Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 6 ngày 15/11/2018 và bắt đầu có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2020. Luật quy định về bí mật nhà nước, hoạt động bảo vệ bí mật nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Kế hoạch triển khai của Thủ tướng nhằm xác định trách nhiệm và phân công nhiệm vụ cho các cơ quan liên quan, bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ban, ngành địa phương để thi hành Luật trên phạm vi cả nước.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: Hoàng Hà. |
"Các Bộ, ban, ngành và UBND các tỉnh, TP trực thuộc trung ương trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn có trách nhiệm phối hợp với Bộ Công an tổ chức tuyên truyền, phổ biến nội dung của Luật và văn bản hướng dẫn thi hành trong bộ, ngành, địa phương mình", Thủ tướng yêu cầu.
Thủ tướng phân công Bộ Công an và Bộ Quốc phòng mở các hội nghị tập huấn, biên soạn, in, cấp phát tài liệu cho chiến sĩ, cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý.
Bộ Công an có trách nhiệm quy định về thẩm quyền cho phép sao, chụp tài liệu, vật chứa bí mật của Nhà nước, các nhiệm vụ liên quan đến bí mật Nhà nước, tiêu hủy bí mật Nhà nước.
Bên cạnh đó Bộ có trách nhiệm rà soát các VBPL hiện hành về bảo vệ bí mật Nhà nước để sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới phù hợp với Luật và các văn bản hướng dẫn thực hiện.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan ngang Bộ, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước , VKSND Tối cao, TAND Tối cao xây dựng danh mục bí mật Nhà nước theo phạm vi quản lý.
Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước năm 2018 bao gồm 5 Chương, 28 Điều quy định về bí mật nhà nước, bảo vệ bí mật nhà nước, trách nhiệm, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với bảo vệ bí mật nhà nước.
Luật này áp dụng với cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam, tổ chức cá nhân nước ngoài liên quan đến bảo vệ bí mật nhà nước trừ trường hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác.