Trao đổi với báo chí ngày 18/4, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Trần Thanh Nam, khẳng định việc cơ sở sản xuất cà phê bẩn, trộn với lõi pin ở Đắk Nông có tính chất nghiêm trọng, vi phạm quy định về an toàn thực phẩm, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng.
"Hành vi này cũng ảnh hưởng lớn tới uy tín sản phẩm cà phê Việt Nam trong nước. Bên cạnh đó, những sự việc như vậy vô tình gây tâm lý ác cảm, lo ngại của thị trường thế giới", ông Nam bày tỏ sự đáng tiếc.
Hơn 20 tấn cà phê bẩn trộn cùng lõi pin được lực lượng chức năng phát hiện. Ảnh: Tây Nguyên. |
Thứ trưởng Nam cho biết sẽ xử lý nghiêm khắc vụ trộn lõi pin vào cà phê, tránh những vụ việc tương tự xảy ra.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản (thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho rằng vụ cà phê bẩn trộn lẫn lõi pin có đủ căn cứ để xử lý hình sự.
Vị này phân tích thêm cơ sở sản xuất dùng lõi pin nhằm tạo màu đen óng cho cà phê có thể coi là hành vi sử dụng phụ gia thực phẩm trái quy định trong chế biến và bảo quản thực phẩm, vi phạm nghiêm trọng quy định của luật An toàn thực phẩm.
"Theo Nghị định 178 của Chính phủ, chủ cơ sở có thể bị phạt tiền từ 70-100 triệu đồng, toàn bộ tang vật bị tịch thu và tiêu hủy", ông Tiệp nói thêm.
Ông cho biết từ năm 2017, luật Hình sự được bổ sung theo hướng xử phạt nặng các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm. "Căn cứ Bộ luật Hình sự sửa đổi, có thể phạt tiền từ 50 triệu đến 200 triệu đồng và có thể phạt tù từ 1-5 năm", ông Tiệp khẳng định.
Trước đó, ngày 16/4, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Đắk Nông phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành kiểm đếm khối lượng cà phê bẩn tại cơ sở sản xuất của bà Nguyễn Thị Thanh Loan (xã Đắk Wer, huyện Đắk R’lấp).
Chủ cơ sở khai nhận đã cung cấp cho thị trường khoảng 3 tấn cà phê bẩn. Ảnh: Tây Nguyên. |
Tại đây, hàng chục tấn cà phê "bẩn" được phát hiện trộn lẫn cùng pin con ó. Theo một cán bộ Phòng Cảnh sát môi trường, cà phê ở đây được sản xuất theo công thức vỏ cà phê trộn với bột đá, cà phê thải loại ngâm qua nước pha bột than trong lõi pin, trong đó thành phần chủ yếu là bột đá và vỏ cà phê. Bột than trong lõi pin ngâm nước khi trộn với cà phê tạo ra màu đen óng.
Cơ quan chức năng ước tính cơ sở này đang dự trữ khoảng hơn 20 tấn cà phê được làm bằng vỏ cà phê, bột đá ngâm tẩm với lõi pin. Toàn bộ sản phẩm chuẩn bị đưa đi các tỉnh tiêu thụ nếu không bị phát hiện.
Bà Nguyễn Thị Thanh Loan (chủ cơ sở) khai nhận từ đầu năm tới nay cơ sở đã sản xuất, cung cấp ra thị trường khoảng 3 tấn cà phê bẩn. Nguyên liệu được thu gom từ nhiều nơi, với giá thành rẻ; pin cũng được thu gom về với số lượng lớn, đập dẹp, dùng lõi pin hòa với nước, rồi nhuộm vào cà phê, đóng gói bán ra thị trường.