Văn phòng Chính phủ vừa truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính liên quan đến việc lựa chọn nhà thầu để khởi công 12 dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021-2025.
Theo đó, Thủ tướng đặt ra một số câu hỏi: "Bộ GTVT báo cáo kết quả việc chỉ định thầu như thế nào? Đã đúng quy định chưa? Chặt chẽ và có tránh được tiêu cực không? Chia nhỏ gói thầu như vậy thì ai là tổng thầu? Ai làm tư vấn giám sát?".
Nhà thầu thi công cao tốc Bắc - Nam. Ảnh: Ngọc Tân. |
Chỉ đạo của Thủ tướng nhấn mạnh có rất nhiều vấn đề mà Bộ GTVT phải thực hiện nghiêm túc đúng quy định, đúng thủ tục và chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Ngày 30/12, Bộ GTVT có văn bản phản hồi các vấn đề Thủ tướng đặt câu hỏi. Về việc phân chia gói thầu, Bộ GTVT cho biết 12 dự án thành phần được chia thành 25 gói thầu xây lắp có giá trị từ 3.000 đến 8.000 tỷ đồng, đồng nghĩa với việc có dự án bị chia thành 2-3 gói thầu.
Tiêu chí "mỗi dự án một gói thầu” chỉ thực hiện được với 2 dự án Bãi Vọt - Hàm Nghi và Cần Thơ - Hậu Giang do 2 đoạn này không có cầu hầm lớn và chiều dài dưới 40 km. Ngoài ra, 7 dự án phải chia thành 2 gói thầu và 3 dự án phải chia thành 3 gói thầu (Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, Quy Nhơn - Chí Thanh và Hậu Giang - Cà Mau) do có chiều dài tuyến lớn, chi phí xây dựng cao.
Trong quản lý thi công, việc có một nhà thầu xây lắp lớn đảm nhận cả dự án (tổng thầu) sẽ tốt hơn là chia thành nhiều gói thầu nhỏ. Tuy nhiên, theo lý giải của Bộ GTVT, năng lực kinh nghiệm các nhà thầu trong nước hiện nay không đủ để mỗi nhà thầu đảm đương một dự án. Trong 5 năm gần đây, chỉ có một nhà thầu đã từng thực hiện hợp đồng dự án có giá trị 3.600 tỷ đồng, nếu mở rộng 10 năm thì chỉ có thêm một nhà thầu từng thực hiện dự án 5.700 tỷ đồng. Nhiều nhà thầu chỉ thực hiện các gói thầu quy mô 1.000-2.000 tỷ đồng.
Về tư vấn giám sát, Bộ GTVT đã chia thành 25 gói thầu tư vấn giám sát tương ứng với 25 gói thầu xây lắp để thuận lợi trong việc giám sát thi công và phù hợp với năng lực của các tổ chức tư vấn giám sát trong nước.
Về việc tổ chức lựa chọn nhà thầu, Bộ GTVT cho biết các chủ đầu tư (ban quản lý dự án) đã hoàn tất chỉ định thầu 14/25 gói thầu xây lắp, 14/25 gói thầu tư vấn giám sát theo đúng trình tự, thủ tục, đảm bảo chặt chẽ, công khai, minh bạch; các nhà thầu được chủ đầu tư đánh giá đều là doanh nghiệp có tiềm lực, có uy tín và đáp ứng các yêu cầu năng lực, kinh nghiệm của hồ sơ yêu cầu.
Đối với 11/25 gói thầu xây lắp và tư vấn giám sát còn lại, chủ đầu tư đang hoàn thiện thủ tục để chỉ định thầu, đáp ứng tiến độ triển khai đồng loạt trước Tết nguyên đán Quỹ Mão.
Trước đó, ngày 28/12, Bộ GTVT đã tổ chức buổi họp báo công bố thời điểm khởi công 12 dự án thành phần của cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 (2021-2025).
Tại cuộc họp báo này, phóng viên đã đặt nhiều câu hỏi liên quan đến việc chỉ định thầu cao tốc Bắc - Nam. Đại diện Bộ GTVT khẳng định việc lựa chọn nhà thầu đảm bảo công khai, minh bạch và dựa trên 3 tiêu chí: năng lực thi công, năng lực tài chính và kinh nghiệm thực hiện hợp đồng.
12 dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021-2025 sẽ góp thêm 729 km, gồm các đoạn Hà Tĩnh - Quảng Trị (267 km), Quảng Ngãi - Nha Trang (353 km) và Cần Thơ - Cà Mau (109 km), đi qua địa phận 12 tỉnh, thành phố (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Cần Thơ, Hậu Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau).
Tổng mức đầu tư 12 dự án là 146.990 tỷ đồng, cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác, vận hành từ năm 2026.
Sách hay về xã hội
Văn minh Việt Nam - nhà dân tộc học Georges Condominas từng nhận xét tác phẩm này là “Cửa sổ để thế giới hiểu về Việt Nam”.
Sách Bàn về Quốc hội - những thách thức của những khái niệm là kết quả của cả một quá trình tích lũy và suy ngẫm của tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.
Nghiên cứu Văn minh vật chất của người Việt ngược dòng thời gian, tái hiện quá khứ, ngọn nguồn văn hóa Việt qua đời sống vật chất phong phú, đầy biện chứng khoa học.