Trong hàng loạt hoạt động ngoại giao của Thủ tướng Phạm Minh Chính ngày đầu tiên đến Pháp, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam đã hội đàm với Thủ tướng Pháp Jean Castex vào chiều 3/11, theo giờ địa phương.
Tại Điện Matignon ở thủ đô Paris nước Pháp, hai nhà lãnh đạo cùng thông tin cho nhau về tình hình mỗi nước.
Đề nghị Pháp chuyển giao công nghệ vaccine
Nhắc đến dịch Covid-19, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam khẳng định chiến lược chống dịch là đẩy nhanh việc tiêm chủng vaccine đi đôi với tăng cường các biện pháp thúc đẩy sản xuất, phục hồi kinh tế.
Trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Phạm Minh Chính, Thủ tướng Pháp Jean Castex tuyên bố Pháp sẽ hỗ trợ thêm cho Việt Nam hơn 1,3 triệu liều vaccine Covid-19. Ảnh: TTXVN. |
Nhân đề cập nội dung này, Thủ tướng Pháp tuyên bố sẽ hỗ trợ thêm cho Việt Nam 970.000 liều vaccine phòng Covid-19 qua cơ chế COVAX và 400.000 liều qua kênh song phương, nâng tổng số vaccine hỗ trợ cho Việt Nam đến nay lên hơn 2 triệu liều.
Cảm ơn sự giúp đỡ của Chính phủ Pháp dành cho Việt Nam trong công tác phòng chống Covid-19, Thủ tướng mong muốn Pháp tiếp tục chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ Việt Nam trong đào tạo nhân lực ngành y, chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine và thích nghi với bối cảnh hậu Covid-19.
Trong quan hệ hai nước, Thủ tướng Việt Nam và Pháp nhất trí tăng cường trao đổi đoàn cấp cao, nâng cao hiệu quả các cơ chế đối thoại; mở rộng hợp tác trên mọi lĩnh vực; phối hợp chặt chẽ trong các vấn đề khu vực và quốc tế, đồng thời tích cực ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn đa phương.
Bên cạnh đó, hai bên tăng tần suất chuyến bay giữa Việt Nam và Pháp nhằm tạo cơ hội mở rộng giao lưu nhân dân hai nước, tăng cường hợp tác giữa các địa phương.
Hai bên thống nhất triển khai biện pháp tạo điều kiện hơn nữa cho trao đổi thương mại song phương, hỗ trợ các doanh nghiệp, hàng hóa của hai nước thâm nhập thị trường của nhau; đề xuất biện pháp thúc đẩy dự án hợp tác trong các lĩnh vực trọng điểm như giao thông vận tải, cơ sở hạ tầng, nông nghiệp, môi trường, năng lượng và hàng không - vũ trụ…
Cuộc hội đàm giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Pháp Jean Castex. Ảnh: TTXVN. |
Đề cập đến vấn đề quốc tế và khu vực, trong đó có vấn đề Biển Đông, hai Thủ tướng nhấn mạnh các quốc gia cần đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định và thịnh vượng, đảm bảo an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không và giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế.
Nhân dịp này, Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ kết quả tham dự của Đoàn cấp cao Việt Nam tại Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP26) vừa diễn ra tại Anh.
Ông cho biết Việt Nam cam kết xây dựng và triển khai chính sách và biện pháp mạnh mẽ, đồng thời thúc đẩy hợp tác quốc tế, trong đó có thực hiện cơ chế theo Thỏa thuận Paris để đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Thủ tướng Phạm Minh Chính mong muốn các nước phát triển, trong đó có Pháp, tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực này.
Thỏa thuận hợp tác 10 tỷ USD
Tối 3/11 (theo giờ địa phương), lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa các cơ quan và doanh nghiệp Việt Nam - Pháp diễn ra ngay sau khi cuộc hội đàm giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Cộng hòa Pháp Jean Castex kết thúc.
Thủ tướng cùng lãnh đạo cấp cao hai nước đã trực tiếp chứng kiến các thỏa thuận hợp tác giữa Bộ Tư pháp Việt Nam và Tham Chính viện Cộng hòa Pháp giai đoạn 2021-2026; thỏa thuận hành chính giữa Bộ GD&ĐT Việt Nam với Bộ Giáo dục đại học, Nghiên cứu và Đổi mới nước Cộng hòa Pháp về việc công nhận văn bằng và quá trình đào tạo.
Thỏa thuận vay và viện trợ cho Dự án Quản lý đa thiên tai lưu vực sông Nậm Rốm, tỉnh Điện Biên cùng Ý định thư hợp tác thực hiện các dự án vệ tinh quan sát Trái Đất giữa Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam và Trung tâm Nghiên cứu vũ trụ Quốc gia Pháp cũng đã được ký kết.
VietJet và Safran ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược toàn diện, doanh số hợp tác trị giá 10 tỷ USD giữa hai bên. Ảnh: TTXVN. |
Đặc biệt, dưới sự chứng kiến của hai nhà lãnh đạo, nhiều thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, thương mại được xúc tiến thành công. Theo đó, VietJet và Safran - Tập đoàn công nghệ cao hàng đầu thế giới của Pháp, đã ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược toàn diện, trên cơ sở doanh số hợp tác trị giá 10 tỷ USD giữa hai bên.
Việc hợp tác bao gồm tăng cường doanh số cung cấp động cơ, đồng thời mở rộng nhiều lĩnh vực khác như ghế máy bay, nội thất buồng máy bay, dịch vụ đào tạo quản lý kỹ thuật động cơ cũng như cơ hội thành lập các tổ hợp sửa chữa bảo dưỡng công nghệ cao và đào tạo tại Việt Nam.
Safran sẽ cung cấp dịch vụ và chương trình đào tạo cho đội ngũ kỹ thuật của VietJet và hỗ trợ hãng thành lập Tổ hợp đào tạo và sửa chữa bảo dưỡng động cơ máy bay của VietJet tại Việt Nam. Đặc biệt, hai bên cam kết đẩy nhanh hợp tác và cung cấp cho VietJet các giải pháp phân tích thông tin chuyến bay toàn diện và hiệu quả nhất trong thời gian tới.
Trong khi đó, Bamboo Airways và Safran ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác về việc lựa chọn động cơ và các thiết bị máy bay cho đơn hàng 50 máy bay A321NEO và 30 máy bay Boeing 787-9 của Bamboo Airways. Tổng giá trị các thỏa thuận trong biên bản ghi nhớ hợp tác ước tính đạt 2 tỷ euro.
Cũng trong lễ ký kết này, Thales và VNPT đã ký Biên bản ghi nhớ chiến lược để hợp tác trong các lĩnh vực vệ tinh viễn thông, thành phố thông minh và an toàn, nhận dạng kỹ thuật số và sinh trắc học, 5G, IoT và an ninh mạng.