Ngày 8/9, Văn phòng Chính phủ có công văn truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính về việc triển khai hiệu quả biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.
Thủ tướng yêu cầu UBND Hà Nội có hướng dẫn cụ thể, kịp thời điều chỉnh nội dung còn bất cập trong việc cấp giấy đi đường cho các nhóm đối tượng theo quy định đã ban hành.
Theo yêu cầu của Thủ tướng, Hà Nội không được để xảy ra tình trạng người dân và doanh nghiệp chờ đợi kéo dài; không để tập trung đông người và ùn tắc giao thông, nguy cơ lây lan dịch bệnh tại các chốt kiểm soát dịch.
Thủ tướng yêu cầu Hà Nội điều chỉnh việc cấp giấy đi đường cho các nhóm đối tượng, không để xảy ra tình trạng người dân và doanh nghiệp chờ đợi kéo dài. Ảnh: Việt Linh. |
Sáng 8/9, Hà Nội bắt đầu triển khai kiểm tra giấy đi đường mới ở các chốt trên địa bàn. Tuy nhiên, theo yêu cầu của lãnh đạo thành phố, người dân được phép tiếp tục sử dụng giấy đi đường đã cấp hoặc giấy mới.
Bí thư Hà Nội Đinh Tiến Dũng tối 7/9 đã chỉ đạo cơ quan chức năng tiếp tục cấp giấy mới kết hợp nhập dữ liệu dân cư, điều chỉnh đến khi đạt hiệu quả thì mới nhập hai loại giấy thành một. Lực lượng kiểm soát chỉ phạt người ra đường không có lý do thiết yếu theo quy định.
Cấp giấy đi đường là vấn đề gây nhiều ý kiến trái chiều tại Hà Nội suốt thời gian thành phố giãn cách xã hội, từ 24/7 đến nay. Trong khoảng 40 ngày, Hà Nội đã có 4 lần điều chỉnh, thay đổi phương thức cấp, duyệt, kiểm tra giấy đi đường. Những lần trước, sau khi thành phố ra quy định, cơ quan có thẩm quyền cấp lại thay đổi và giấy đi đường cũ phải bỏ vì không còn giá trị sử dụng.
Thạc sĩ Vũ Anh Tuấn, giảng viên Đại học Giao thông Vận tải Hà Nội, cho rằng việc liên tục thay đổi chính sách quản lý người ra đường cho thấy sự không nhất quán. Thành phố đang làm theo hướng thử nghiệm, sửa sai nhiều hơn là kiên trì một quan điểm chỉ đạo ngay từ đầu. Ông đánh giá Hà Nội thiếu sự chuẩn bị và xây dựng kịch bản ứng phó với từng diễn biến của dịch bệnh.
Các giải pháp TP đưa ra để hạn chế đi lại đều mang tính bị động, thử nghiệm và được thực hiện theo hình thức sai đến đâu sửa đến đó. Vì thế, các quy định chưa phù hợp với thực tế, gây khó khăn cho người tham gia giao thông và hơn nữa là hiệu quả trong hạn chế phương tiện ra đường không cao.
Còn ông Vũ Hoàng Liên, Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam, đánh giá Hà Nội đang thủ công hóa công nghệ từ khâu nộp hồ sơ đến kiểm tra trên đường. Ông cho rằng cơ quan chống dịch của thành phố đang chạy theo vấn đề cụ thể, sức ép từ nhiệm vụ chống dịch mà thiếu đi tư duy quản trị chung, gây phiền toái cho doanh nghiệp và người dân.
Theo nội dung công văn truyền đạt ý kiến của Thủ tướng, Bộ Y tế được yêu cầu nghiên cứu, xem xét, có hướng dẫn cụ thể đối với kiến nghị của Hiệp hội vận tải TP.HCM về việc thực hiện xét nghiệm đối với tài xế đã tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng Covid-19, vừa bảo đảm an toàn phòng, chống dịch, vừa tạo thuận lợi cho việc vận chuyển, lưu thông hàng hóa phục vụ sản xuất kinh doanh.
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo khẩn trương hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương về việc trang bị phương tiện học tập, sách giáo khoa phục vụ việc học tập theo hình thức trực tuyến.