Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thủ tướng yêu cầu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ hơn

Người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo thời gian tới cần ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu có giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ hơn. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Ngày 5/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7. Nội dung phiên họp xoay quanh việc tổng kết về tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng đầu năm, tình hình phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công, công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, một số nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới.

Chỉ số PMI cao nhất 5 năm

Báo cáo tại phiên họp, đại diện lãnh đạo các cơ quan quản lý thuộc Chính phủ cho biết chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) trong tháng 7 đã đạt 54,7 điểm - mức cao nhất 5 năm - với sản lượng, đơn hàng mới tăng mạnh. Điều này cho thấy các điều kiện kinh doanh ngành sản xuất của Việt Nam tiếp tục cải thiện đáng kể.

Báo cáo của Công ty nghiên cứu thị trường Cimigo Việt Nam cho biết lần cuối cùng tăng trưởng được ghi nhận nhanh hơn là vào tháng 11/2018. Riêng trong tháng 7, sự cải thiện đáng kể của chỉ số PMI được ghi nhận ở tất cả lĩnh vực hàng hóa tiêu dùng, hàng hóa trung gian và hàng hóa đầu tư cơ bản.

Tháng 7 cũng là tháng thứ 4 liên tiếp số lượng đơn đặt hàng mới gia tăng và tốc độ tăng chỉ chậm hơn một chút so với mức gần kỷ lục của tháng 6. Hơn nữa, tốc độ tăng sản lượng vào tháng 7 đã nhanh hơn so với tháng 6 và là mức nhanh thứ 2 được ghi nhận, sau tháng 3/2011.

Chỉ số PMI được coi là chỉ số hàng đầu để đánh giá và dự báo về tăng trưởng hoặc suy giảm GDP của một quốc gia.

Pham Minh Chinh anh 1

Chỉ số PMI tháng 7 của Việt Nam đã đạt 54,7 điểm - cao nhất kể từ tháng 11/2018. Ảnh: Nam Khánh.

Cũng trong tháng 7, nền kinh tế của Việt Nam tiếp tục ghi nhận đà tăng trưởng tích cực.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 7 tháng tăng hơn 4%, cao hơn 0,04% so với tháng 6 trong bối cảnh tăng lương cơ bản.

Về xuất khẩu, nền kinh tế ghi nhận xuất siêu lớn từ đầu năm. Trong đó, riêng tháng 7, xuất khẩu tăng 7% so với tháng 6 và cao hơn 19% so với cùng kỳ. Tính chung 7 tháng, tổng kim ngạch xuất khẩu đã tăng 16%; nhập khẩu tăng 19%; nền kinh tế xuất siêu 14,08 tỷ USD.

Về thu hút vốn đầu tư nước ngoài, báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết sau 7 tháng, Việt Nam đã thu hút trên 18 tỷ USD vốn FDI, tăng 11%. Trong đó, vốn FDI thực hiện đạt 12,55 tỷ USD, tăng hơn 8%, cao nhất trong 5 năm qua.

Ngành du lịch cũng đã cho thấy tín hiệu phục hồi mạnh, vượt cùng kỳ trước đại dịch. Khách quốc tế tháng 7 đạt 1,15 triệu lượt, tính chung 7 tháng đạt gần 10 triệu lượt, tăng 51% so với cùng kỳ 2023 và tăng 2% so với cùng kỳ năm 2019 - trước khi có đại dịch Covid-19.

Đưa kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ hơn

Kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá kết quả kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng đầu năm tiếp tục xu hướng tích cực trên hầu hết lĩnh vực. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được vẫn còn những khó khăn, thách thức.

Không những thế, tình hình sản xuất kinh doanh trong một số lĩnh vực và tiếp cận vốn tín dụng còn khó khăn; thị trường bất động sản bước đầu ổn định, nhưng vướng mắc còn chậm giải quyết. Trong đó, việc triển khai gói tín dụng 140.000 tỷ cho nhà ở xã hội rất chậm.

Pham Minh Chinh anh 2

Thủ tướng đánh giá việc triển khai gói tín dụng 140.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội rất chậm, cần triển khai quyết liệt, hiệu quả hơn thời gian tới. Ảnh: Nam Khánh.

Thời gian tới, Thủ tướng cho biết tình hình thế giới dự báo diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, thuận lợi và khó khăn đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn.

Từ đó, mục tiêu Chính phủ đặt ra là giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng mạnh hơn, đảm bảo các cân đối lớn và có thặng dư cao hơn, kiểm soát tốt nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài, bội chi ngân sách.

