Sáng 23/4, Chính phủ tổ chức hội nghị toàn quốc về giải pháp tổng thể thúc đẩy xuất khẩu, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Một trong những vấn đề được Thủ tướng yêu cầu là giảm chi phí cho doanh nghiệp, quản lý chất lượng sản phẩm, tăng cường mở rộng thị trường...
Ông mong muốn xuất khẩu có thể tăng trưởng 15-20%/năm trong một thời gian dài, cao hơn mục tiêu Đại hội Đảng giao. Tăng trưởng xuất khẩu cao có thể hỗ trợ cho tăng trưởng GDP của cả nước.
Xác định sản phẩm lợi thế để xuất khẩu
Báo cáo của Bộ Công Thương cho biết xuất khẩu là một trong 3 nhân tố quan trọng tạo nên sự tăng trưởng. Năm 2017, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng nhanh vượt bậc và đạt 214 tỷ USD. Việt Nam đã có 29 mặt hàng xuất khẩu trên 1 tỷ USD, 20 mặt hàng trên 2 tỷ USD và 8 mặt hàng trên 6 tỷ USD.
Sau hội nghị, Thủ tướng dự kiến ban hành chỉ thị để tăng cường xuất khẩu. Ảnh: Hoàng Hà. |
Tuy nhiên, xuất khẩu còn tiềm ẩn nhiều thách thức, đặc biệt là chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch, chiến tranh thương mại có thể xảy ra với một số cường quốc lớn.
Để tăng cường xuất khẩu, một trong những giải pháp được Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh là các địa phương cần xác định sản phẩm lợi thế, có giá trị gia tăng lớn, là thế mạnh của Việt Nam và tăng cường chế biến sâu, tạo ra sản phẩm có giá, tránh phát triển theo phong trào như lợn, hồ tiêu và một số mặt hàng khác.
Phó thủ tướng cũng nhấn mạnh cần phải tăng cường thị trường, phát triển các ngành hàng, phát huy vai trò của các hiệp định tự do thương mại Việt Nam đã ký, như với Hàn Quốc, ASEAN…
Thị trường trong nước với hơn 90 triệu dân là cơ hội mà doanh nghiệp Việt cần khai thác. Xuất khẩu tại chỗ là một kênh quan trọng tạo nguồn thu, giảm nhập siêu…
Giảm chi phí “gầm bàn”, thể chế thông thoáng
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng để tạo đột phá về xuất khẩu, Việt Nam cần làm tốt nhiều khâu như thể chế pháp luật thông thoáng, giảm chi phí cho doanh nghiệp, quản lý chất lượng sản phẩm, tăng cường mở rộng thị trường, kết nối các hiệp hội ngành hàng…
Thủ tướng yêu cầu xử lý nghiêm vụ cà phê trộn pin. Ảnh: Lê Quân. |
Thủ tướng cho biết sắp tới bản thân sẽ trực tiếp đi kiểm tra vấn đề này tại một số địa phương.
“Tôi sẽ trực tiếp đi Hải Phòng kiểm tra, trong đó có Cảng Hải Phòng. Thể chế, pháp luật là vấn đề nổi cộm hiện nay, cần tạo cơ chế thông thoáng”, ông nói.
Ông cũng yêu cầu giảm chi phí cho doanh nghiệp xuất khẩu xuống hơn nữa. Ông ví chi phí cao cũng giống như việc rò rỉ nước, dù nhỏ nhưng có thể nhấn chìm cả một con tàu.
“Chi phí vốn còn lớn, chi phí thủ tục, tiền lương, chi phí "gầm bàn" không chính thức còn lớn. Một đất nước xuất khẩu nếu chi phí cao thì không thể cạnh tranh được”, Thủ tướng nói.
Xử lý nghiêm vụ cà phê trộn pin
Thủ tướng gay gắt nói về vụ việc trộn pin vào cà phê đang gây xôn xao dư luận. Đây là một vụ việc nghiêm trọng, ảnh hưởng đến uy tín của hàng Việt Nam, địa phương phải điều tra và xử lý nghiêm vụ việc.
“Tôi nhấn mạnh, cơ bản sản phẩm của Việt Nam chất lượng tốt. Tuy nhiên vẫn còn có con sâu làm rầu nồi canh, thậm chí là mấy nồi canh. Như vụ cà phê mà lại trộn pin là không thể chấp nhận được”, Thủ tướng gay gắt nói.