Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Những mẫu iPod 20 năm tuổi được hồi sinh

Dù bị ngừng sản xuất cách đây 8 năm, iPod classic vẫn được nhiều người thích nghe nhạc tìm mua để thay ổ cứng, bổ sung Bluetooth hoặc cổng USB-C.

Thu vui 'do' iPod vao nam 2022 anh 1

Apple "khai tử" iPod classic vào ngày 9/9/2014. Sau hơn 13 năm tồn tại, dòng máy nghe nhạc biểu tượng của Táo khuyết biến mất khỏi cửa hàng online trước ngày ra mắt iPhone 6 và Apple Watch thế hệ đầu tiên.

Tuy không còn sản xuất, iPod classic có thể tìm mua dễ dàng trên Internet. Một số người có lẽ chưa chấp nhận từ bỏ kho nhạc MP3 để chuyển sang các dịch vụ trả phí hàng tháng.

Năm 2021, iPod classic đón sinh nhật 20 tuổi trong âm thầm. Khi Apple muốn đưa thiết bị vào quên lãng, các fan đã mang đến sức sống mới cho iPod classic bằng cách "độ" Bluetooth, ổ cứng dung lượng cao, vỏ nhiều màu và phản hồi xúc giác (Taptic Engine). Theo Wired, iPod classic đã "hồi sinh" trong thập niên 2020 mà không cần Apple.

Sự trỗi dậy của iPod

Những chiếc iPod đời đầu có thiết kế module, các thành phần như màn hình, bo mạch, cổng tai nghe, pin và ổ cứng được kết nối bằng dây cáp. Với một chút hiểu biết, người dùng có thể thay ổ cứng hoặc thẻ nhớ để nâng dung lượng cho iPod. So với HDD, ổ SSD nhỏ gọn, bền và tiêu thụ ít năng lượng, loại bỏ các thành phần cơ học nên không tạo ra tiếng kêu khi sử dụng.

Với kích thước nhỏ, không gian trong iPod vốn trước đó dành cho ổ HDD có thể dùng để gắn những thành phần khác. Cara Esten, cô gái thích điện tử và âm nhạc đã "độ" lại iPod classic thế hệ 5 với bộ nhớ flash, thay pin và mặt kính xanh dương.

Thu vui 'do' iPod vao nam 2022 anh 2

Những chiếc iPod được "độ" tại cửa hàng của Austin Lucas. Ảnh: Austin Lucas.

Esten cho biết iPod giúp cô nghe nhạc trong lúc di chuyển bằng tàu điện ngầm, khi kết nối Internet bị mất. "Rất nhiều lần tôi nghe nhạc, bước xuống nhà ga tại Transbay và hoàn toàn mất kết nối. Tôi nghĩ sử dụng iPod khá thú vị. Dù chuyện gì xảy ra, nhạc của tôi vẫn ở đó. Tôi không phải lo về việc chọn nhạc nào để nghe. Điện thoại có thể hết pin, Spotify có thể 'sập', nhưng tôi vẫn đeo tai nghe và thưởng thức nhạc", Esten chia sẻ.

Austin Lucas, kỹ thuật viên một tiệm sửa điện thoại cho biết nhiều khách hàng đến để sửa iPod nhưng cửa hàng không có sẵn linh kiện. Mỗi ngày, có hàng trăm đến hàng nghìn người đến sửa iPod, hầu hết được tư vấn nên mua iPod khác thay vì đi sửa.

Nhận thấy cơ hội kinh doanh, Lucas từ bỏ công việc tại tiệm sửa điện thoại. Sau đó, anh mở cửa hàng tập trung vào iPod có tên Elite Obsolete Electronics tại bang Kansas (Mỹ), mở đầu trào lưu "hồi sinh" iPod. Tại cửa hàng, Lucas phân loại những chiếc iPod nhập từ các công ty tái chế đồ điện tử, kiểm tra tình trạng rồi sửa chữa, thay thế bằng các linh kiện mới hoặc qua sử dụng. Từ đó, các linh kiện tùy chỉnh cho iPod xuất hiện ngày càng nhiều.

"Khi iPod classic bị ngừng sản xuất, các linh kiện tùy chỉnh rất ít, bạn chỉ có thể mua pin hoặc thành phần của Apple. Năm 2020, xuất hiện các bộ vỏ mặt trước màu tím, xanh lá hoặc xanh dương cho iPod classic thế hệ 6 và 7, tiếp đến là mặt lưng màu xanh dương, tím hoặc 7 sắc cầu vồng", Lucas chia sẻ.

Thay ổ cứng, thêm Bluetooth cho iPod

Trên cộng đồng yêu thích iPod trên Reddit và Discord, Lucas là cái tên quen thuộc trong giới "độ" máy nghe nhạc Apple. Năm 2020, Lucas làm quen với Wade Nixon, tay trống chuyên nghiệp mới lập kênh YouTube DankPods chuyên chia sẻ về iPod và những thiết bị công nghệ cùng thời.

Không chỉ lập kênh YouTube, Nixon còn bán và sửa iPod, công việc giúp anh có thêm thu nhập trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát. Những video trên kênh chủ yếu ghi lại quá trình sửa chữa, trải nghiệm hoặc "chế" iPod với màu sắc, linh kiện mới.

Thu vui 'do' iPod vao nam 2022 anh 3

Adapter để gắn ổ cứng SSD vào iPod classic. Ảnh: Alphr.

Khi Lucas gặp Nixon lần đầu vào năm 2020, kênh DankPods có khoảng 1.000-2.000 người đăng ký. Hiện tại, con số trên là hơn 1,17 triệu. Trên kênh, video ghi lại quá trình thay vỏ, ổ cứng iPod classic thu hút 790.000 lượt xem. Nhiều video khác có lượt xem trên 1 triệu.

"Tôi cảm nhận iPod đang trở lại bởi chúng vẫn hoạt động tốt. Kết hợp điều đó với sự hoài cổ và phiền toái khi mọi thứ trở thành dịch vụ thuê bao, thật tuyệt khi sở hữu món đồ không kết nối Internet nhưng vẫn chứa mọi thứ mà bạn có", Nixon chia sẻ.

Theo Nixon, một trong những linh kiện thú vị là bảng mạch giúp gắn ổ cứng SSD cho iPod. Anh cũng ưa thích adapter để gắn thẻ nhớ SD, giúp iPod lưu nhiều nhạc và tiêu thụ ít pin hơn. "Đó là cách thú vị để mang hơn 1.000 GB dung lượng lưu trữ lên một thiết bị cũ kỹ, khi bộ nhớ flash hiện tại quá rẻ", Nixon cho biết.

Một trong những phiên bản "độ" iPod phức tạp nhưng ai cũng thích là kết nối Bluetooth. Tuy có thể cắm adapter Bluetooth vào cổng 30 chân, nhiều người muốn đảm bảo tính thẩm mỹ bằng cách gắn chip Bluetooth vào máy mà không cần hàn dây. Tuy vậy, cường độ tín hiệu Bluetooth sẽ bị ảnh hưởng khi truyền qua vỏ kim loại của iPod.

Trên cộng đồng đam mê iPod của Reddit, người dùng Amir Rees đã chia sẻ giải pháp bổ sung Bluetooth cho iPod khá hiệu quả, gồm mặt lưng tùy chỉnh với ăng-ten Bluetooth gắn trên góc, chỉ cần cắm dây cáp vào bo mạch trên iPod để sử dụng. "Bản mod của tôi chỉ tinh chỉnh những thứ người khác đã làm, đó là kit Bluetooth cho iPod với độ chuyên nghiệp, hoạt động tốt và không cần mối hàn", Rees chia sẻ.

