Hội An không đột ngột tăng giá vé
Chính quyền Hội An đã nhận một phần lỗi trong sự kiện vừa qua là do lỗi của chính mình.
Buổi họp báo của chính quyền thu hút gần 100 cơ quan thông tấn báo chí và cả những doanh nghiệp làm du lịch đến tham dự. Mở đầu buổi họp, giám đốc Trung tâm Văn hóa thể thao TP Hội An Võ Phùng giải trình một số ý kiến trong đó có cả mạng xã hội và các báo chính thống đã phản ánh trong thời gian qua về Hội An.
Ông Phùng tái khẳng định việc mua vé là có từ năm 1995 về trước. Từ tháng 10/1995, thành phố đã thay đổi phương thức phát hành vé tham quan trọn gói “quần thể kiến trúc văn hóa khu phố cổ Hội An”. Ông Phùng cho rằng việc nói “giá vào cửa 6 USD đã biến Hội An thành thành phố ma” là không có như vậy. Hiện tại Hội An vẫn tấp nập ra vào.
Du khách vẫn tấp nập tham quan Hội An ngày qua. Tình trạng kiểm soát vé của các kiểm soát viên đã được chấn chỉnh về hành vi cũng như cách ứng xử. |
Theo ông Phùng thì Hội An không đột ngột tăng giá vé, giá vé 120.000 đồng/ khách nước ngoài và 80.000 đồng/ khách trong nước đã áp dụng từ năm 2012. Khi điều chỉnh giá vé thành phố đều gửi thông tin đến các điểm lữ hành. Ông Phùng cho rằng nói giá vé cao là không đúng, bởi giá vé trên du khách được tham quan 5 điểm di tích và không gian phố cổ (với khách nước ngoài)…
“Riêng về ban đêm cạnh phố đi bộ, du khách có thể thả mình trong không gian lồng đèn lung linh, có thể tham gia trò chơi dân gian bài chòi, đập niêu, xem hòa tấu nhạc cổ truyền, xem hát dân ca, nhạc thính phòng, mua sắm…” - ông Phùng nói.
Tại cuộc họp, chính quyền Hội An khẳng định rằng chủ trương chống thất thu vé tham quan khu phố cổ Hội An là không thay đổi vì phải tạo sự công bằng cho các du khách tham quan phố cổ. Khoản thu này thành phố có nguồn để trùng tu, tôn tạo di sản Hội An, để chi cho các hoạt động văn hóa phi vật thể khác... Theo thống kê của chính quyền, hiện nay khoản thất thu từ tiền vé này không dưới 40%.
14 năm, thu 255 tỷ đồng từ vé, nộp ngân sách 160 tỷ
Nói về sự cần thiết phải thu vé, ông Phùng cho rằng: “Khác với Huế, Mỹ Sơn, Angkor (Campuchia)… là công trình di tích khép kín. Hội An được cấu thành bởi một quần thể di tích gồm nhiều loại hình: nhà ở, nhà thờ tộc, miếu, đình, hội quán, cầu, chùa, giếng, bến cảng, chợ, hệ thống giao thông, dòng sông, hệ thống cây cổ thụ, những phong tục tập quán, sinh hoạt văn hóa đời thường, lối sống, nếp sống thị dân Hội An xưa…”. Vì vậy, thành phố không bán vé cho từng điểm di tích mà tổ chức bán vé trọn gói vào quần thể di tích phố cổ.
Về thái độ phục vụ, phương thức quản lý, kiểm soát vé… chính quyền Hội An cho biết sẽ tiếp thu ý kiến phản hồi để chấn chỉnh ngay việc này.
Ông Nguyễn Sự, bí thư Thành ủy Hội An, nói: “Tôi nghĩ không ai không mua vé nếu họ biết 80% số tiền này dùng để trùng tu di tích”.
Ông Sự công khai từ năm 2000 đến năm 2014, TP đã thu 255 tỷ đồng từ vé. Trong đó, chính quyền phải trả lại cho các điểm trực tiếp hưởng thụ (là 6 điểm chính du khách tham quan), chi phí bộ máy quản lý hết 94 tỷ đồng. Nộp ngân sách 160 tỷ đồng.
Riêng công tác trùng tu trích từ khoản ngân sách này đến 104 tỷ đồng. Chi cho các hoạt động lễ hội phố cổ tăng thêm các sản phẩm du lịch để hút khách hết 35 tỷ. Hoạt động nghiên cứu phố cổ, hội thảo hội nghị hết 15 tỷ đồng. Hoạt động ở các phố đêm không có thu tiền hết 6,6 tỷ đồng. Rất nhiều ngôi nhà xuống cấp cần sửa chữa: nhà 16 Nguyễn Thái Học sửa hết 2,9 tỷ, thành phố phải hỗ trợ 1,6 tỷ đồng; nhà ở ngã tư Phan Châu Trinh - Trần Phú sửa 1,2 tỷ nhưng thành phố đã góp 1 tỷ đồng…
Lý giải tại sao không dùng tiền thuế để trùng tu phố cổ, ông Nguyễn Sự cho biết năm 2013 toàn phường Minh An (bao gồm cả phố cổ, nhiều ngành nghề kinh doanh khác ngoài du lịch) là 11,8 tỷ đồng. Thu trong phố cổ 4,7 tỷ đồng/ năm. “Số tiền này không thể trùng tu được 1 ngôi nhà” - ông Sự nói.
Ông Sự cũng thừa nhận sẽ tiếp tục nghiên cứu và cho ra chính sách vé hợp lý nhất từ các ý kiến khác nhau. Chiều 26/4, chính quyền Hội An gặp mặt hơn 300 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành, khách sạn trên địa bàn để lắng nghe ý kiến về sự kiện vừa qua.