Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thủ tướng: 'Đừng để hiện tượng chặt chém du khách thành thương hiệu'

"Gõ từ khóa chặt chém du khách có tới 3,75 triệu tin bài liên quan. Điều này rất tai hại đối với hình ảnh đất nước, con người Việt Nam mà chúng ta phải lên án", Thủ tướng nói.

Ngày 16/2, Hội nghị Phát triển du lịch miền Trung và Tây Nguyên do UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế và Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch phối hợp tổ chức tại TP Huế, với sự tham dự của hơn 500 đại biểu đến từ Trung ương và 19 tỉnh, thành phố. Đây là cơ hội để phân tích, đánh giá thực trạng, môi trường đầu tư và phát triển du lịch khu vực miền Trung và Tây Nguyên dựa trên những cứ liệu khoa học, thực tiễn để đề xuất cơ chế, chính sách và các giải pháp đột phá nhằm phát triển du lịch khu vực này.

Từ khóa "chặt chém" có tới 3,75 triệu tin, bài

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh những thành tựu về phát triển du lịch mà các tỉnh, thành phố ở miền Trung đạt được trong thời gian qua. Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, kéo lùi sự phát triển du lịch mà khu vực miền Trung, Tây Nguyên gặp phải.

Du lich mien Trung va Tay Nguyen anh 1
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Ngọc Minh.

Theo Thủ tướng, tình trạng "chặt chém", vấn nạn taxi dù chèo kéo bán hàng rong, mất vệ sinh, thiếu an ninh, một số trường hợp lừa đảo khách du lịch đã làm xấu bộ mặt du lịch và hình ảnh người Việt Nam trong mắt du khách, nhà đầu tư quốc tế.

"Vấn đề này không chỉ ảnh hưởng riêng ngành du lịch mà còn nhiều ngành kinh tế khác trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Chỉ cần gõ từ khóa chặt chém du khách thì có tới 3,75 triệu tin bài liên quan. Điều này rất tai hại đối với hình ảnh đất nước, con người Việt Nam mà chúng ta phải lên án", Thủ tướng nhận định.

Tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định những hiện tượng trên mang tính cá biệt nhưng mang tính chất nguy hiểm cần phải lên án để gìn giữ bản sắc văn hóa người Việt. "Đừng bao giờ để hiện tượng chặt chém, níu kéo thành những thương hiệu ở các địa phương trong phát triển du lịch", Thủ tướng nhấn mạnh.

Cũng theo Thủ tướng, để ngành du lịch miền Trung, Tây Nguyên nói riêng và du lịch Việt Nam phát triển đột phá thì cần giải quyết được 5 câu hỏi là: Làm thế nào để du khách tìm đến Việt Nam đông hơn; du khách ở lại lâu hơn; tiêu tiền nhiều hơn; làm thế nào để du khách kể những câu chuyện du lịch thú vị với người thân, bạn bè về Việt Nam sau chuyến đi, thay vì chê bai và cuối cùng là làm thế nào để du khách quay trở lại Việt Nam.

Để làm được những điều này, theo Thủ tướng, lãnh đạo tỉnh phải vi hành ở bến xe, sân bay để quan sát khi du khách đến tỉnh mình thì người ta mua gì, tâm lý khách như thế nào để người ta tiêu thụ những sản phẩm du lịch của tỉnh mình.

Đồng thời phải xây dựng con người thân thiện, chăm sóc du khách chu đáo. Đây là yếu tố quyết định phát triển du lịch chứ không phải yếu tố di sản vật thể sẵn có.

Phải mở cửa bầu trời, xây dựng cảng biển để đón du khách

Trong năm 2019, Việt Nam sẽ có rất nhiều sự kiện mang tầm quốc tế như cuộc gặp thượng đỉnh của Tổng thống Donald Trump và Kim Jong Un với 3.000 phóng viên đăng ký đến Việt Nam. Ngoài ra có các hội nghị quốc tế, hoạt động thể thao lớn như cuộc đua công thức 1, Seagame…

"Chúng ta phải mở cửa bầu trời, nâng cấp các sân bay, xây dựng các cảng biển du lịch để kịp thời phục vụ du khách quốc tế đến với miền Trung", Thủ tướng nhấn mạnh.

Du lich mien Trung va Tay Nguyen anh 2
Thủ tướng cho rằng để ngành du lịch miền Trung, Tây Nguyên phát triển đột phá, lãnh đạo tỉnh phải vi hành ở bến xe, sân bay để quan sát khi du khách đến tỉnh mình thì người ta mua gì, tâm lý khách như thế nào... Ảnh: Lê Hiếu.

Theo thống kê, miền Trung có 12 sân bay (cả nước có 22 sân bay) và nhiều cảng biển, tuy nhiên phần lớn cần được nâng cấp hiện đại.

Cũng theo Thủ tướng, không có cách quảng bá du lịch nào hiệu quả hơn là việc xây dựng mỗi người dân Việt Nam là một đại sứ du lịch. Các công ty du lịch Việt Nam cần có tính tự hào, tự tôn dân tộc trong kinh doanh du lịch, chứ không phải kinh doanh bằng bất cứ giá nào, không được bán rẻ giá trị văn hóa Việt Nam với thế giới.

Tại hội nghị, trước sự chứng kiến của Thủ tướng, đại diện lãnh đạo các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, TP Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Định, Ninh Thuận, Thừa Thiên - Huế đã trao quyết định chủ trương đầu tư, ký kết các biên bản hợp tác cho các nhà đầu tư liên quan đến các lĩnh vực du lịch, nghỉ dưỡng, nông nghiệp công nghệ cao với tổng mức trên 30.000 tỷ đồng.

Huế đầu tư 123 tỷ đồng trùng tu nơi ở vua Bảo Đại

Điện Kiến Trung là công trình có giá trị lịch sử và kiến trúc quan trọng trong tổng thể Đại Nội Huế. Đây là nơi ở của vua Bảo Đại trong thời gian trị vì.


Điền Quang

Bạn có thể quan tâm