Cộng đồng iPod còn thích "độ" những tính năng có vẻ không cần thiết như bộ rung xúc giác (Taptic Engine). Một số kỹ sư đã tìm thấy cổng kết nối ẩn bên dưới Taptic Engine của iPhone để gắn vào iPod. Trên iPhone, người dùng có thể cảm nhận phản hồi từ Taptic Engine khi điện thoại đổ chuông hoặc nhấn giữ các biểu tượng.

Mỗi lần xoay bánh xe click wheel trên iPod, Taptic Engine sẽ hoạt động để tạo cảm giác. Ngoài ra, nhiều người còn sử dụng bộ rung để mô phỏng ổ cứng HDD quay khi iPod đọc dữ liệu, dù bản thân thiết bị đã được "độ" sang ổ SSD.

Một số người còn bán bộ chuyển đổi cổng 30 chân sang USB-C, phổ biến hơn là hệ điều hành tùy chỉnh như Rockbox. Mặt khác, nhiều người chỉ đơn giản thay ổ cứng hoặc pin, gắn vỏ khác để tạo nét mới mẻ cho những chiếc máy nghe nhạc cũ.

iPod chưa bao giờ biến mất

Sản phẩm biểu tượng trong một số ngành công nghiệp thường được sản xuất liên tục trong hàng chục năm mà không có nhiều thay đổi. Tuy nhiên, iPod classic bị "khai tử" ngay khi sản phẩm mới mẻ, tiện lợi hơn xuất hiện là Apple Watch, có thể đồng bộ dữ liệu với iPhone để gọi điện, nhận thông báo và phát nhạc.

Dù iPod classic không còn sản xuất, tên gọi iPod vẫn chưa bao giờ biến mất. Trừ việc nghe trên các dịch vụ Internet, thói quen nghe nhạc của người dùng không thay đổi nhiều so với 20 năm trước. Tai nghe có dây vẫn được bán rộng rãi, thậm chí trở thành xu hướng của giới trẻ. Nhạc chất lượng cao được nhiều trang web cung cấp để tải xuống.

Cáp sạc 30 chân, iPod cũ được bán phổ biến, kể cả phần mềm đồng bộ nhạc của Apple vẫn hỗ trợ kết nối iPod. Với một số công cụ, người dùng có thể chép nhạc vào iPod bất kể chúng là file AAC mua từ iTunes Store hay chép từ đĩa CD. Theo Esten, các lựa chọn trên đều vượt trội so với nghe nhạc trực tuyến.

"Bạn nghe một bài hát trên YouTube kèm theo quảng cáo 15 giây, trả tiền hàng tháng để dùng các dịch vụ như Spotify, kho nhạc có thể biến mất nếu các nền tảng mâu thuẫn với nghệ sĩ. Mọi người nhìn vào cách nghe nhạc bây giờ và thốt lên rằng nó khác trước đây, nhưng thói quen cũ lại có nhiều thứ hay ho hơn", Esten chia sẻ.

iPhone 13 Pro Max được 'độ' cổng tai nghe, 2 viên pin

Chiếc iPhone 13 Pro Max được một kỹ sư người Trung Quốc chỉnh sửa với nhiều chi tiết khác biệt so với bản gốc, nâng cấp cả hiệu năng và pin.

'Độ' thẻ nhớ, pin dung lượng cao cho iPod 17 năm tuổi

Chiếc iPod Video ra mắt năm 2005 được "hồi sinh" với dung lượng pin lớn, phần mềm nghe nhạc tùy chỉnh và 2 thẻ nhớ microSD.

‘Độ’ Wi-Fi cho iPod 17 năm tuổi, tích hợp cả Spotify

Chiếc iPod classic ra đời năm 2004 được khoác áo mới bằng Wi-Fi, Bluetooth và màn hình màu.

Phúc Thịnh

Theo Wired

Bạn có thể quan tâm