Quan điểm trên được Thủ tướng nhấn mạnh khi kết luận phiên họp ngày 28/8 của Tiểu ban Kinh tế - Xã hội Đại hội Đảng XIII.
Thủ tướng biểu dương tổ biên tập trong 2 năm qua đã có nhiều nỗ lực hoàn thiện dự thảo báo cáo, làm 42 nhóm chuyên đề nghiên cứu, 140 nhiệm vụ, tổ chức khảo sát tại các địa phương, tập đoàn, hội thảo khoa học…
Nhắc lại kết quả của cuộc điều tra xã hội học, tìm hiểu dư luận xã hội của Ban Tuyên giáo Trung ương, Thủ tướng cho biết có 97% người dân được hỏi thể hiện sự tin tưởng đối với các biện pháp của Đảng, Nhà nước trong công tác phòng, chống Covid-19.
Theo Thủ tướng, đây là nền tảng quan trọng để Việt Nam vượt qua khó khăn. “Cả thế giới và Việt Nam gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh hiện nay. Vì thế, vấn đề khát vọng dân tộc, đổi mới sáng tạo với nền tảng văn hóa con người Việt Nam cần được khẳng định trong các dự thảo văn kiện”, Thủ tướng nói.
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, khát vọng dân tộc, đổi mới sáng tạo với nền tảng văn hóa con người Việt Nam cần được khẳng định trong các dự thảo văn kiện Đại hội Đảng. Ảnh: VGP. |
Trước một số ý kiến cho rằng phấn đấu đạt tăng trưởng 2% trong năm 2020, Thủ tướng nhất trí cho rằng không để đứt gãy nền kinh tế, không tăng trưởng âm là một cố gắng rất lớn.
Về chủ đề của chiến lược, tiểu ban cho rằng cần bảo đảm thống nhất với báo cáo chính trị, là văn kiện trung tâm của đại hội. Theo đó, đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, thuộc nhóm trên của các nước có thu nhập trung bình cao và đến năm 2045, trở thành nước phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập cao.
Về đột phá chiến lược, Thủ tướng đề nghị tiểu ban thống nhất với tổ biên tập bổ sung các nội hàm về phát triển, bồi dưỡng nhân tài, khát vọng phát triển, hình thành năng lực sản xuất quốc gia mới với tính tự chủ, khả năng thích ứng và chống chịu của nền kinh tế.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tính toán kỹ các chỉ tiêu về tài chính, ngân sách Nhà nước, đầu tư công để vừa phục vụ công tác xây dựng văn kiện và dự thảo kế hoạch đầu tư công 2021-2025 để trình Chính phủ, Quốc hội theo quy định.
“Tinh thần là phải tiếp tục đẩy mạnh đầu tư, kể cả đầu tư xã hội và đầu tư công", Thủ tướng nhấn mạnh.
Một vấn đề nữa là cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển kinh tế số, các mô hình, phương thức kinh doanh mới, mang tính sống còn trong điều kiện bình thường mới do tác động của Covid-19.
“Những xu hướng mới rất nhanh và phức tạp vừa là cơ hội, vừa là thách thức trên tất cả các phương diện, lĩnh vực cạnh tranh ngày càng gay gắt, cần đề cập trong báo cáo Chiến lược 10 năm và Phương hướng, nhiệm vụ 5 năm. Trong một thế giới thay đổi rất nhanh, chúng ta cần nhạy cảm, nhanh nhạy hơn trong quản trị Nhà nước”, Thủ tướng nêu quan điểm.