Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thủ tướng yêu cầu xác định lộ trình mở rộng Tân Sơn Nhất

Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT xác định lộ trình triển khai đầu tư, xây dựng các hạng mục tại phía bắc sân bay Tân Sơn Nhất theo phương án của tư vấn Pháp.

Vì sao phương án mở rộng Tân Sơn Nhất của ADPI thuyết phục Chính phủ? Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chọn mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất về phía nam theo phương án của tư vấn ADPI (Pháp). Đất sân golf ở phía bắc sẽ được sử dụng từ sau năm 2025.

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phương án điều chỉnh Quy hoạch mở rộng Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.

Theo đó, Thủ tướng đồng ý lựa chọn phương án do Công ty Tư vấn ADP-I đề xuất. Cụ thể, đầu tư và xây dựng mới một nhà ga hành khách hiện đại, đồng bộ và đạt tiêu chuẩn quốc tế tại khu vực phía nam để đáp ứng yêu cầu phục vụ đạt 20 triệu hành khách/năm.

Từ đó, nâng công suất khai thác của Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất nhằm đáp ứng nhu cầu vận chuyển bằng đường hàng không, bảo đảm tối thiểu đạt 50 triệu hành khách/năm.

San bay Tan Son Nhat anh 1
Sân bay Tân Sơn Nhất có công suất 50 triệu hành khách/năm sau khi mở rộng. Ảnh: Lê Quân.

Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT chuẩn bị đầu tư xây dựng nhà ga hàng hóa, sân đỗ tàu bay, khu bảo dưỡng phương tiện… tại khu vực phía bắc sân bay Tân Sơn Nhất, nơi có vị trí sân golf hiện tại.

Để sớm triển khai, Thủ tướng giao Bộ GTVT chỉ đạo Công ty Tư vấn ADP-I tiếp tục phối hợp với Công ty Tư vấn ADCC hoàn thiện phương án điều chỉnh quy hoạch, bảo đảm hiệu quả cao nhất. Đặc biệt là việc sử dụng đất cả về phía nam và phía bắc.

Bộ GTVT phối hợp UBND TP.HCM nghiên cứu, tính toán tổng thể, đề xuất các giải pháp khả thi nhằm giảm ùn tắc giao thông tại khu vực bên ngoài Tân Sơn Nhất.

Ngoài ra, Bộ GTVT đề xuất phương án và nguồn vốn đầu tư, các cơ chế, chính sách để khởi công dự án trong thời gian sớm nhất; xác định cụ thể lộ trình triển khai chuẩn bị đầu tư xây dựng nhà ga hàng hóa, sân đỗ tàu bay, khu bảo dưỡng phương tiện tại khu vực phía bắc.

San bay Tan Son Nhat anh 2
Phía bắc sân bay sẽ xây dựng công trình phụ trợ, như nhà ga hàng hóa, sửa chữa máy bay... từ năm 2025. Đồ họa: Minh Trí.

Thủ tướng giao UBND TP.HCM chủ trì, phối hợp với Bộ GTVT và các Bộ, ngành liên quan điều chỉnh quy hoạch hạ tầng giao thông kết nối và các quy hoạch liên quan tại khu vực này, bảo đảm đồng bộ, đáp ứng nhu cầu phát triển của Tân Sơn Nhất. Đồng thời, triển khai các giải pháp chống ùn tắc giao thông tại khu vực sân bay và khu vực lân cận.

Bộ Quốc phòng phối hợp với các bộ ngành rà soát quy hoạch và việc sử dụng đất quốc phòng tại khu vực sân bay; bố trí lại doanh trại của các đơn vị quân đội để thực hiện điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất quốc phòng…

Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan, trong phạm vi chức năng quản lý của mình được giao chỉ đạo để giải quyết vướng mắc, đáp ứng tiến độ triển khai các dự án trong quy hoạch.

Trước đó, Công ty tư vấn độc lập của Pháp ADPI đưa ra phương án mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất về phía nam.

Theo đó, ADPI đề xuất xây dựng thêm một nhà ga hành khách của sân bay Tân Sơn Nhất ở phía Nam với diện tích sàn 200.000 m2, để có thể phục vụ 20 triệu hành khách mỗi năm.

Đối với khu đất phía bắc, trong đó có sân golf và 16 ha đất do Bộ Quốc phòng quản lý sẽ được sử dụng để xây dựng công trình phụ trợ, như nhà ga hàng hóa, sửa chữa máy bay, logistics và chế biến suất ăn từ năm 2025 trở đi.

Sau khi mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất sẽ có khả năng phục vụ tối thiểu 50 triệu hành khách mỗi năm.

Lấy 18.000 tỷ ở đâu để mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất?

Lãnh đạo Bộ GTVT khẳng định một phần nguồn vốn để mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất sẽ được lấy từ Tổng công ty Cảng hàng không.



Văn Chương

Bạn có thể quan tâm