Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần là không sao chép y nguyên thông tư cũ, điều kiện cũ sang nghị định mới, mà phải nhận thức rõ giải pháp giải phóng sức sản xuất, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, tạo động lực phát triển mới.
Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần là không sao chép y nguyên thông tư cũ, điều kiện cũ sang nghị định mới. |
“Với tinh thần tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp, chúng ta kiên quyết xóa cho được lợi ích nhóm chi phối chính sách. Không thể bỏ qua các mặt trái của kinh tế thị trường mà Nhà nước cần quản lý, không thể buông hết bởi sẽ dễ bị lạm dụng”, Thủ tướng chỉ đạo.
Thủ tướng nêu rõ, Nhà nước pháp quyền không có nghĩa là xây dựng thật nhiều văn bản quy phạm pháp luật, mà quan trọng là chất lượng văn bản đó như thế nào. Theo đó, không phải chạy theo số lượng mà là chất lượng văn bản, làm sao tạo cơ chế quản lý tốt nhất, tạo điện kiện thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp, tạo động lực phát triển mới, thực hiện cho được mục tiêu phát triển doanh nghiệp thời gian tới.
“Văn bản nào mà sau này ban hành có sai sót, phải sửa đổi thì Bộ trưởng chủ trì soạn thảo phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng”, Thủ tướng nhắc nhởcác Bộ trưởng.
Ngoài ra Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan thường trực thi hành Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, nhất là Viện Quản lý kinh tế Trung ương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cần quyết liệt vào cuộc, cùng các bộ, ngành để rà soát những điều còn bất cập của luật, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội xem xét.
Theo báo cáo tổng hợp do Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng trình bày tại phiên họp về tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành các Luật có hiệu lực từ ngày 1/7/2016, hiện đã ban hành 21 văn bản. Còn 30 văn bản phải ban hành, trong đó số văn bản đã trình Chính phủ là 26, số văn bản chưa trình Chính phủ là 4 văn bản.
Về các nghị định quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh quy định chi tiết Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư, đến nay đã trình Chính phủ 49 nghị định trong tổng số 50 nghị định cần ban hành.