Thủ tướng vừa có Chỉ thị số 06/CT-TTg gửi tới các bộ, ngành đôn đốc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.
Cụ thể, tại chỉ thị lần này, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Đồng thời, các đơn vị này phải phải thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, quyết liệt cải cách thủ tục hành chính, môi trường đầu tư, kinh doanh cho doanh nghiệp.
Chỉ thị nêu rõ, các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao tập trung nghiên cứu, xử lý có hiệu quả các cân đối lớn trong phát triển đất nước để thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và 5 năm giai đoạn 2021-2025, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030.
Trong đó, Thủ tướng yêu cầu chú trọng việc mở cửa, đổi mới, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; phát huy cả nội lực và ngoại lực; vừa xác định mục tiêu ngắn hạn, vừa tính đến mục tiêu dài hạn, bền vững; bảo đảm nguồn lực tài chính quốc gia và các cân đối vĩ mô khác.
NHNN được yêu cầu chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan duy trì ổn định thị trường tiền tệ, ngoại tệ, vàng; điều hành lãi suất, tín dụng phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát, diễn biến thị trường, hỗ trợ thúc đẩy tín dụng vào các ngành, lĩnh vực trọng yếu, tạo đà cho khôi phục kinh tế trong bối cảnh diễn biến mới của dịch Covid-19. Ngành ngân hàng cũng được yêu cầu phải đẩy mạnh chuyển đổi số, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt và phát triển các dịch vụ, sản phẩm ngân hàng mới, tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính của người dân và doanh nghiệp.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành nghiên cứu, đề xuất các giải pháp mới hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Ảnh: Việt Linh. |
Trong khi đó, các bộ này cũng phải đánh giá kết quả thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và người lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19 hiện nay để có đề xuất điều chỉnh hoặc ban hành chính sách hỗ trợ mới và kiến nghị bố trí nguồn kinh phí để triển khai có hiệu quả, khả thi.
Thủ tướng yêu cầu Bộ KHĐT cùng các cơ quan liên quan và địa phương triển khai việc tháo gỡ khó khăn của các dự án đầu tư, sản xuất, kinh doanh đang gặp vướng mắc, đặc biệt tại các trung tâm kinh tế lớn của đất nước. Đồng thời, bộ này cũng phải đẩy mạnh các giải pháp, nhiệm vụ thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và các dự án ODA.
Bộ Công Thương được yêu cầu phối hợp với các cơ quan và địa phương thực hiện các biện pháp phát triển thị trường nội địa, kích cầu tiêu dùng hợp lý. Trong đó, hướng tới hỗ trợ doanh nghiệp kết nối thị trường, thúc đẩy xuất khẩu, tận dụng, khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do, chủ động ứng phó với các vụ kiện phòng vệ thương mại của nước ngoài.
Lãnh đạo Chính phủ cũng nhấn mạnh trong bối cảnh nền kinh tế hiện nay, các bộ, ngành cần tăng cường cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, giảm chi phí, nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, đồng thời thu hút đầu tư, thúc đẩy mạnh mẽ các ngành công nghiệp, dịch vụ tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Các bộ, ngành cũng phải ban hành kế hoạch cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh năm 2021 và triển khai thực hiện. Cùng với đó, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan quản lý tăng cường đối thoại, tiếp thu ý kiến của tổ chức, hiệp hội, doanh nghiệp về quy định không phù hợp gây khó khăn đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh. Từ đó có biện pháp sửa đổi hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, người dân.