"Quan điểm chỉ đạo chung là tháng sau đạt kết quả cao hơn tháng trước, quý sau tốt hơn quý trước, thành quả năm 2024 nhiều hơn, bao trùm hơn, toàn diện hơn năm 2023", Thủ tướng nhấn mạnh.

Riêng với lĩnh vực kinh tế, Ngân hàng Nhà nước phải tập trung giữ ổn định tỷ giá, ngoại hối, tăng tiếp cận vốn tín dụng, tập trung cho lĩnh vực ưu tiên, phấn đấu tăng trưởng tín dụng cả năm khoảng 15%. Đồng thời tiếp tục giảm lãi suất cho vay.

Về chính sách tài khoá, Bộ Tài chính được yêu cầu phấn đấu tăng thu, tiết kiệm chi, triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, triển khai hiệu quả các chính sách gia hạn, miễn, giảm thuế, phí, lệ phí.

Các Bộ: Tài chính, Công Thương và các cơ quan liên quan tập trung bảo đảm ổn định thị trường, giá cả các hàng hoá thiết yếu. Không để thiếu, bảo đảm cung ứng đủ điện, xăng dầu, đáp ứng yêu cầu sản xuất và tiêu dùng trong mọi tình huống.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính chủ động xây dựng các kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, không bố trí dàn trải nguồn lực, tập trung cho các công trình quan trọng, trọng điểm quốc gia, công trình có tính liên vùng, kết nối quốc tế.

Riêng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì đẩy mạnh thực hiện các dự án đầu tư công và 3 chương trình mục tiêu quốc gia, thúc đẩy đầu tư tư nhân, tăng cường hợp tác công tư, thu hút FDI có chọn lọc.

Về xuất khẩu, Thủ tướng yêu cầu củng cố các thị trường lớn, truyền thống, đồng thời mở rộng các thị trường mới (UAE, Halal, Mỹ Latinh). Hỗ trợ doanh nghiệp chuẩn bị điều kiện, đáp ứng các tiêu chuẩn mới, tiêu chuẩn xanh, quảng bá, xúc tiến thương mại, tiếp cận thị trường tiềm năng và điều tra chống bán phá giá đối với hàng Việt Nam…

Lãnh đạo Chính phủ cũng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện khung pháp lý về phát triển kinh tế xanh. Đồng thời nghiên cứu các gói chính sách với quy mô đủ lớn, phù hợp, khả thi để hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới như chip bán dẫn, AI.... Riêng Bộ Tài chính chủ trì khẩn trương hoàn thiện Đề án phát triển thị trường tín chỉ carbon tại Việt Nam.

Ngoài ra, Thủ tướng yêu cầu các Bộ: Giao thông vận tải, Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, dự án hạ tầng quan trọng, trọng điểm quốc gia.

Tri Thức - Znews giới thiệu độc giả Tủ sách kiến thức kinh tế với đa dạng cuốn sách, câu chuyện trong lĩnh vực kinh doanh, kinh tế. Là nguồn tư liệu cho những người quan tâm và muốn nâng cao kiến thức trong lĩnh vực kinh tế. Những cuốn sách, câu chuyện trong Tủ sách không chỉ đơn thuần là những tác phẩm của tri thức mà còn chứa đựng bí quyết, kinh nghiệm quý báu từ các tác giả, nhà quản lý có uy tín và kinh nghiệm lâu năm trong ngành.

Đọc sách không chỉ giúp người đọc tiếp cận những kiến thức mới mà còn giúp mở rộng tầm nhìn và phát triển bản thân. Tủ sách kiến thức kinh tế mong muốn lan tỏa tri thức trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời phát triển văn hóa đọc cho người Việt.

Thủ tướng: Tăng lương cơ sở song lạm phát tăng không đáng kể

Thủ tướng yêu cầu các đại biểu đề xuất những cơ chế, chính sách, giải pháp, tổ chức thực hiện thật tốt những Luật vừa ban hành, nhất là về đất đai, nhà ở; thúc đẩy tăng trưởng.

Đề nghị tăng gấp đôi tỷ lệ mua điện mặt trời mái nhà ở miền Bắc

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị nghiên cứu phương án tăng tỷ lệ mua điện dư phát lên lưới điện quốc gia lên 20% công suất lắp đặt ở miền Bắc và 10% đối với khu vực miền Trung, miền Nam.

Thủ tướng yêu cầu hoàn thành đường dây 500 kV mạch 3 dịp 2/9

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu hoàn thành đường dây 500 kV mạch 3 dịp kỷ niệm 79 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9.

Hồng Nhung

Bạn có thể quan tâm