Báo cáo của Ban Chỉ đạo Quốc gia về công tác triển khai các biện pháp phòng, chống dịch được Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long trình bày tại cuộc họp Ban Chỉ đạo chiều 5/9, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Cuộc họp được kết nối tới hơn 9.000 xã, phường, thị trấn, nhằm đánh giá và triển khai giải pháp trọng tâm chống dịch.
Nhiều nơi chưa quyết liệt, người dân còn chủ quan
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Quốc gia, một trong những vấn đề tồn tại, thách thức trong chống dịch là vẫn còn một số địa phương như Hà Nội, Hải Phòng, Cần Thơ… khi ban hành các quy định phòng, chống dịch theo thẩm quyền, nhất là vấn đề giao thông, lưu thông hàng hóa, chưa cân nhắc kỹ lưỡng một số mặt như cách làm, thời điểm thực hiện, việc đánh giá tác động và chuẩn bị truyền thông. Vì thế, việc này đã nên gây bức xúc trong dư luận.
Cũng theo Ban Chỉ đạo, tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu, nhất là ở cơ sở tại một số địa phương. Một số xã, phường, thị trấn có nơi, có lúc còn chưa thực hiện nghiêm, chưa quyết liệt, đồng bộ, triệt để trong triển khai các quy định về phòng, chống dịch.
Lực lượng chức năng ở Hà Nội kiểm soát giấy đi đường của người dân trong những ngày thành phố tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 ở nhiều khu vực. Ảnh: Việt Linh. |
Ngoài ra, vẫn còn một số người dân chủ quan, lơ là, mất cảnh giác với diễn biến dịch bệnh và chưa ý thức được sự nguy hiểm của dịch bệnh để tham gia phòng chống dịch tích cực, hiệu quả.
Điểm qua tình hình dịch bệnh ở từng địa phương, Ban Chỉ đạo Quốc gia nêu rõ Hà Nội là thành phố đến nay đã có 11 chuỗi lây nhiễm, gồm 3 chuỗi đã xác định được nguồn lây và 8 chuỗi lây nhiễm chưa rõ nguồn lây.
Các ổ dịch phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân (492 ca), ổ dịch phường Văn Miếu và Văn Chương (204 ca), ổ dịch Giáp Bát, Hoàng Mai (50 ca) đang là những nơi có diễn biến phức tạp nhất của thành phố.
Trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, Ban Chỉ đạo đánh giá các địa phương đã đạt được những kết quả nhất định, số lượng người dân di chuyển trên đường phố trong giai đoạn giãn cách đã giảm rõ rệt. Tại TP.HCM, lưu lượng người di chuyển trên đường đã giảm 90% so với trước khi thực hiện Chỉ thị 16.
Về công tác đảm bảo an sinh xã hội, đã có trên 15 triệu người lao động được hưởng hỗ trợ theo Nghị quyết số 68 với số kinh phí trên 8.400 tỷ đồng; 1,2 triệu lao động tự do được hỗ trợ với số kinh phí 2.180 tỷ đồng và 37.000 hộ sản xuất kinh doanh đã nhận được hỗ trợ.
Các địa phương khu vực miền Nam và một số tỉnh khu vực miền Trung đã thực hiện 72% tổng số kinh phí hỗ trợ của cả nước. Trong đó, TP.HCM đã sử dụng trên 3.000 tỷ đồng để hỗ trợ cho người lao động tự do, người yếu thế trên địa bàn; hỗ trợ trên 1,4 triệu túi an sinh xã hội.
Không để giãn cách kéo dài mà không đạt mục tiêu
Để sớm kiểm soát dịch bệnh, trở về trạng thái “bình thường mới” trên toàn quốc, Ban Chỉ đạo cho rằng thời gian tới, các địa phương cần tiếp tục quán triệt quan điểm chỉ đạo "chống dịch như chống giặc".
Những nơi chưa làm thì kiện toàn ngay các Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp do bí thư cấp ủy đứng đầu; thiết lập Trung tâm chỉ huy do chủ tịch UBND các cấp đứng đầu.
Thủ tướng Phạm Minh Chính (Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19) chủ trì cuộc họp trực tuyến toàn quốc của Ban Chỉ đạo với các địa phương để triển khai nhiệm vụ phòng, chống dịch. Ảnh: VGP. |
Theo Ban Chỉ đạo Quốc gia, các địa phương khi giãn cách, tăng cường giãn cách xã hội phải xác định mục tiêu cụ thể cần đạt được là gì. Trong thời gian giãn cách xã hội phải kiểm soát được dịch bệnh theo tiêu chí của Bộ Y tế, dứt khoát không để tình trạng giãn cách không triệt để, kéo dài mà không đạt được mục tiêu, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế xã hội và đời sống nhân dân, gây bức xúc xã hội.
Ở cấp cơ sở, các xã, phường, thị trấn cần thực hiện nghiêm ngặt quy định về giãn cách, cách ly, “ai ở đâu ở đó”; bảo đảm an sinh xã hội, không để người dân thiếu ăn, thiếu mặc; bảo đảm mọi người dân được tiếp cận các dịch vụ y tế từ sớm, từ xa ngay tại xã, phường, thị trấn.
Với những nơi tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội và tăng cường giãn cách xã hội, Ban Chỉ đạo yêu cầu thần tốc xét nghiệm diện rộng cho toàn bộ người dân một cách hiệu quả và an toàn.
Đến 15/9, tại các khu vực nguy cơ rất cao, nguy cơ cao phải lấy mẫu xét nghiệm tất cả người dân ít nhất ba lần (2-3 ngày/lần); các khu vực khác lấy mẫu xét nghiệm tất cả người dân ít nhất một lần (từ 5-7 ngày/lần).
Cùng với đó, Ban Chỉ đạo Quốc gia quán triệt khẩn trương tiêm vaccine ngay khi được phân bổ, ưu tiên tiêm cho lực lượng y tế tuyến đầu, người cao tuổi, người có bệnh lý nền, người dân tại khu vực nguy cơ cao, rất cao, khu vực có mật độ dân cư cao.