Trong khi nhiều hộ dân đã sớm di dời khỏi khu vực nguy hiểm, ba hộ dân sống ven bờ biển thôn Tân An (xã Phú Thuận, huyện Phú Vang, Thừa Thiên - Huế) vẫn còn ở lại dù chỉ còn ít giờ nữa bão số 5 sẽ tiến vào đất liền. |
Chị Lê Thị Lành (36 tuổi) phải trông đàn lợn, gà, vịt mà gia đình đang nuôi nên chưa thể sơ tán. Ông Đặng Tiến Tùy, Chủ tịch xã Phú Thuận (huyện Phú Vang, Thừa Thiên - Huế) cho biết: "Chính quyền sẽ cho di dời 3 hộ dân khu vực ven biển thôn Tân An đến trú bão ở những nơi an toàn ngay trong tối nay. Chính quyền xã dự kiến di dời 64 hộ với 298 khẩu ở các khu vực xung yếu ven biển đến nơi an toàn". |
Ông Lê Văn An (thôn Tân An) che chắn lại chuồng lợn bằng vài tấm bạt. Ông cho biết do không yên tâm về đàn gia súc nên gia đình vẫn cố gắng bám trụ lại căn nhà tạm. |
Ba đứa trẻ nhà anh Lê Văn Xem (người dân thôn Tân An) mấy ngày nay đã được cho nghỉ học để chuẩn bị phòng tránh bão. Trong khi bố mẹ còn bận gia cố nhà cửa thì các em giải trí bằng cách xem điện thoại. |
Những hộ dân thuộc thôn Tân An đều thuộc diện nghèo, không có công việc ổn định. Một phụ nữ tranh thủ đi nhặt ve chai trong khi trời chưa mưa gió. |
Cách đó không xa là âu thuyền của xã Phú Hải (huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế). Tại đây, hàng trăm tàu, thuyền của ngư dân đã neo đậu an toàn. |
Ngư dân kiểm tra, gia cố việc neo đậu bên trong âu thuyền xã Phú Thuận. |
Tàu của anh Huỳnh Văn Ba mới ra khơi được 3 ngày nhưng khi nhận được tin bão số 5 hình thành ngoài biển Đông, anh đã lập tức quay đầu về bờ. |
Ngoài việc neo đậu, chằng níu cẩn thận, ngư dân còn đổ nước vào các xô lớn để giữ cân bằng, tránh lật. |
Giữa các thuyền còn được đệm bằng các tấm xốp lớn, lốp xe cũ để tránh va đập khi có sóng to, gió lớn. |
"Tôi nhận được tin báo bão từ hai ngày trước và lập tức cho thuyền quay về. Chuyến ra khơi lần này mới chỉ đủ tiền dầu nhưng vì an toàn cho mình và mọi người nên ai cũng vui vẻ chấp hành", ông Nguyễn Trung (ngư dân huyện Phú Vang) chia sẻ. |