Chiều 31/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Bình Thuận. Ông đã giao Bộ Quốc phòng đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị xây dựng sân bay Phan Thiết.
Người đứng đầu Chính phủ nhất trí với việc xây dựng sân bay Phan Thiết đáp ứng yêu cầu cảng hàng không quốc tế hiện đại, đạt cấp 4E, đồng thời giao Bộ Quốc phòng làm đơn vị chủ công trong triển khai dự án này với mục đích lưỡng dụng, cho cả quân sự và dân sự.
Thủ tướng đồng ý xây dựng theo hình thức xây dựng - chuyển giao (BT) đối với khu bay quân sự và hình thức xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT) đối với hạng mục hàng không dân dụng.
Phối cảnh sân bay Phan Thiết. |
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng giao Bộ Quốc phòng tiến hành các thủ tục đấu giá quyền sử dụng diện tích đất mà cơ quan này đang quản lý một cách công khai, minh bạch, đúng Luật Đất đai để lấy tiền xây dựng một phần sân bay.
Còn lại cần kêu gọi ngay các nhà đầu tư xây dựng các hạng mục phục vụ dân dụng như nhà ga và sân đỗ một cách minh bạch. Thủ tướng cũng giao Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng trực tiếp chỉ đạo quá trình chuẩn bị dự án để tránh thất thoát, lãng phí, nhất là việc đấu giá quyền sử dụng đất.
Ngoài dự án sân bay Phan Thiết, người đứng đầu Chính phủ cũng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét kiến nghị của tỉnh Bình Thuận về việc cho phép triển khai các dự án điện gió và điện mặt trời trên những khu vực có trữ lượng titan nhưng nằm trong quy hoạch dự trữ tài nguyên quốc gia.
Về dự án đường ven biển quốc gia đi qua tỉnh Bình Thuận, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định quyết tâm triển khai dự án này, vì đây là con đường người dân các tỉnh ven biển sẽ được hưởng lợi nhiều nhất.
Ông yêu cầu tỉnh Bình Thuận triển khai ngay việc cắm lộ giới và giải phóng mặt bằng để đấu giá đất sạch nhằm huy động nguồn lực cho dự án, vì chắc chắn nhiều nhà đầu tư sẽ rất quan tâm đến dự án này do tiềm năng về du lịch biển của Bình Thuận rất lớn.
Vị trí sân bay Phan Thiết. |
Sân bay Phan Thiết dự kiến được đầu tư với tổng số vốn 5.600 tỷ đồng. Đây được xem là dự án quan trọng của tỉnh Bình Thuận để đưa du khách đến gần hơn với “thành phố resort”.
Sau khi sân bay Phan Thiết đi vào hoạt động, du khách từ TP.HCM, Nha Trang, Đà Nẵng… đến Phan Thiết chỉ mất khoảng 30 phút thay vì phải mất 2,5 giờ lái xe (thông qua cao tốc TP.HCM - Dầu Giây - Phan Thiết). Khách từ các tỉnh thành phía Bắc như Hà Hội, Hải Phòng… vào tới Phan Thiết cũng chỉ mất không quá 1,5 giờ bay.
Năm 2017, Bình Thuận đón khoảng 5 triệu lượt khách du lịch. Toàn tỉnh Bình Thuận cũng có hơn 400 dự án du lịch, dịch vụ du lịch được chấp thuận đầu tư với tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 52.000 tỷ đồng.
Theo thống kê, các dự án đầu tư hạ tầng bất động sản nghỉ dưỡng phục vụ du lịch của tỉnh Bình Thuận đang tăng nhanh ở cả 2 loại hình: bất động sản nghỉ dưỡng đất nền (biệt thự biển, nhà phố biển) và condotel.