Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thủ tướng: Việt Nam sẽ không có phố đèn đỏ, casino tràn lan

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Việt Nam không phát triển du lịch theo hướng lập phố đèn đỏ, mở casino tràn lan.

Khai mạc hội nghị toàn quốc về phát triển du lịch ngày 9/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, đây là lần đầu tiên Chính phủ tổ chức hội nghị quy mô lớn toàn quốc về du lịch, với sự tham dự của lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương.

"Tôi mong sau hội nghị này, các bộ, ngành và địa phương cùng góp phần phát triển, để du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước”, Thủ tướng nói và cho rằng, ngành du lịch trong nước cần nhìn vào kinh nghiệm du lịch những nước trong khu vực. Đơn cử như Thái Lan đã thu hút 30 triệu khách quốc tế, Malaysia đón 26 triệu khách, Singapore 15 triệu khách.

Thủ tướng nêu mục tiêu đến 2020, du lịch Việt Nam đóng góp từ 10 đến 20% vào GDP. Ít nhất có 20 tỷ USD xuất khẩu tại chỗ từ du lịch. Ít nhất 15 triệu lượt khách quốc tế, 75 triệu khách nội địa. Phải đổi mới tư duy phát triển du lịch, phát triển du lịch có trọng tâm, trọng điểm, có tính chuyên nghiệp. Các địa phương, các cấp, các ngành phải lồng ghép phát triển du lịch trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội.

“Ai làm du lịch? Đúng là toàn dân làm du lịch, đây là xu hướng của thế giới, nhưng trong đó phải phát huy vai trò của doanh nghiệp. Nếu chúng ta không có hệ thống doanh nghiệp lớn mạnh có thương hiệu, biết cách quảng bá, xúc tiến sản phẩm, dịch vụ du lịch thì khó thành công”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh, Việt Nam sẽ không có phố đèn đỏ, không làm casino tràn lan. “Chúng ta không phát triển theo hướng đó”.

Hoi nghi Dien Hong ve phat trien du lich anh 1
Thủ tướng nêu mục tiêu đến 2020, du lịch Việt Nam đóng góp từ 10 đến 20% vào GDP. Ít nhất có 20 tỷ USD xuất khẩu tại chỗ từ du lịch. Ít nhất 15 triệu lượt khách quốc tế, 75 triệu khách nội địa. 

 

Ông Nguyễn Ngọc Thiện, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, năm 2015, du lịch đóng góp 6,6% GDP, tạo 2,25 triệu việc làm và giá trị xuất khẩu 8,5 tỷ USD. Vị lãnh đạo này thừa nhận, sự phát triển của ngành còn nhiều hạn chế, yếu kém, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế cũng như mong muốn của Đảng, Nhà nước và xã hội.

Minh chứng là Việt Nam còn thua kém nhiều nước trong khu vực về thu hút khách quốc tế.

"Hiện tượng chặt chém, ép giá, ép mua, đeo bám và chưa bảo đảm an ninh, an toàn cho du khách còn xảy ra ở nhiều nơi. Vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm chưa được quan tâm. Thái độ  ứng xử của một bộ phận người làm du lịch còn thiếu chuyên nghiệp, gây bức xúc", đại diện lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, thừa nhận.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các đại biểu tham dự hội nghị tập trung đánh giá lại tầm quan trọng của du lịch, cũng như các mặt yếu kém, bất cập, từ đó xác định những giải pháp cần thiết để tạo nên một khí thế mới trong phát triển, tiến tới chấm dứt tồn tại, bất cập mà du khách kêu ca. 

Chủ trương mà Thủ tướng nhấn mạnh tại hội nghị là không bàn thành tích nhiều, mà chủ yếu đánh giá thêm thực trạng nào bất cập. Thứ hai là tập trung tháo gỡ khó khăn của ngành để quy mô, chất lượng tốt hơn, hiệu quả tốt hơn. Không thể để các bất cập đến mức mà người ta hay nói là “một đi không trở lại.

"Sau buổi hội nghị này, Chính phủ sẽ tập hợp các kiến nghị để báo cáo Bộ Chính trị thông qua đề án phát triển du lịch quốc gia", Thủ tướng cho hay.

Cũng trong bài phát biểu, ông Nguyễn Xuân Phúc dành nhiều lời khen ngợi cho lãnh đạo và người dân Quảng Nam - Đà Nẵng trong việc quản lý du lịch và ứng xử với du khách.

"TP Hội An và Đà Nẵng là những địa phương rất tiêu biểu trong quản lý, phát triển du lịch. Trong các yếu tố quan trọng để phát triển du lịch thì có cộng đồng làm du lịch. Cộng đồng Quảng Nam - Đà Nẵng rất vui vẻ, thân thiện trong ứng xử với du khách, đó là điều quan trọng mà các địa phương có thể học hỏi kinh nghiệm", Thủ tướng nhìn nhận.

7 nỗi sợ của du khách tới Việt Nam

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng du lịch Việt Nam phát triển nhanh, “tuy nhiên, nguy cơ tụt hậu của du lịch Việt Nam đang rất lớn”.

Theo Phó thủ tướng, 70% khách đến Việt Nam không quay trở lại vì 7 nỗi sợ: Sợ cướp giật, sợ trộm cắp, sợ kẹt xe, sợ tai nạn giao thông, sợ thái độ phục vụ và sự trân trọng du khách, sợ nhà vệ sinh mất vệ sinh, sợ ô nhiễm môi trường.

Để du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, theo Phó Thủ tướng, quan trọng nhất là phải thay đổi lại tư duy, coi du lịch là một ngành kinh tế dịch vụ, ứng xử với ngành này theo các quy luật của kinh tế thị trường, chứ không phải chỉ đơn thuần là ngành vui chơi giải trí, mang nặng tính bao cấp.

Ông đề nghị phải nhận thức ngành du lịch là ngành kinh tế có dấu ấn văn hóa sâu sắc, có tính tổng hợp, liên kết vùng, liên kết ngành rõ nét. Theo đó, phải coi trọng tính cộng đồng trong kinh doanh du lịch mà vai trò trực tiếp ở đây là doanh nghiệp và người dân.

Không cần com lê, cà vạt, xắn tay ngay vào làm

 Phát biểu tại hội nghị, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng tinh thần “không cần com lê, cà vạt, xắn tay ngay vào làm” phải được quán triệt đến từng bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp, điểm đến.

Điểm lại các nhóm kiến nghị, tâm tư của doanh nghiệp, địa phương, Phó thủ tướng cho biết những kiến nghị của doanh nghiệp, địa phương không chỉ được ghi nhận đơn thuần mà sau hội nghị, Thủ tướng sẽ chỉ đạo ngay những việc cụ thể để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy du lịch phát triển.

“Ví dụ vấn đề visa điện tử, Thủ tướng đã quyết định giao Bộ Công an triển khai để đầu năm 2017 có thể thực hiện trước hết là ở các thị trường trọng điểm”, Phó thủ tướng thông tin và mong muốn sau Hội nghị này, các doanh nghiệp, địa phương, bộ ngành một lòng quyết tâm, nỗ lực để du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, trọng điểm.

Nguyên Vũ - Nhật Lâm

Bạn có thể quan tâm