Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Không chỉ thu phí, người soát vé ở Hội An còn bất lịch sự'

Nhiều độc giả chia sẻ, họ không muốn quay lại phố cổ không chỉ vì chuyện thu phí mà còn do thái độ bất lịch sự của những bảo vệ, soát vé nơi đây.

Thu phí bất hợp lý

Việc thu phí với mức giá 120.000 đồng (tương đương 6 USD) khi du khách bắt đầu bước chân vào khu vực phố cổ thay vì bán vé từng điểm tham quan riêng lẻ như trước đã nhận nhiều ý kiến chỉ trích từ người dân cả nước.

Độc giả Vô Thường kể, năm ngoái, công ty anh tổ chức đi du lịch Huế - Đà Nẵng - Hội An. Anh yêu biển Đà Nẵng bởi sự sạch sẽ, yêu Huế vì nét đẹp cổ kính nhưng lại thấy thất vọng ở Hội An.

Bí thư Hội An: Quy định thu phí đã bị hiểu nhầm

"Đầu tư không gian văn hóa cho du khách thưởng thức thì thu phí là hoàn toàn đúng. Tuy nhiên, khi quy định được siết chặt lại có nhiều ý kiến gây hiểu nhầm", ông Nguyễn Sự chia sẻ.

Công ty của anh đến Hội An vào buổi chiều, khi bước vào khu phố cổ, bảo vệ đã chặn lại và yêu cầu đoàn mua vé. Anh giải thích thời gian không cho phép nên đoàn không thăm quan các di tích, chỉ dạo xung quanh, nhưng nhân viên bảo vệ vẫn yêu cầu bắt buộc mua vé, tỏ thái độ khó chịu và dùng lời lẽ nặng nề. Sếp của anh là người gốc Đà Nẵng cũng thật sự bất ngờ với hành động này, nhưng bắt hơn 60 người nhân viên phải chờ đợi cho sự vô lý này lại không hay. Vì vậy, anh đồng ý mua hơn 60 vé tham quan, mỗi vé có giá hơn 100.000 đồng dù đoàn không bước vào một điểm di tích nào.

“Hình ảnh Hội An đã thật sự sứt mẻ đối với chúng tôi ngày hôm đó. Có thể tới mấy chục năm nữa, ký ức nhớ nhất về phố cổ vẫn chỉ là việc thu phí bất hợp lý. Bây giờ, tôi lại được nghe thêm thông tin thu phí, thật sự tôi rất thất vọng”, anh tâm sự. 

Duy Ngo cũng cùng hoàn cảnh với Vô Thường. Anh cho biết, cách đây 1 tháng, anh cùng bà con vào Hội An chơi. Khi gia đình vừa bước vào cổng chùa Cầu đã bị chặn lại và bảo vệ yêu cầu phải có vé. Giá vé là 80.000 đồng/người, đoàn anh đi 8 người sẽ mất 560.000 đồng, nhưng chỉ bước sang bên kia cầu ngó quanh vài cái lại đi ra, như vậy là quá mắc. Anh nghĩ, với số tiền đó, mọi người rủ nhau đi bộ bên ngoài hóng mát rồi quay về Đà Nẵng uống nước mía, ăn bún chả cá vẫn tiết kiệm và hợp lý hơn.

Anh viết: "Tôi nghĩ, nếu thu phí không hợp lý, Hội An không chỉ không phát triển được du lịch, mà còn khiến du khách ngán ngẩm, không bao giờ đến nơi này”.

Tuy vậy, một số độc giả khác không phản đối việc thu phí vào cửa, nhưng cho rằng Hội An cần cung cấp dịch vụ tương xứng với mức phí bỏ ra để du khách không cảm thấy phí tiền, khó chịu.

