Nếu đảm bảo điều kiện, Luật Đất đai sửa đổi có thể được thông qua tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV, diễn ra cuối năm 2023. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Phó thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký công điện của Thủ tướng về tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành khẩn trương tổ chức tổng hợp, xây dựng báo cáo kết quả lấy ý kiến nhân dân gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường (đồng thời gửi Ủy ban Kinh tế Quốc hội), chậm nhất trước 20/3.
Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường tập trung mọi nguồn lực để tổng hợp, tiếp thu, giải trình đầy đủ, toàn diện, khách quan tất cả ý kiến của nhân dân, bảo đảm chất lượng và thời hạn đã nêu. Hoàn thiện dự án Luật đất đai (sửa đổi) trình Chính phủ trước 1/4.
Trong thời gian tới, việc lấy ý kiến nhân dân đóng góp cho dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được tiếp tục thực hiện cho đến khi dự án luật được Quốc hội thông qua.
Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tính đến hết ngày 15/3, đã có 7.979 lượt ý kiến của các tổ chức, cá nhân trên cả nước góp ý đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) thông qua website lấy ý kiến nhân dân của Bộ. Chương "Chế độ sử dụng các loại đất" của dự thảo luật nhận được nhiều ý kiến góp ý nhất với 1.209 ý kiến.
Nội dung góp ý nhiều nhất tập trung vào các chương: Chế độ sử dụng các loại đất; quyền và nghĩa vụ người sử dụng đất; thu hồi đất, trưng dụng đất; bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản trên đất.
Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tham mưu cho Chính phủ tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Đất đai (sửa đổi), báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ V, trước ngày 25/4.
Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực từ ngày 1/7/2014. Sau thời gian thực thi, Chính phủ trình và Quốc hội đã quyết định đưa dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật đất đai 2013 vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019. Nhưng sau đó, Chính phủ liên tục đề nghị lùi.
Tính đến nay, dự án luật này có 4 lần được “đưa vào, rút ra” vì luật khó, nhạy cảm, chuẩn bị chưa kỹ lưỡng. Sau khi trình lên Quốc hội dự thảo vào tháng 10/2022, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang được lấy ý kiến người dân đến hết ngày 15/3. Nếu đảm bảo điều kiện, luật này có thể được thông qua tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV, diễn ra cuối năm 2023.
Độc giả có thể tìm thêm nhiều câu chuyện truyền cảm hứng về những gương doanh nhân thành công, kinh nghiệm điều hành doanh nghiệp và những kiến thức mới mẻ thời đại 4.0 ở tuyển tập sách của Zing tại Tủ sách kinh tế