Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thủ tướng yêu cầu bàn giao Khu công nghệ cao Hòa Lạc cho Hà Nội

Thủ tướng yêu cầu Bộ KH&CN khẩn trương bàn giao Khu công nghệ cao Hòa Lạc về Hà Nội và kiến tạo để đất nước có thêm nhiều khu công nghệ cao mới.

Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Ảnh: Việt Linh.

Tại Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 30 ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về “Phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” và xúc tiến đầu tư vùng với chủ đề “Liên kết phát triển - Đổi mới sáng tạo - Xanh và Bền vững”, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) bàn giao Khu công nghệ cao Hòa Lạc cho TP Hà Nội.

Theo đó, Thủ tướng nhấn mạnh cần phát triển Vùng đồng bằng sông Hồng trở thành trung tâm khoa học - công nghệ (KHCN) gắn với đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số hàng đầu của cả nước.

Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh đào tạo, phát triển nguồn nhân lực KHCN; khuyến khích doanh nghiệp liên kết, đầu tư, phát triển KHCN.

Theo thủ tướng, cần xây dựng và phát triển các khu, trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, trí tuệ nhân tạo, khu công nghệ cao; nghiên cứu xây dựng trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo vùng; phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo vùng.

Thủ tướng lưu ý Bộ KH&CN khẩn trương bàn giao Khu công nghệ cao Hòa Lạc về thành phố Hà Nội, đồng thời phát huy vai trò kiến tạo của bộ để đất nước có thêm nhiều khu công nghệ cao khác.

Tại hội nghị, các đại biểu nhấn mạnh một số kết quả nổi bật của Vùng đồng bằng sông Hồng như tăng trưởng kinh tế cao hơn bình quân cả nước, giai đoạn 2005-2020 bình quân đạt 7,94%/năm (cả nước là 6,36%).

Khu cong nghe cao anh 1

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Quy mô kinh tế năm 2020 gấp 7,75 lần so năm 2005, chiếm 29,4% GDP cả nước (đứng thứ 2, sau Vùng Đông Nam Bộ); GRDP bình quân đầu người đạt 103,6 triệu đồng/năm, gấp 1,3 lần bình quân cả nước (sau Vùng Đông Nam Bộ là 141,3 triệu đồng/năm).

Cơ cấu chuyển dịch của vùng tương đối nhanh theo hướng tăng tỉ trọng công nghiệp - xây dựng, dịch vụ; thu ngân sách tăng nhanh; kết cấu hạ tầng giao thông, vận tải phát triển nhanh, đồng bộ, hiện đại.

Thu hút FDI tăng khá nhanh. Đến năm 2020, đứng thứ 2 trong các vùng kinh tế (chiếm khoảng 31,4% tổng vốn cả nước). Trong đó, Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh luôn thuộc nhóm 10 địa phương có tổng số vốn FDI dẫn đầu cả nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu cũng phân tích những tồn tại, hạn chế, trong đó có các ngành sản xuất với công nghệ hiện đại chiếm tỉ lệ thấp; kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu.

Cần phát triển Vùng đồng bằng sông Hồng trở thành trung tâm khoa học - công nghệ gắn với đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số hàng đầu của cả nước

Thủ tướng Phạm Minh Chính

Cùng với đó là hạ tầng giao thông thiếu kết nối, chủ yếu đường bộ. Hạ tầng du lịch còn yếu. Hệ thống đô thị phát triển chưa đồng bộ; thiếu liên kết giữa các đô thị, khu kinh tế, khu công nghiệp, nông thôn; phát triển nhà ở xã hội chưa đáp ứng yêu cầu.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của hạ tầng chiến lược và vấn đề liên kết, Thủ tướng lấy ví dụ, trước đây Nam Định có ưu thế phát triển hơn Hà Nam và Ninh Bình, nhưng hiện nay Hà Nam và Ninh Bình phát triển nhanh hơn, nguyên nhân quan trọng là hạ tầng giao thông kết nối của hai tỉnh này tốt hơn.

Một ví dụ khác, khi Hải Phòng triển khai các công trình giao thông kết nối với Quảng Ninh và các tỉnh khác thì Hải Phòng phát triển bứt phá.

Tại hội nghị, Thủ tướng nhấn mạnh cần "khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế vượt trội để Vùng đồng bằng sông Hồng thực sự là vùng động lực phát triển hàng đầu, có vai trò định hướng, dẫn dắt quá trình cơ cấu lại nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng của đất nước".

Trong số 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp, Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh phát triển kinh tế vùng, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển kinh tế biển.

Cùng với đó là cơ cấu lại ngành công nghiệp theo hướng hiện đại, công nghệ cao, ứng dụng nền tảng số, thân thiện với môi trường.

Thủ tướng cho biết cần phân bố không gian công nghiệp hợp lý theo các hành lang kinh tế; hành lang công nghiệp, gắn với cảng biển, tuyến cao tốc, tuyến quốc lộ kết nối với vùng lân cận.

Thủ tướng cũng yêu cầu phát triển hệ thống đô thị hiện đại, thông minh, bền vững, theo mạng lưới và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Thêm vào đó, hình thành các chuỗi đô thị, chuỗi đô thị thuộc các hành lang kinh tế gắn với phát triển công nghiệp, dịch vụ logistics.

Thủ tướng khẳng định cần ưu tiên nguồn lực xây dựng hệ thống giao thông đồng bộ, hiện đại; phát triển vận tải đa phương thức; đầu tư, nâng cấp các tuyến cao tốc, quốc lộ, đường sắt; cải tạo, nâng cấp, mở rộng, nâng cao hiệu quả khai thác đường thủy nội địa, cảng hàng không, cảng biển quốc tế.

Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.

Loạt vấn đề của doanh nghiệp bất động sản trước hội nghị với Thủ tướng

Pháp lý và nguồn vốn đang là 2 nút thắt lớn nhất của thị trường bất động sản, khiến các doanh nghiệp rơi vào khủng hoảng nặng nề, còn người dân cũng khó tiếp cận nhà ở.

Thảo My

Bạn có thể quan tâm