Bạn đọc Duc Ngoc so sánh: "Đi Paris lên tháp Eiffel phải trả 15 euro, vào tham quan sân vận động Camp Nou ở Barca cũng mất 30 euro, lên Vạn Lý Trường Thành, Khải Hoàn Môn hay các nơi đặc sắc của nước ngoài đều tốn phí, vì vậy, Hội An thu phí là bình thường. Tuy nhiên, việc thu phí này nên ở mức giá chấp nhận sẽ nhận được nhiều sự đồng tình của du khách hơn".

Còn độc giả Hieu Nguyen mong muốn Việt Nam học tập Campuchia bởi nước bạn có khu quần thể kiến trúc cổ nổi tiếng khắp thế giới là Angko Wat - Angko Thorm và cách làm du lịch của họ rất chuyên nghiệp. Người dân bản địa không cần tốn phí khi tham quan nơi này. Khách nước ngoài phải bỏ tiền mua vé với giá khá cao nhưng mọi người đều rất vui vẻ vì họ biết tiền đó dùng để trùng tu công trình lịch sử. Cách làm của người Việt chưa chuyên nghiệp và không công bằng ngay cả đối với khách du lịch nước nhà.

 

Tình trạng "chặt chém" liên tiếp

Không chỉ thu phí bất hợp lý, nhiều du khách trong nước lẫn nước ngoài đều tỏ rõ quan điểm bức xúc khi bị “chặt chém” tại Hội An. Độc giả Sarah Lu viết: “Một bịch trà chanh giải khát giữa đường bán cho người Việt 8.000 đồng, bán cho khách nước ngoài 20.000 đồng. Bây giờ tôi mới thấy thấm thía câu nói của một người bạn nước ngoài khi tôi hỏi: 'Anh đi du lịch nhiều ở Việt Nam và so sánh, anh thấy người Việt như thế nào so với người Thái, Campuchia, Mã lai?'. Anh ta chỉ nói: 'Too business' (Quá thương mại - PV)".

Độc giả Kent bộc bạch, không riêng Hội An, Việt Nam còn nhiều chỗ du lịch “chặt chém” khách khiến anh cũng sợ, làm sao khách nước ngoài không sợ.

Anh nói thêm: “Tiềm năng du lịch của đất nước rất nhiều nhưng chúng ta không biết khai thác, chỉ nghĩ làm thế nào để moi móc tiền của du khách càng nhiều càng tốt. Vì thế, họ sẽ rời Việt Nam đến Thái Lan, Malaysia hay Singapore… - nơi họ có thể trả giá và người mua bán luôn thân thiện".

Thái độ của người làm du lịch thiếu thiện cảm 

Không chỉ mất điểm với khách phương xa, nước ngoài, người dân Hội An cũng lên tiếng. Độc giả Heo Cười nói, không chỉ thu thuế từ hơn 600 cửa hàng trong phố cổ, bây giờ người ta lại tiếp tục muốn thu phí tham quan với mục đích tu bổ.

“Tôi là người Hội An. Tôi đi qua phố cổ từ khi mới biết đi. Vậy mà bước chân vào phố cổ lại bị nhân viên hạch sách và phải chứng minh mình là người nơi này. Lúc đó, tôi đã không kiềm chế được và nói thẳng vào mặt những người bảo vệ".

Độc giả Jackie Lu viết, có lần anh vào Hội An dạo bộ từ sáng sớm. Anh đi được 2/3 phố cổ, bảo vệ phóng xe đuổi ra, nhưng anh không hiểu lý do vì sao. Lúc sau, người bảo vệ khác đến nhắc nhở anh lần nữa và dùng lời rất khó nghe, bắt anh ra mua vé mới được đi dạo. Tuy anh không hài lòng với thái độ của nhân viên trong khu phố cổ, nhưng anh vẫn đi ra ngoài mua vé và đi luôn, không quay trở lại.

Hội An thu phí vào phố cổ, du khách dọa tẩy chay

“Thật kì cục khi phải nộp phí chỉ để vào một khu phố”, là một trong rất nhiều phản ứng của du khách những ngày gần đây tại Hội An.

Nhật My (Tổng hợp)

Bạn có thể quan tâm