Chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 sáng 4/9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định đến nay, chúng ta đã kiểm soát tốt tình hình dịch Covid-19 trong khi trên thế giới dịch vẫn diễn biến phức tạp.
Quán triệt tư tưởng không được chủ quan trước dịch bệnh, người đứng đầu Chính phủ cho rằng cũng không thể đóng cửa, không lo sản xuất kinh doanh và việc làm cho người lao động.
Kích thích kinh tế, chăm lo việc làm
Tại phiên họp, Thủ tướng đề nghị các thành viên Chính phủ thảo luận về các tồn tại, khó khăn, cần tập trung chỉ đạo khắc phục. Điển hình như việc sản xuất công nghiệp tiếp tục gặp khó khăn, hoạt động thương mại và dịch vụ tháng 8 có xu hướng giảm do dịch Covid-19 quay trở lại. Trên góc độ chung, sản xuất kinh doanh còn gặp khó khăn, nguy cơ nhiều việc làm bị mất, nhất là ở khu vực đô thị.
Theo Thủ tướng, thực tế đó đòi hỏi chúng ta phải sớm có giải pháp hỗ trợ phù hợp.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng cần cải cách hành chính mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn để huy động các nguồn lực xã hội, góp phần tạo động lực phát triển. Ảnh: VGP. |
Ông đề nghị các thành viên Chính phủ tập trung thảo luận các giải pháp, chương trình, kế hoạch hành động cụ thể trong 4 tháng còn lại để phấn đấu không chỉ tăng trưởng dương mà còn đạt con số cần thiết, giữ được các cân đối lớn, giữ ổn định đời sống nhân dân.
Thủ tướng yêu cầu bàn về chính sách hỗ trợ sản xuất kinh doanh cho các khu vực kinh tế Nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, FDI, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể.
Vấn đề chính sách tiếp tục thu hút đầu tư, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân cũng được Thủ tướng lưu tâm. Ông cho rằng cần cải cách hành chính mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn để huy động các nguồn lực xã hội, góp phần tạo động lực phát triển.
Nhắc lại tinh thần quyết tâm thực hiện mục tiêu kép, vừa quyết liệt phòng chống dịch, vừa tập trung phục hồi phát triển kinh tế, Thủ tướng nhấn mạnh phải kích thích kinh tế mạnh mẽ, đồng thời cả phía cung và phía cầu vì cung và cầu hiện nay còn yếu.
Các chính sách kinh tế, đặc biệt là chính sách tài khóa, tiền tệ phải phát huy hiệu quả hơn nữa đối với tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu, đồng thời thúc đẩy đổi mới khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, năng cao năng suất, sức cạnh tranh, áp dụng những mô hình, phương thức mới đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong trạng thái bình thường mới.
Việt Nam có thể tăng trưởng 2-3%
Theo đánh giá mới đây của tạp chí The Economist, Việt Nam đứng trong top 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới, nhiều triển vọng thu hẹp khoảng cách với các nước phát triển trong dịch Covid-19. Một số định chế tài chính lớn nhận định nếu phấn đấu tốt, Việt Nam có thể tăng trưởng 2-3%.
Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8, diễn ra sáng 4/9. Ảnh: VGP. |
Báo cáo của Bộ KH&ĐT cho thấy tình hình tháng 8 có chuyển biến đáng mừng. Kinh tế vĩ mô duy trì ổn định. Chính sách tiền tệ được thực hiện tương đối tốt. CPI tháng 8/2020 tăng 0,07% so với tháng trước, CPI bình quân 8 tháng năm 2020 tăng 3,96% so với cùng kỳ năm trước.
Về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng dự báo nền kinh tế Việt Nam vẫn đứng trước nhiều thách thức. Đại dịch Covid-19 trên thế giới tuy có dấu hiệu dịu lại nhưng còn tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro, khó lường và khả năng cao sẽ kéo dài cả năm 2021.
Triển vọng kinh tế toàn cầu rất khó khăn, các nước đối tác lớn suy thoái, dự báo khó phục hồi trong ngắn hạn và khả năng phục hồi trở lại trạng thái trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra sẽ cần thời gian khoảng 2-4 năm tùy thuộc mức độ tác động.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu dự kiến tăng trưởng GDP năm 2021 đạt khoảng 6,7% với mục tiêu tổng quát là tập trung khắc phục khó khăn, khôi phục nền kinh tế, tận dụng thời cơ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở ổn định kinh tế vĩ mô, thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đến 2030.
Song song với đó, phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa, con người Việt Nam và sức sáng tạo của mỗi cá nhân. Từng bước xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; bảo đảm cuộc sống hạnh phúc của nhân dân.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng đề xuất dự kiến xây dựng 23 chỉ tiêu chủ yếu, tăng về số lượng chỉ tiêu so với các năm trước của giai đoạn 2016-2020 (khoảng 12 chỉ tiêu) để bảo đảm tính gắn kết chặt chẽ hơn nữa giữa kế hoạch hàng năm và kế hoạch 5 năm (giai đoạn 2021-2025), tạo thuận lợi và gắn kết việc đánh giá kế hoạch hàng năm với đánh giá giữa kỳ và 5 năm.
Đồng thời, dự kiến xây dựng 5 cân đối lớn để phù hợp với dự kiến định hướng xây dựng các cân đối lớn của Kế hoạch 5 năm 2021-2025 và 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu.