnh đồi lộng gió cho đến khi ống bễ được đưa vào sử dụng.
Họ lấy được chừng tám phần trăm sắt trong một khối lượng quặng nhất định, trong một khối lỗ rỗ gọi là “phôi”; phôi này có thể được chế tạo thành những thỏi đủ chất lượng để gia công thành dụng cụ hay vũ khí chỉ bằng cách liên tục nung và đập bằng búa; ngay cả thế, sản phẩm từ sắt vẫn mềm và mau cùn, trừ phi quặng sắt tình cờ có chứa lượng lớn niken.
Kỹ thuật đập nguội để phục hồi cạnh bén của thợ đúc đồng không có tác dụng đối với sắt. Chỉ đến khoảng năm 1200 TCN, người ta mới phát hiện rằng đập nóng và làm nguội trong nước mới làm cho sắt có độ cứng và cạnh bén giữ được lâu, cuối cùng đồ sắt không chỉ sánh ngang đồ đồng mà còn tốt hơn hẳn. Giai đoạn đó đạt được có lẽ vào lúc các thợ rèn người Anatolia phân tán ra khắp thế giới Cận Đông.
[1]. R. J. Forbes, Metallurgy in Antiquity (Thuật luyện kim thời xưa), London, 1950, tr. 380.
[2]. Forbes, các trang 418-419.