Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Thủ tướng Việt Nam là biểu tượng lãnh đạo châu Á'

Tờ Korea Herald của Hàn Quốc ngày 2/2 có bài viết ca ngợi sự lãnh đạo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, cho rằng ông là một biểu tượng lãnh đạo ở châu Á.

Năm 2013, hình ảnh của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trở nên nổi bật ở chính trường châu Á và quốc tế.  

Ông được các tổ chức toàn cầu và các hãng thông tấn hàng đầu châu Á và thế giới ca ngợi vì khả năng lãnh đạo và thông điệp "niềm tin chiến lược", nhằm đối phó với các thách thức kinh tế và căng thẳng khu vực.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Đối thoại Shangri-La, Singapore năm 2013.

Tại Đối thoại Shangri-La 2013, bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng - trong đó nhấn mạnh vào "niềm tin chiến lược" - đã đem đến cho cộng đồng quốc tế một bức tranh sáng rõ hơn về Việt Nam. Mặc dù vẫn còn phải đối mặt với nhiều thách thức, Việt Nam vẫn cho thấy cách tiếp cận tích cực, chủ động và có trách nhiệm của mình với các vấn đề chung.

Bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã gây được tiếng vang mạnh mẽ. Khái niệm về "niềm tin chiến lược" được đề cập và áp dụng như một ý tưởng mới, một biện pháp khắc phục những thách thức địa chính trị trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã cho thấy bản chất thật sự của cuộc xung đột và bất đồng ở châu Á - Thái Bình Dương. Đó là thái độ hoài nghi chính trị dẫn đến bế tắc, dẫn đến chỗ các cuộc xung đột, vì thế không thể hoà giải được.

Năm 2013, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng xuất hiện nhiều trên báo chí châu Á với rất nhiều lời khen ngợi. Bên cạnh tờ Korea Herald của Hàn Quốc, phiên bản điện tử của tờ báo Malay Mail (xuất bản từ năm 1896) gọi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là "một nhà lãnh đạo Việt Nam thực thụ".

Tuần báo Viet Weekly bình luận rằng, việc mời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là diễn giả chính tại Đối thoại Shangri-La cho thấy Việt Nam được các nhà lãnh đạo chính trị, quân sự trong khu vực và toàn cầu tôn trọng.

Tạp chí Eurasia Review cho biết, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đúng khi truyền tải thông điệp rằng "cần phải có hòa bình và hợp tác và điều này phụ thuộc vào nhân tố hàng đầu là lòng tin chiến lược". Tạp chí này cũng đồng tình với nhận xét của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng rằng, an ninh ở châu Á - Thái Bình Dương phụ thuộc vào việc kiềm chế các hành động gây hấn. Nếu sự cạnh tranh và can dự đó mang những toan tính của riêng mình, bất bình đẳng, trái với luật pháp quốc tế, thiếu minh bạch thì không thể củng cố được lòng tin chiến lược, dễ dẫn tới chia rẽ, nghi kỵ và nguy cơ kiềm chế lẫn nhau, ảnh hưởng tiêu cực tới hòa bình, hợp tác và phát triển.

Ngay cả tạp chí Bloomberg danh tiếng cũng ca ngợi Thủ tướng Việt Nam là một biểu tượng có ảnh hưởng lớn, khi ông cam kết mở cửa các doanh nghiệp nhà nước vào thị trường cạnh tranh, cho phép tăng quyền sở hữu của nước ngoài tại các ngân hàng, trong bối cảnh chính phủ nỗ lực vực dậy đà tăng trưởng và tham gia vào các thỏa thuận thương mại.

Với hàng loạt những thành tích đặc biệt như vậy, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng được độc giả tờ Huffington Post bầu chọn là thủ tướng được đánh giá cao nhất ở châu Á trong năm 2013, một nhà lãnh đạo có ảnh hưởng lớn ở Việt Nam và khu vực.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng là thủ tướng duy nhất của Việt Nam được Tạp chí Thương mại thế giới bình chọn là một trong 20 nhà cải cách của châu Á trong nhiệm kỳ đầu của ông. Như vậy, ông đã đưa nền kinh tế Việt Nam thoát ra khỏi khủng hoảng và thực hiện hàng loạt cải cách để nhanh chóng đưa Việt Nam thành ''con rồng châu Á''.

http://laodong.com.vn/the-gioi/bao-han-quoc-thu-tuong-nguyen-tan-dung-la-bieu-tuong-lanh-dao-chau-a-178110.bld

Theo Lao Động

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm